Tiếng Việt | English

28/07/2016 - 11:34

Phát triển đồng bộ hạ tầng thủy lợi – Yêu cầu cấp thiết

Hàng năm, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An triển khai các kế hoạch với nhiều giải pháp nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất.

Vẫn "nhất nước,..."

Toàn tỉnh Long An hiện có trên 120 trạm bơm lớn, nhỏ cung cấp nước tưới tiêu cho các hộ dân trên địa bàn. Trung bình mỗi năm, khoảng hơn 200 công trình xây dựng, nạo vét, sửa chữa, gia cố các tuyến kênh, đê bao, trạm bơm, cống, đập được ngành NN&PTNT triển khai thực hiện.

Hạ tầng thủy lợi được đầu tư ngày càng hoàn thiện để phục vụ sản xuất nông nghiệp

Tại huyện Đức Hòa, sau 3 năm triển khai thực hiện, công trình kênh chính và khu tưới Đức Hòa được đưa vào sử dụng, có ý nghĩa rất quan trọng, thiết thực, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Công trình có tổng kinh phí đầu tư trên 2.000 tỉ đồng. Hệ thống công trình có 126 tuyến kênh, tổng chiều dài trên 182km, phục vụ tưới cho hơn 13.821ha khu tưới mới và cấp 4m3/s nước thô phục vụ dân sinh, công nghiệp trên địa bàn. Đây là công trình đa mục tiêu, có nhiệm vụ quan trọng là cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, bổ sung mạch nước ngầm, cấp nước sinh hoạt cho dân cư nông thôn, đô thị, phục vụ công nghiệp, tạo môi trường sống xanh, sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển giao thông nông thôn,...

Ông Lê Văn Liêm, ngụ xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa cho biết: “Có nguồn nước ổn định, chúng tôi cũng yên tâm sản xuất. Thời gian trước, phụ thuộc vào nước mưa nên sản lượng làm ra không nhiều; giờ không còn phải lo lắng thiếu nguồn nước tưới. Không riêng gia đình tôi, mà người dân ở đây ai cũng phấn khởi”.

Bên cạnh đó, năm 2015, UBND tỉnh quyết định đầu tư nạo vét tuyến kênh Lô 2 kết hợp sửa chữa bờ kênh - bắt đầu kênh 79 và kết thúc tại kênh Xáng Cụt nằm trên địa bàn xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng công trình hơn 1,4 tỉ đồng, đến nay, công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và sản xuất nông nghiệp.

Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi

Những năm gần đây, tình hình sản xuất lúa của nông dân ở khu vực xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng bấp bênh, thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, hạn, năng suất, sản lượng giảm đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu là lòng kênh T1 bị bồi lắng, không đủ nước tưới chống hạn mùa khô, bị ảnh hưởng phèn, vì vậy, cơ cấu mùa vụ, điều kiện sản xuất trong mùa khô bị xáo trộn, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên.

Để phục vụ tốt sản xuất cho người dân, tỉnh đầu tư nâng cấp, nạo vét tuyến kênh T1, kết hợp sửa chữa bờ kênh làm đường giao thông nông thôn (kênh Cả Sách đến kênh 7 Thước). Tuyến kênh T1 được bắt đầu từ kênh Cả Sách và kết thúc tại kênh 7 Thước thuộc địa bàn xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng. Tổng chiều dài toàn tuyến 5.510m. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 6/2016, cung cấp nước tưới cho 570ha đất canh tác, nước sinh hoạt vào các tháng mùa khô cho nhân dân trong khu vực. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng công trình hơn 3,2 tỉ đồng.

Gia cố đê bao để ngăn mặn, tránh lũ

Ngoài ra, dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh trục tiêu thoát lũ, cung cấp nước tưới (còn gọi là dự án Kênh 61) đang được thực hiện. Công trình này bắt đầu xây dựng vào năm 2014 và dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Toàn tuyến kênh 61 dài hơn 46km, nối từ huyện Vĩnh Hưng qua thị xã Kiến Tường, huyện Mộc Hóa, Thạnh Hóa và điểm cuối tại huyện Đức Huệ. Tổng mức đầu tư cho công trình trên 234 tỉ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và vốn đối ứng của tỉnh.

Khi hoàn thành, kênh 61 dẫn nước tưới tiêu, xả phèn cho khoảng 9.130ha lúa 2 vụ, 50ha hoa màu, 330ha đay, 302ha tràm, đắp bờ bao kiểm soát lũ kết hợp xây dựng đường giao thông nông thôn, bờ bao kiểm soát lũ cho lúa Hè Thu, phục vụ giao thông, cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông thủy, bộ, cải thiện môi trường sinh thái, kết cấu hạ tầng khu vực.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh - Lê Văn Hoàng thông tin: “Mặc dù hạ tầng thủy lợi cơ bản bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nhưng chỉ mới đáp ứng ở mức tương đối - khoảng 70% so với nhu cầu thực tế. Khó khăn của ngành chủ yếu là nguồn vốn đầu tư xây dựng. Hiện nay, ngành tập trung đầu tư các công trình dẫn nước tưới, thoát lũ cho các huyện vùng Đồng Tháp Mười và gia cố các cống, đập, đê ngăn mặn ở các huyện phía Nam của tỉnh”.

Để bảo đảm sản xuất và phòng, chống hạn, mặn, thời gian tới, ngành thực hiện các giải pháp: Nạo vét các hệ thống thủy lợi; duy tu, sửa chữa cống, đê bao; hoàn chỉnh hệ thống đê bao, cống đập ven sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, dọc Quốc lộ 62. Đề xuất nạo vét một số tuyến kênh trục dẫn nước sông Tiền về vùng Đồng Tháp Mười: Kênh Hồng Ngự, ngọn sông Vàm Cỏ Tây và các rạch Đôi Ma-Xóm Bồ (huyện Cần Đước), Trị Yên-Rạch Chanh (huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc),... và xin chủ trương tỉnh đắp 6 đập ngăn mặn dọc tuyến Quốc lộ 62, địa bàn giáp tỉnh Tiền Giang - ông Lê Văn Hoàng thông tin thêm./.

Hải Phong-Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết