Tiếng Việt | English

23/09/2015 - 14:59

Phát triển kinh tế hợp tác gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long tổ chức hội thảo phát triển kinh tế hợp tác gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Đại biểu tham gia hội thảo

Để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đến thời điểm hiện nay, Long An đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung theo lợi thế từng vùng sinh thái. Toàn tỉnh có 4 vùng, vùng I là vùng Đồng Tháp Mười - phát triển lúa cao sản xuất khẩu; vùng II thuộc các huyện Đức Huệ, Thủ Thừa - vùng phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và đa dạng hóa cây trồng; vùng III phát triển nông nghiệp ven đô tại Tân An, Tân Trụ và Châu Thành; vùng IV là vùng giáp ranh TP.HCM, vùng chịu ảnh hưởng nặng của công nghiệp hóa và đô thị hóa.

Sau 2 năm thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, kết quả bước đầu rất khả quan, nhiều cây trồng chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao (chanh, thanh long, bắp,…) góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn, tạo điều kiện quan trọng cho việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

2 năm qua, đã chuyển trên 10.800ha đất trồng lúa sang các cây trồng khác như thanh long, chanh, bắp, đậu phộng, dưa hấu,… Nhìn chung, các cây trồng chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế, lợi nhuận từ 150-250 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay, nhất là ở hình thức kinh tế hợp tác do thị trường tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh, việc triển khai cánh đồng lớn cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu các doanh nghiệp thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Theo Liên minh HTX, toàn tỉnh hiện có 113 HTX, trong đó có 67 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp với các ngành nghề như dịch vụ nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi.

Hiện nay, các HTX chuyên về rau an toàn, chanh, thanh long đã có bước tiến nổi bật là có định hướng trong sản xuất và tiêu thụ, có đăng ký thương hiệu và sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP.

Tuy nhiên, sự liên kết 4 nhà chưa chặt chẽ nên đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp chưa bền vững, tính chuyên nghiệp chưa cao; nông dân đang đứng trước nhiều khó khăn về vốn, kỹ thuật, đầu ra sản phẩm,… Để nông dân có lợi nhuận trong sản xuất thì cần thiết phải tham gia chuỗi liên kết 4 nhà và tạo ra chuỗi sản phẩm khép kín, sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Hội thảo nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, nêu lên những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện tái cơ cấu. Qua đó, đã có nhiều ý kiến đề xuất giải pháp hay để trong thời gian tới kinh tế hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp được phát triển mạnh mẽ, đạt kết quả như mong muốn nhằm thực hiện vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Gia Hân - Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết