Tiếng Việt | English

12/12/2018 - 07:13

Phát triển thương mại nông thôn, nâng cao đời sống người dân

Những năm qua, tỉnh Long An tập trung nhiều nguồn lực phát triển thương mại nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Người dân tham gia mua sắm tại SanHa food

Người dân tham gia mua sắm tại SanHa food

Phát triển thương mại nông thôn

Để rút ngắn khoảng cách giữa thành thị, nông thôn và xây dựng chợ đáp ứng tốt nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2432/QĐ-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư, phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021. Đến nay, toàn tỉnh có 133 chợ, gồm: 2 chợ hạng I, 12 chợ hạng II, 119 chợ hạng III, trong đó có 96 chợ nông thôn. Các chợ hoạt động tương đối ổn định, hàng hóa được bày bán đa dạng, mẫu mã phong phú, góp phần phát triển hệ thống thương mại của tỉnh. Đến nay, có 17 doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh tham gia đầu tư xây dựng và khai thác chợ.

Theo Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức, các chợ nông thôn trên địa bàn tuy chưa rộng lớn nhưng đa dạng các loại hàng hóa, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Tiểu thương thay đổi tư duy, văn hóa trong kinh doanh, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng thông qua việc trưng bày, lựa chọn nguồn cung hàng hóa theo hướng chất lượng. Nhờ đó, DN cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng mở rộng được thị phần, người dân tiếp cận được hàng hóa chất lượng. 

Ngoài việc kết nối cung - cầu hàng tiêu dùng thông qua các chợ, Sở Công Thương còn đẩy mạnh kết nối, nhân rộng hình thức tiêu thụ hàng nông sản do nông dân làm ra. Theo đó, đến nay, các loại nông sản trên địa bàn tỉnh như rau, củ, quả bước đầu hình thành hình thức tiêu thụ theo hướng liên kết, tạo đầu ra bền vững, trong đó, các hợp tác xã (HTX) đóng vai trò “bà đỡ”, giúp các hộ nông dân liên kết với nhau, chuyển đổi từ hoạt động sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cụ thể như HTX Thuận Giàu (xã Long Định, huyện Cần Đước) được thành lập năm 2016 nhằm liên kết nông dân, chuyển đổi hình thức sản xuất nhỏ, lẻ sang sản xuất hàng hóa lớn. Giám đốc HTX Thuận Giàu - Huỳnh Thị Ngọc Giàu chia sẻ: “HTX hiện có 8 thành viên chính thức và nhiều thành liên kết sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP. Được sự hỗ trợ trong liên kết tiêu thụ đầu ra, bình quân 1 tháng, HTX tiêu thụ trên 90 tấn rau an toàn thông qua hệ thống siêu thị tại TP.HCM, các HTX liên kết khác trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, đầu ra nông sản của các thành viên rất thuận lợi, thu nhập ổn định, đời sống ngày càng nâng cao”. 

Nâng cao đời sống người dân

Bên cạnh việc thu hút đầu tư phát triển hệ thống chợ, thời gian gần đây, để đáp ứng nhu cầu mua sắm, sinh hoạt của người dân, Long An được các DN chú trọng phát triển các cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh. Theo đó, hình thức thương mại này được đầu tư, phát triển sẽ đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, góp phần nâng cao đời sống người dân, tăng tỷ trọng của ngành thương mại trong GRDP của tỉnh.

Công ty TNHH San Hà là một trong những đơn vị đang đẩy mạnh chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nhất là nông sản về vùng nông thôn. Đến nay, tại Long An, công ty có 2 cửa hàng SanHa food (xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc và xã Long Trạch, huyện Cần Đước) để phục vụ người dân nông thôn. Ngoài 2 cửa hàng này, công ty đang xúc tiến đầu tư thêm 2 cửa hàng khác tại huyện Bến Lức, Châu Thành để phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Theo Giám đốc Công ty TNHH San Hà - Phạm Thị Ngọc Hà, ngoài những cửa hàng này, công ty tiếp tục khảo sát, tìm hiểu để mở thêm nhiều cửa hàng thực phẩm khác tại vùng nông thôn, nơi có đông công nhân làm việc, sinh sống. Đặc biệt, các loại nông sản được cung cấp tại SanHa food có đến 80% có nguồn gốc tại Long An. 

Hàng hóa tại chợ nông thôn phong phú

Hàng hóa tại chợ nông thôn phong phú

Theo nhận định của ông Lê Minh Đức, mặc dù thời gian qua, tỉnh tập trung liên kết tiêu thụ nông sản theo chuỗi nhưng số lượng nông sản tiêu thụ theo hướng này chỉ chiếm hơn 20% tổng sản lượng của toàn tỉnh. Vì vậy, ngành công thương đang phối hợp ngành nông nghiệp tập trung tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh từ rau, củ, quả, heo thịt, trứng gia cầm cho đến thủy sản. Thành công trong việc liên kết tìm đầu ra cho nông sản sẽ giúp tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu chuyển dịch nhanh cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân nông thôn. 

Tuy nhiên, việc phát triển thương mại nông thôn hiện nay theo đánh giá của Sở Công Thương vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều chợ nông thôn được đầu tư xây mới nhưng hiệu quả thương mại mang lại chưa cao. Chính vì vậy, nhà đầu tư còn e ngại khi đầu tư bởi khó thu hồi vốn. Nguyên nhân là hiện trạng chợ tự phát đang phát triển mạnh, lấn át chợ nông thôn, khó vận động các tiểu thương vào chợ mua bán. Do vậy, những năm gần đây, tỉnh khó thu hút các DN đầu tư xây dựng, khai thác chợ, nhất là chợ nông thôn. 

Bên cạnh đó, chủ trương của tỉnh là tiếp tục tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ. Đồng thời, khuyến khích các loại hình kinh doanh hiện đại như trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi nhằm hoàn thiện hệ thống thương mại bán buôn, bán lẻ phù hợp với từng loại thị trường để phát triển theo hướng văn minh, hiện đại./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết