Tiếng Việt | English

22/06/2017 - 21:28

Phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành: Bước đầu đạt kết quả khả quan

Chiều 22/6, UBND tỉnh Long An cùng Ban Chỉ đạo Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, qua đó, đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh việc thực hiện đề án trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo - Phạm Văn Rạnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo - Phạm Văn Cảnh chủ trì hội nghị.


Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp góp phần mang lại hiệu quả cao

Bước đầu đạt kết quả khả quan

Tại hội nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, báo cáo tiến độ triển khai Nghị quyết 08-NQ/TU, ngày 04/3/2016 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Sau hơn 1 năm triển khai, đối với cây lúa bước đầu mang lại nhiều kết quả khả quan: Có 1.500ha lúa ƯDCNC trong sản xuất, trong đó, sử dụng máy cấy 500ha, san phẳng mặt ruộng bằng tia laser 1.000ha và có bao tiêu sản phẩm.

Kết quả cho thấy, mô hình ƯDCNC lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình từ 2-3 triệu đồng/ha, giảm chi phí bình quân 1-1,5 triệu đồng/ha và tăng năng suất 300-500kg/ha.

Về cây rau, tỉnh xác định vị trí, ranh giới của vùng sản xuất rau ƯDCNC và triển khai được 86,4ha sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học trong sản xuất. Đồng thời, cấp giấy xác nhận sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi cho 3 hợp tác xã (HTX) rau: Phước Hòa (Cần Đước), Phước Hiệp (Cần Giuộc), Tân Hiệp (Đức Hòa) để cung ứng cho thị trường TP.HCM.

Đối với cây thanh long, xác định ranh giới, vùng sản xuất thanh long CNC 2.000ha và tổ chức tập huấn phát triển kinh tế hợp tác và sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP cho 11/12 xã của huyện Châu Thành.

Riêng về chăn nuôi bò, thời gian qua, tỉnh điều tra, đánh giá hiện trạng ngành hàng bò thịt tại 2 huyện Đức Hòa, Đức Huệ, xác định vùng triển khai thực hiện tại 22 xã, thị trấn trên địa bàn 2 huyện Đức Hòa, Đức Huệ nhằm xác định thực trạng của vùng để có hướng chuyển giao ứng dụng cho phù hợp. Đã có kế hoạch xây dựng tổ hợp tác, HTX trên địa bàn 2 huyện (đến 2020, có 19 tổ hợp tác, HTX).

Đồng thời, đề án lựa chọn 4 doanh nghiệp có ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp để định hướng phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ƯDCNC phù hợp, gồm: Công ty TNHH Chăn nuôi Phú Gia Long An, Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt Long An, Công ty TNHH Nghiên cứu và Sản xuất giống ƯDCNC Hưng Thịnh và Công ty TNHH Huy Long An.

Theo đánh giá của các thành viên ban chỉ đạo, nhìn chung, việc triển khai Đề án phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đạt kết quả khả quan, xác định cụ thể vùng đề án để tập trung đầu tư. Công tác thông tin, tuyên truyền tạo chuyển biến tích cực trong nhân dân về tầm quan trọng của việc sản xuất sạch, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hiệu quả kinh tế, nhất là sản xuất theo chuỗi. Công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và giám sát bảo đảm an toàn được tăng cường, nhiều hợp đồng cung ứng sản phẩm sạch được thực hiện, góp phần tiêu thụ nông sản cho người dân.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện chương trình còn chậm so với yêu cầu đặt ra, nhất là sự phối hợp của các ngành, địa phương, hội, đoàn thể trong việc thông tin, tuyên truyền quan điểm, chủ trương, nghị quyết đến người dân, một số mô hình trình diễn sản xuất ƯDCNC khi nhân rộng gặp khó khăn do tỷ lệ vốn đối ứng của người dân trong các mô hình cao, chưa có chính sách khuyến khích riêng để thực hiện chương trình,...


Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đạt kết quả khả quanTập trung thực hiện

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo - Phạm Văn Rạnh yêu cầu, các địa phương khẩn trương thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc, rà soát và ban hành kế hoạch triển khai, xây dựng quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể, kiểm tra, đôn đốc thực hiện, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp. Riêng các xã, phường, thị trấn trong vùng đề án cần xây dựng nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy và có kế hoạch triển khai thực hiện tương ứng với cấp trên, trong đó, chú trọng lực lượng nòng cốt từ hộ gia đình, tổ hợp tác đến HTX theo từng vùng dự án.

Ông cũng đề nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An và các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến tận cơ sở, góp phần thực hiện thành công chương trình theo Nghị quyết Tỉnh ủy và kế hoạch UBND tỉnh./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết