Tiếng Việt | English

15/10/2016 - 18:11

Phát triển cụm công nghiệp: Cần được tháo gỡ những khó khăn để thu hút đầu tư

Những năm gần đây, Long An thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút mạnh đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn những quy định về công tác quản lý Nhà nước ở các cụm công nghiệp (CCN) chưa đồng bộ, một số quy định chưa sát với thực tế tại địa phương, khiến việc quản lý CCN của Sở Công Thương các tỉnh, thành nói chung, Long An nói riêng còn nhiều bất cập, làm hạn chế đến công tác quản lý, phát triển CCN.

Long An có 32 CCN theo quy hoạch với tổng diện tích 3.368ha, trong đó, 28 CCN (1.878ha) có chủ đầu tư hạ tầng; 14 CCN (613ha) tiếp nhận DN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có 2 CCN san lấp toàn bộ mặt bằng, nhưng chưa xây dựng hạ tầng; 4 CCN san lấp một phần diện tích; 3 CCN tiếp tục thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và 4 CCN mới có chủ trương đầu tư của UBND tỉnh.

Cụm công nghiệp Anova Group với tỷ lệ lấp đầy 100%

Trong số các CCN hiện có, có 14 CCN đang hoạt động, thu hút 263 dự án (60 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 210 triệu USD và 203 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 5.333,13 tỉ đồng).

Tình trạng không kiểm soát được hoạt động của các CCN, một phần xuất phát từ các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không đồng nhất, dẫn tới việc khó triển khai tại các địa phương. Đơn cử, theo quy định, với những CCN không có chủ đầu tư hạ tầng thì thành lập trung tâm phát triển CCN. Tuy nhiên, việc thành lập trung tâm như thế nào lại không có hướng dẫn, trong khi kinh phí của tỉnh khó khăn, rất khó bố trí biên chế. Tại một số cụm, UBND huyện làm chủ đầu tư kết cấu hạ tầng vừa thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, vừa kinh doanh là không phù hợp. Văn bản hướng dẫn về hồ sơ thành lập CCN cũng không cụ thể, thiếu hẳn phần cơ chế, chính sách thu hút DN đầu tư vào cụm.

Căn cứ theo theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg, ngày 19-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý CCN trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ có một số CCN như: Kiến Thành, Lợi Bình Nhơn,... được thành lập sau quyết định này. Như vậy, tỉnh phải rà soát, xử lý và đưa các CCN được thành lập trước khi có quy chế vào quy hoạch. Hiện nay, Sở Công Thương tỉnh hướng dẫn các địa phương hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý. Tuy nhiên, việc xử lý các CCN này đang bị “ách tắc” do quy hoạch phát triển CCN hiện chưa được phê duyệt.

Tại một số CCN như: Hoàng Gia, Đức Thuận Long An,... đang có nhu cầu mở rộng diện tích. Riêng với các CCN: Liên Minh, Anova Group, Kiến Thành,... tỷ lệ lấp đầy đạt trên 90%, đang có nhu cầu mở rộng diện tích. Tuy nhiên, để mở rộng CCN buộc phải có chủ đầu tư kết cấu hạ tầng, có trạm xử lý nước thải tập trung,... 2 yêu cầu này quá khó, rất ít CCN trên địa bàn tỉnh đáp ứng, nên việc mở rộng diện tích là rất khó.

Có thể nói, hiện trạng trong công tác quản lý CCN ở tỉnh đang là vấn đề chung của cả nước. Sự bất cập, không bao quát hết thực tế của các văn bản chính sách là nguyên nhân không nhỏ gây nên vấn đề này. Sửa đổi chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý CCN không chỉ là đề xuất của tỉnh mà còn là ý kiến chung của nhiều địa phương trên cả nước.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh - Nguyễn Xuân Hồng cho biết: Thực hiện Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Công Thương là cơ quan đầu mối tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các CCN trên địa bàn; chủ trì xây dựng và bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển CCN trình UBND tỉnh phê duyệt; thẩm định hồ sơ thành lập, mở rộng CCN; tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN và các dự án đầu tư xây dựng công trình trong CCN theo thẩm quyền; đề xuất và thực hiện các cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến phát triển CCN; tổng hợp, đánh giá và báo cáo tình hình hoạt động của các CCN trên địa bàn; quản lý hoạt động của các doanh nghiệp trong CCN theo thẩm quyền;... Tuy nhiên, CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, nếu trong quá trình hoạt động gặp thuận lợi thì công tác quản lý sau đầu tư được duy trì tốt; còn khi khó khăn thì doanh nghiệp buông lỏng, không tiếp tục đầu tư.

“Mặt khác, việc chuyển nhượng giữa các doanh nghiệp trong CCN được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, không thông qua các tổ chức quản lý CCN. Trong quy chế quản lý CCN cũng chưa quy định bắt buộc doanh nghiệp thực hiện chuyển nhượng phải báo cáo đơn vị, tổ chức quản lý nên việc quản lý doanh nghiệp trong CCN cũng rất nan giải” - cán bộ quản lý Phòng Công nghiệp-Sở Công Thương chia sẻ thêm.

Trước kia, do chưa quy định rõ cơ quan nào quản lý cụ thể nên hồ sơ bị thất lạc; thủ tục lập hồ sơ gồm nhiều nội dung và chưa có hướng dẫn; sau khi CCN triển khai làm thủ tục thành lập, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp đang hoạt động vì phải khai lại đăng ký kinh doanh, vị trí, địa điểm,...

Hệ thống xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp Kiến Thành

Không thể phủ nhận, việc hình thành các CCN góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của từng địa phương, khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động; phát triển dịch vụ đi kèm, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Các doanh nghiệp trong CCN phát triển còn làm thay đổi bộ mặt và cấu trúc mạng lưới thương mại hàng hóa, dịch vụ của tỉnh. Tuy nhiên, với vai trò quản lý Nhà nước đối với các CCN, Sở Công Thương là chỉ là cơ quan “phối hợp” các ngành chức năng chứ không thể chủ động giải quyết những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cho việc quản lý, đầu tư xây dựng CCN. Đây là vấn đề hết sức khó khăn.

Dù vậy, nhưng với vai trò, trách nhiệm của mình, Sở Công Thương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh về các giải pháp nhằm hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng CCN hoàn thành thủ tục pháp lý (đối với các CCN chưa đủ thủ tục) và thúc đẩy tiến độ xây dựng hạ tầng các CCN, cải thiện tình hình thu hút đầu tư để CCN sẽ là một trong những thành phần có vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp của tỉnh trong thời gian tới./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích