Tiếng Việt | English

29/12/2018 - 06:53

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - xu hướng tất yếu

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), hướng đến nông nghiệp sạch là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Long An. Xác định mục tiêu trên, những năm qua, tỉnh tập trung chỉ đạo ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Ứng dụng công nghệ cao trong trồng dưa lưới

Ứng dụng công nghệ cao trong trồng dưa lưới

Tăng thu nhập cho nông dân

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Nguyễn Chí Thiện, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện đề án, toàn tỉnh hiện có 5.404ha lúa ƯDCNC trong sản xuất, trong đó có 100% diện tích sử dụng giống chất lượng cao, đạt chuẩn cấp xác nhận với lượng giống 80-100kg/ha; ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, 10% diện tích sử dụng máy cấy. Lợi nhuận trong mô hình cao hơn ngoài mô hình từ 4-6 triệu đồng/ha.

Đặc biệt, đối với mô hình lúa cấy gắn với tiêu thụ lúa giống, cá biệt có hộ lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình từ 6-8 triệu đồng/ha. Đối với cây rau, hiện tỉnh có khoảng 1.300ha ƯDCNC trong sản xuất, đạt 65% kế hoạch. Việc sử dụng phân hữu cơ sinh học, trồng rau trong nhà lưới, nhà màng, cây rau phát triển tốt hơn, sâu, bệnh ít hơn, giảm được số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động,... năng suất tăng 5-20%, lợi nhuận cao hơn từ 2-7 triệu đồng/1.000m2 so với cách trồng theo phương pháp truyền thống. Riêng cây thanh long, hiện tỉnh có 900ha ƯDCNC trong sản xuất, có kết hợp hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hạch toán hiệu quả kinh tế cho thấy, trong mô hình lợi nhuận tăng bình quân khoảng 2,5-5 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. Ông Nguyễn Văn Vĩnh (xã Long Trì, huyện Châu Thành) chia sẻ: 

“Sản xuất thanh long ƯDCNC theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tăng cao thu nhập cho nông dân. Từ năm 2016 đến nay, gia đình tôi xuất khẩu được 5 chuyến hàng sang châu Âu, khoảng 5 tấn, đạt 20% tổng sản lượng. Thực tế cho thấy, sản xuất ƯDCNC có rất nhiều lợi ích: Tránh môi trường ô nhiễm bởi sinh vật có hại, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; bảo đảm sức khỏe người lao động; tăng giá trị nông sản; bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng”.

Sản xuất ứng dụng công nghệ cao góp phần tăng thu nhập cho người dân

Sản xuất ứng dụng công nghệ cao góp phần tăng thu nhập cho người dân

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thủ Thừa - Nguyễn Văn Chót cho biết: “ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao. Thời gian qua, huyện thực hiện nhiều mô hình ƯDCNC trên cây lúa và mô hình ƯDCNC trong trồng dưa lưới tại ấp 4, xã Mỹ Phú. Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng theo hướng an toàn sinh học, chú trọng phát triển ƯDCNC mở ra hướng đi mới cho nông dân trong sản xuất, hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch. Qua đánh giá mô hình, lợi nhuận bình quân trên 160 triệu đồng/năm, góp phần tăng thu nhập cho nông hộ. Trước hiệu quả trên, thời gian tới, phòng tiếp tục phối hợp UBND các xã, thị trấn hỗ trợ xây dựng mô hình; đồng thời tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp nhằm khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao”.

Tại huyện Vĩnh Hưng, sản xuất nông nghiệp ƯDCNC cũng được nông dân ứng dụng rộng rãi, góp phần tăng thu nhập. Năm 2018, huyện thực hiện 14 mô hình ƯNCNC trên lúa, diện tích mỗi mô hình 50ha. Theo Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Huỳnh Hải, các mô hình sản xuất ƯDCNC có tính nổi trội và hiệu quả hơn so với ngoài mô hình. Cơ bản xây dựng được mô hình khép kín từ vật tư đầu vào đến việc bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Việc tuân thủ lịch gieo sạ tập trung và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật giúp hầu hết diện tích sản xuất trong mô hình hạn chế được dịch hại (nhất là sâu năn, rầy nâu); giảm chi phí đầu tư; năng suất, lợi nhuận đều cao hơn so với diện tích ngoài mô hình. Năng suất đạt từ 63-87 tạ/ha (cao hơn khoảng 500kg/ha so với diện tích ngoài mô hình), lợi nhuận đạt từ 24,4-34,5 triệu đồng/ha (cao hơn diện tích ngoài mô hình từ 2-3 triệu đồng/ha). Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện thành lập mới 1 hợp tác xã (HTX), nâng tổng số HTX toàn huyện lên 8 HTX, trong đó có 6 HTX trong vùng thực hiện đề án ƯDCNC. 

Cần xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất 

Bên cạnh việc sản xuất theo hướng công nghệ cao, thời gian qua, tỉnh không ngừng xúc tiến thương mại và liên kết sản xuất để tạo sự ổn định đầu ra sản phẩm. Đến nay, ngân sách tỉnh hỗ trợ 35 HTX được chứng nhận VietGAP; hỗ trợ 9 HTX, doanh nghiệp xây dựng 9 chuỗi thực phẩm được kiểm soát theo chuỗi để cung ứng cho thị trường TP.HCM; hỗ trợ Chi nhánh Công ty TNHH Ba Huân - Nhà máy Thực phẩm Ba Huân Long An và Công ty Cổ phần Đầu tư và Nghiên cứu xuất khẩu gạo thơm ItaRice tham gia chương trình truyền thông, quảng bá “Nông nghiệp sạch cho người Việt Nam, cho thế giới”; hỗ trợ HTX Rau an toàn Tân Hiệp và Công ty Cổ phần Đầu tư và Nghiên cứu xuất khẩu gạo thơm ItaRice sử dụng tem điện tử để truy xuất nguồn gốc và quảng bá chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; tổ chức 6 điểm bán rau an toàn, riêng huyện Cần Giuộc tổ chức điểm bán rau - thịt an toàn được kiểm soát theo chuỗi của Công ty San Hà đang hoạt động hiệu quả. 

Ngoài ra, tỉnh còn hướng dẫn, hỗ trợ 2 doanh nghiệp (Công ty TNHH Chăn nuôi Phú Gia Long An, Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình) hoàn chỉnh hồ sơ để Bộ NN&PTNT công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ƯDCNC. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Long An tổ chức hội nghị gặp gỡ, kết nối doanh nghiệp, HTX với ngân hàng để tháo gỡ những khó khăn về vốn; các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện cho vay chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp ƯDCNC, nông nghiệp sạch.

Sản xuất ứng dụng công nghệ cao góp phần tăng thu nhập cho người dân

Sản xuất ứng dụng công nghệ cao góp phần tăng thu nhập cho người dân

Giám đốc Sở NN&PTNT - Lê Văn Hoàng yêu cầu: “Thời gian tới, các đơn vị liên quan phối hợp các sở, ngành chức năng, chính quyền các cấp tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động người dân hiểu, biết và cùng thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC; trong đó, cần giúp người dân nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, tổ chức, hướng dẫn HTX hoạt động đúng Luật HTX năm 2012 và phát huy nội lực HTX; tiếp tục củng cố, tăng cường năng lực cho cán bộ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về HTX từ tỉnh đến huyện, xã; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của ban chỉ đạo đối với từng địa bàn được phân công để kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh các mô hình, HTX trong ƯDCNC, duy trì và nhân rộng sản xuất theo lộ trình; trong đó, đẩy nhanh việc xây dựng các HTX điểm ƯDCNC, nhất là củng cố tổ chức, bộ máy, bảo đảm có phương án sản xuất, kinh doanh được thành viên thông qua, có trụ sở và bảng tên, được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; xây dựng được mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đồng bộ vào sản xuất, liên kết sản xuất - tiêu thụ; có kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phục vụ sản xuất, vận chuyển hàng hóa”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết