Tiếng Việt | English

17/11/2016 - 16:31

Phiếm đàm hai chữ lương sư

Lương sư với phẩm cách cao cả thì đời nào cũng được tôn vinh. Và chữ Thầy bao giờ cũng hàm chứa ý nghĩa sâu xa, thiêng liêng và cao cả.

Hàng năm, đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là câu Tôn sư trọng đạo lại được mọi người nói đến. Theo TS. Hán học Phạm Thị Hảo, trong thiên “Học ký” của “Kinh lễ” Nho giáo có câu: “Tôn sư nhiên hậu đạo trọng. Kính đạo nhiên hậu dân tri quý học” (Tôn thầy thì đạo được trọng. Kính đạo thì dân biết quý sự học). Sách “Hậu Hán thư” có câu: “Thường văn minh vương thánh chúa mạc bất tôn sư quý đạo” (Từng nghe nói các bậc vua sáng chúa hiền không ai là không tôn sư quý đạo). Và câu Tôn sư trọng đạo từ đó mà ra.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tôn sư là tôn kính thầy. Trọng đạo là sự quý trọng “đạo”, mà “đạo” thì, theo TS. Phạm Thị Hảo, “là sự cảm ngộ của con người đối với vũ trụ, với tự nhiên, với xã hội, với nhân sinh”,... Đạo còn có nghĩa là trí tuệ cao nhất, là quy luật phổ biến, quy tắc hành vi quan trọng nhất, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất,... Ta cũng có thể hiểu “đạo” là “đạo lý”, “đạo nghĩa”, tức lẽ phải - con đường chân chính mà ta phải đi,...

Lương sư hưng quốc

Tại cụm Trường THCS và THPT xã Bình Phong Thạnh (huyện Mộc Hóa) có treo tấm bảng to, kẻ chữ lớn “Lương sư hưng quốc” (Thầy giáo tốt thì nước nhà hưng thịnh). Mà đã là thầy tốt hẳn có tâm, có tầm. Tâm để tỏa sáng đạo đức nghề nghiệp, yêu thương học trò như con em mình; và tầm để có tri thức, kiến thức chuyên môn sâu rộng nhằm truyền đạt cho học trò, làm cho “thầy ra thầy, trò ra trò”. Mà đã là lương sư thì thời nào cũng được xã hội quý trọng.

Như ở Trung tâm Văn miếu Trấn Biên trong Khu du lịch Bửu Long (Đồng Nai) có hẳn một vườn tượng danh nhân văn hóa, giáo dục nhằm tôn vinh các giá trị tinh thần, phát huy tính hiếu học và truyền thống Tôn sư trọng đạo. Vườn tượng có tượng vị xử sĩ Võ Trường Toản, một bậc lương sư của đất Gia Định thế kỷ XVIII-XIX mà học trò của cụ như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Bùi Hữu Nghĩa, Lê Quang Định, Nguyễn Đình Chiểu,... đều là lương sư, danh nhân văn hóa.

Ở Ba Tri (Bến Tre) có mộ và đền thờ thầy Võ Trường Toản do Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông, Nguyễn Đình Chiểu,... di dời từ Bình Dương về cải táng. Hiện nay, nhiều giải thưởng có giá trị cao trong ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mang tên Võ Trường Toản. Vườn tượng còn có tượng Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn,... đều là lương sư đạo cao đức trọng.

Báo Tuổi trẻ Chủ nhật (11/2002) có giới thiệu Miếu Tiên Sư ở Châu Đốc (An Giang) do giáo giới trong vùng đóng góp xây dựng từ năm 1950 để thờ các thế hệ lương sư ở địa phương; và người địa phương đi dạy học ở các nơi trong, ngoài nước, bất luận là người Việt, người Khmer, Hoa, Pháp hay người dân tộc Chăm đến Châu Đốc dạy học cũng đều được đưa vào miếu thờ. Ở trước bàn thờ Tiên sư có cặp liễn do một tiên sư phụng cúng: “Phổ biến văn chương, muôn thuở ghi tâm ân giáo hóa/ Lưu truyền đạo đức, ngàn thu khắc cốt nghĩa khai thông”.

Hiện có 405 tên tuổi thầy, cô giáo được thờ tại đây. Trong đó, có nhiều nhà giáo mà con cháu 4-5 đời của họ đều nối nghiệp nhà giáo; có nhà giáo đi kháng chiến và con cháu 2-3 đời làm nghề dạy học rồi đi kháng chiến và hy sinh đều có tên trên bia vàng và thờ ở miếu Tiên sư.


Hàng năm, đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là câu Tôn sư trọng đạo lại được mọi người nói đến. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Hàng năm, cứ đến ngày 25 tháng Chạp âm lịch là đáo lệ cúng giỗ hội miếu Tiên sư, có đại diện lãnh đạo Đảng, chính quyền, ngành GD&ĐT cùng toàn thể các thế hệ giáo giới, học sinh các trường ở địa phương; cựu học sinh và thân nhân các tiên sư có gốc gác người địa phương dù ở trong nước hay ngoài nước đều về dự hội giỗ miếu Tiên sư và nghe xướng danh thành tích của các tiên sư tiêu biểu nhằm ôn lại truyền thống thầy giáo vẻ vang của địa phương mình.

Ngoài ngày giỗ chính, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và ngày mồng 3 Tết ta, tức “ngày tết thầy” - theo tục lệ, đều mở rộng cửa miếu cho mọi người đến thắp hương bày tỏ tấm lòng tôn sư trọng đạo.

Yêu kính thầy mới làm thầy

Lương sư với phẩm cách cao cả thì đời nào cũng được tôn vinh. Và chữ Thầy bao giờ cũng hàm chứa ý nghĩa sâu xa, thiêng liêng và cao cả. Cho nên mới có câu: “Yêu kính thầy mới làm thầy, những phường bội bạc sau nầy ra chi”.

Điều rất đau lòng là thời gian qua, có những “con sâu làm rầu nồi canh”, đó là những người làm thầy mà tự đánh mất mình. Nào là cô giáo nuôi dạy trẻ lại tát tai, vả miệng túi bụi học trò nhỏ của mình. Lại có chuyện phụ huynh chạy xộc vào lớp học mắng chửi thầy cô giáo.

Hoặc, như mới đây, báo chí thông tin ở thành phố nọ, một phụ huynh xông vô trường vào giờ tan học tát cô giáo trước mặt con mình và học trò. Lại có chuyện ở tỉnh nọ, một học trò lớp 8 chém thầy giáo trọng thương; hoặc có thầy giáo xông vào trạm y tế dùng cú đấm để “nói chuyện” với bác sĩ khiến vị thầy thuốc ấy bị thương,...

Tệ hại hơn, có lúc báo chí đưa tin chỗ này thầy giáo hiếp dâm học sinh THCS, chỗ kia thầy giáo có hành vi dâm ô với học sinh tiểu học của mình,... Dẫu biết đó chỉ là những trường hợp rất cá biệt, nhưng không hiểu sao những kẻ ấy lại chọn nghề dạy học, một nghề không thể dung chứa phần tử bất hảo như vậy? Có phải họ đi nhầm chỗ để báng bổ đạo học, gây tiếng xấu cho một nghề vốn được xã hội tôn kính, quý trọng?

Lương sư như phụ mẫu

Có thể nói, Lương sư như phụ mẫu (Thầy tốt như cha mẹ) được chăng? Hiện nay, nhiều học sinh ở các cấp học vẫn thích xưng “con” với thầy cô giáo. Người xưa nói Quân - Sư - Phụ, tức vua đứng đầu, đến thầy giáo rồi đến cha, để thấy vị trí, vai trò người thầy quan trọng - đứng trước cha. Và như thế đòi hỏi người thầy phải có đủ phẩm cách sư đức với lòng yêu thương và tinh thần trách nhiệm đối với học trò như đối với con em của mình, để toàn tâm, toàn ý tận hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả mà mình “đã mang lấy nghiệp vào thân”.../.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết