Tiếng Việt | English

23/11/2016 - 14:18

Phát triển vùng chuyên canh khóm

Từ khi thực hiện chuyển đổi cây trồng, vùng khóm tại xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An góp phần tạo thu nhập ổn định cho nông dân, tạo ra cơ hội phát triển vùng chuyên canh khóm của tỉnh.


Theo ông Lê Thành Tài, những trái khóm này, 10 ngày nữa sẽ được thu hoạch

Thu nhập ổn định

Bao đời nay, người dân xã Tân Tây gắn bó với nông nghiệp, chủ yếu trồng tràm, khoai mỡ nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Học hỏi kinh nghiệm của người dân từ vùng giáp ranh tỉnh Tiền Giang, nông dân Tân Tây mạnh dạn chuyển sang trồng khóm và đạt hiệu quả cao.

Ông Lê Thành Tài, ngụ ấp 4 chia sẻ: “Lúc trước, gia đình trồng tràm, khoai mỡ nhưng sau đó chuyển sang trồng khóm được khoảng 3-4 năm nay. Cây khóm mang lại hiệu quả kinh tế cao, tương đối ổn định. Hiện tại, gia đình tôi trồng khoảng 4,5ha khóm, theo hình thức cuốn chiếu, mỗi năm, bình quân thu nhập khoảng 120-150 triệu đồng/ha, sau trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 90-120 triệu đồng/ha,...”.

Ông Lê Quang Dũ, ngụ cùng ấp cho biết: “Trồng khóm tốn nhiều công chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây tràm, lúa. Khóm chịu hạn, phèn tốt, phù hợp với vùng đất này. Khóm được trồng quanh năm, đối với khóm Rấm trồng khoảng 12 tháng thì thu hoạch, còn khóm Bông mất khoảng 18 tháng, một vòng đời của cây khóm khoảng 4-5 năm. 1ha khóm mỗi năm thu hoạch được khoảng 25-30 tấn, thời điểm hiện nay giá hơn 6.000 đồng/kg, có lúc cao lên đến hơn 10.000 đồng/kg”.


Tân Tây được quy hoạch, phát triển vùng chuyên canh khóm của tỉnh với 600ha nhưng hiện nay, mới có 338ha khóm, tập trung tại địa bàn ấp 4

Phát triển vùng chuyên canh

Cây khóm bước đầu mang đến tín hiệu tích cực cho vùng đất phèn, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Nguyễn Văn Chẳn thông tin: Khóm được người dân nơi đây trồng từ lâu nhưng chỉ rải rác, rồi chuyển sang trồng các loại cây khác. Khoảng 5 năm trở lại đây, khóm thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nông dân chuyển đổi từ khoai mỡ, tràm sang trồng khóm. Phía huyện, ngành nông nghiệp tập trung đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện để người dân yên tâm phát triển cây khóm. Hiện nay, vùng khóm được đầu tư đê bao, trạm bơm điện, hỗ trợ cây giống (700 đồng/cây giống), kỹ thuật để người dân phát triển vùng chuyên canh.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, sau khi khảo sát thực tế, tỉnh quyết định quy hoạch, xây dựng vùng chuyên canh khóm tại xã Tân Tây, gắn kết với vùng khóm của tỉnh Tiền Giang, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển sản xuất. Tỉnh triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ vùng chuyên canh khóm với tổng vốn đầu tư gần 37 tỉ đồng, sản xuất theo hướng ăn quả và chế biến, hiện tại mới hình thành được gần 400ha, thời gian tới phấn đấu đạt kế hoạch 600ha. Bên cạnh đó, ngành phối hợp địa phương tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân, định hướng thành lập hợp tác xã để tạo điều kiện cho người dân phát triển vùng chuyên canh khóm./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết