Tiếng Việt | English

09/06/2016 - 14:49

Phát triển hợp tác xã trong xây dựng cánh đồng lớn

Việc thực hiện cánh đồng lớn (CĐL) trên địa bàn tỉnh Long An thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực. Vai trò của hợp tác xã (HTX) đối với CĐL là vô cùng quan trọng. Khi các hộ nông dân tham gia mô hình thì việc sản xuất đạt hiệu quả cao, đầu ra, giá thành nông sản ổn định và cao hơn so với các hộ không tham gia. Bên cạnh đó, các thành viên được HTX tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn sản xuất,…tạo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm hiệu quả.


Xây dựng CĐL gắn với phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới

Vai trò của HTX với CĐL

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 75 HTX nông nghiệp với khoảng 1.588 thành viên và 2 liên hiệp HTX. Trong năm 2015, có 20 HTX đạt doanh thu trên 4 tỉ đồng và có 4 HTX có lợi nhuận với tổng lợi nhuận hơn 1,4 tỉ đồng. Các HTX góp phần hỗ trợ cho kinh tế người dân, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong HTX và địa phương với thu nhập bình quân từ 2 – 3,5 triệu đồng/tháng. Các thành viên HTX tham gia CĐL được hỗ trợ về kỹ thuật, các chính sách về vốn, phòng trừ dịch bệnh, kết cấu hạ tầng, đồng thời được chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ.

Năm 2015, tỉnh phối hợp 20 doanh nghiệp triển khai thực hiện 63 lượt CĐL với diện tích gần 25.000ha, trên 10.000 hộ dân tham gia. Vụ Đông Xuân 2016, thực hiện được 43 lượt CĐL với diện tích gần 15.000ha, hơn 4.600 hộ và 13 doanh nghiệp tham gia. Trong vụ Hè Thu 2016 có 57 CĐL diện tích 13.126 ha, với 5.506 hộ tham gia, có 12 doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm. Việc thực hiện CĐL còn làm tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời tạo thương hiệu nông sản cho tỉnh nhà.


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 75 HTX nông nghiệp với khoảng 1.588 thành viên và 2 liên hiệp HTX

Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Văn Được cho biết: “Việc tổ chức sản xuất theo CĐL mang lại kết quả vượt trội so với diện tích bên ngoài mô hình về năng suất, chất lượng và giá trị. Tuy nhiên, thời gian qua, tỉnh thực hiện mô hình này cũng gặp khá nhiều khó khăn như doanh nghiệp tham gia thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng CĐL chưa nhiều, một số nơi chưa có HTX, nông dân còn sản xuất nhỏ, lẻ,…Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, giao cho các ngành liên quan cùng với người dân để phát triển CĐL gắn với HTX để phát triển kinh tế hợp tác”.

Đạt hiệu quả đáng kể

Trong những năm qua, việc phát triển CĐL gắn với HTX tạo chuyển biến tích cực của thành phần kinh tế tập thể, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn (huyện Tân Hưng)- Trương Hữu Trí cho biết: “HTX với quy mô sản xuất nông nghiệp 464 ha, với 103 hộ tham gia. Mô hình liên kết sản xuất thật sự cần thiết và có lợi mọi mặt: Thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp phát triển; nông dân sản xuất có thu nhập cao; tạo ra 1 chuỗi giá trị nông sản sạch cung cấp cho công ty xuất khẩu ra thị trường thế giới; góp phần ổn định cuộc sống người dân. Trong vụ Đông Xuân vừa qua, lợi nhuận trung bình của nông dân khoảng 28 triệu đồng/ha, cao hơn so với bên ngoài 5 triệu đồng/ha, nông dân có đầu ra ổn định. Từ đó, từng thành viên HTX đồng tình tham gia. Vì thế, chúng tôi mong rằng, mô hình liên kết sản xuất trong CĐL được lâu dài và bền vững”.


Xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm thanh long bền vững

Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành) – Trương Quang An cho biết: “Diện tích trồng thanh long của HTX là 60 ha, với 50 thành viên. Được sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, huyện, xã và Liên minh HTX tỉnh, HTX đã tiếp cận được nguồn vốn vay để xây dựng nhà xưởng mở rộng sản xuất, kinh doanh. Khi mới thành lập HTX chủ yếu xuất hàng sang Trung Quốc. Hiện nay, sau khi được công nhận nhãn hiệu hàng hóa có uy tín và chất lượng, HTX được khách hàng nhiều nước tìm đến và mua sản phẩm như: Thái Lan, Singapore, Hong Kong, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Nhật, Mỹ. Trong năm 2016, HTX tham gia Đề án xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm thanh long bền vững tại tỉnh Long An do Liên minh HTX Việt Nam chủ trì”.

Theo TS.Trần Minh Hải – Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II, lợi ích của HTX sản xuất nông nghiệp là giảm chi phí do chuyên nghiệp hóa quản lý và chu kỳ sản xuất; giảm chi phí do sử dụng hiệu quả lao động và máy móc; giảm chi phí từ việc mua sắm các vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, …); hưởng lợi từ tính kinh tế của quy mô của các CĐL (áp dụng công nghệ hiện đại, chính xác và tiết kiệm thời gian). Vì vậy, để tạo chuỗi giá trị sản xuất hiệu quả thì HTX cần tăng khả năng tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm của HTX; việc tiêu thụ nông sản trong CĐL qua HTX; xây dựng mạng lưới HTX liên kết theo cả chiều ngang cũng như chiều dọc; năng lực HTX càng mạnh thì tỷ lệ thực hiện hợp đồng cao và người dân tham gia sản xuất có lợi trong chuỗi liên kết./.

Lê Huỳnh – Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích