Tiếng Việt | English

26/09/2018 - 10:44

Phiên tòa rút kinh nghiệm - bước đột phá trong công tác xét xử

Từ những phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp (CCTP) cho thấy, các tình tiết liên quan đến vụ án được kịp thời làm rõ, phục vụ thiết thực việc buộc tội, gỡ tội và kết tội, giúp phán quyết cuối cùng của hội đồng xét xử (HĐXX) bảo đảm tính khách quan, chính xác, có tính thuyết phục cao.

Một trong những phiên tòa rút kinh nghiệm được xét xử tại Tòa án nhân dân TP.Tân An

Một trong những phiên tòa rút kinh nghiệm được xét xử tại Tòa án nhân dân TP.Tân An

Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP đến năm 2020, Tòa án nhân dân (TAND) và Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) 2 cấp trong tỉnh Long An triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử, thụ lý các vụ án. Trong đó, tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm để đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên (KSV), hội thẩm nhân dân và thư ký phiên tòa trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác xét xử.

Theo đánh giá của Ban Nội chính Tỉnh ủy Long An, so với các phiên tòa xét xử chung, các phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần CCTP cho thấy có những ưu điểm vượt trội cả về hình thức, nội dung phiên tòa, hoạt động của HĐXX, thẩm phán, KSV và thư ký tòa án. Hoạt động xét hỏi luôn bảo đảm tập trung, dân chủ, trong đó, hội thẩm nhân dân, KSV, luật sư và các chủ thể tham gia xét hỏi khá tích cực cùng thẩm phán - chủ tọa phiên tòa. Từ đó, các tình tiết liên quan đến vụ án được kịp thời làm rõ, phục vụ thiết thực việc buộc tội, gỡ tội và kết tội, giúp phán quyết cuối cùng của HĐXX bảo đảm tính khách quan, chính xác, có tính thuyết phục cao.

Đặc biệt, thủ tục tranh luận được HĐXX điều hành hợp lý, linh hoạt, các vấn đề mà luật sư và những người tham gia tố tụng khác đưa ra đều được KSV đối đáp lại và thực hiện việc đối đáp đến cùng; HĐXX không hạn chế thời gian tranh luận giữa bên buộc tội (KSV) với bên gỡ tội (luật sư, bị cáo, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác), bảo đảm tính dân chủ, bình đẳng, tạo điều kiện tối đa cho bị cáo, người bào chữa thực hiện quyền bào chữa theo quy định. Thực tế, trong một số phiên tòa tại TAND tỉnh hiện nay, phần xét hỏi và tranh luận được thực hiện rất kỹ. Có vụ riêng phần xét hỏi và tranh luận đã chiếm hết thời gian buổi sáng. HĐXX sẵn sàng dành thời gian để làm rõ những chứng cứ, quan điểm, các tình tiết của vụ án cho cả phía buộc tội, gỡ tội cũng như phần tự bào chữa của bị cáo. Đồng thời, chất lượng tranh luận của KSV có tính thuyết phục, thái độ ôn hòa, sử dụng từ ngữ chính xác hơn; kết quả tranh luận được HĐXX quan tâm, ghi nhận và nhận định trong bản án, làm cơ sở cho việc đưa ra các phán quyết đúng, có căn cứ, đúng pháp luật; thủ tục nghị án, tuyên án, phát hành bản án tạo được sự kết nối đồng bộ, hợp lý với diễn biến phiên tòa và biên bản của thư ký tòa án. Sau phiên tòa đều tổ chức họp rút kinh nghiệm, qua đó góp phần củng cố, nâng cao kiến thức pháp luật và kinh nghiệm trong hoạt động xét xử.

Bên cạnh đó, sau khi triển khai truyền hình trực tuyến đối với một số phiên tòa, VKSND tỉnh và TAND tỉnh đã chọn án của 2 cấp đưa ra xét xử và truyền hình trực tuyến đến 2 cấp để KSV và thẩm phán cùng dự, học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, ngành kiểm sát còn tổ chức cho 2 cấp kiểm sát dự các phiên tòa truyền hình trực tuyến do VKSND Tối cao tổ chức, sau đó tổng hợp chuyển cho các đơn vị, địa phương cùng nghiên cứu. Đây là hình thức tự đào tạo cho lực lượng cán bộ, KSV trong ngành Kiểm sát nhân dân cũng như thẩm phán tòa án 2 cấp. Mô hình này hiện đang phát huy tác dụng tích cực, tạo bước đột phá trong công tác xét xử.

Các bị cáo có quyền tự bào chữa, đưa ra các chứng cứ để gỡ tội mà không bị giới hạn thời gian trình bày và được hội đồng xét xử ghi nhận trong quá trình nghị án

Các bị cáo có quyền tự bào chữa, đưa ra các chứng cứ để gỡ tội mà không bị giới hạn thời gian trình bày và được hội đồng xét xử ghi nhận trong quá trình nghị án

Theo TAND tỉnh, các vụ án chọn đưa ra xét xử rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp được 2 ngành tòa án và viện kiểm sát nghiên cứu kỹ, xây dựng kế hoạch, phân công thẩm phán, KSV, hội thẩm nhân dân, thư ký và chuẩn bị bài bản về nội dung lẫn hình thức. Việc xét xử của tòa án cơ bản thực hiện đúng các nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng Hình sự và Bộ luật Tố tụng Dân sự, bảo đảm được tính nghiêm minh của pháp luật, tính dân chủ, công khai trong xét hỏi, tranh luận, đề cao trách nhiệm công vụ của thẩm phán, KSV, hội thẩm nhân dân và thư ký tòa án.

Nhìn chung, qua việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu CCTP trên địa bàn tỉnh đã phục vụ thiết thực chủ trương về CCTP theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hành chính. Kết quả các phiên tòa hình sự, dân sự diễn ra đúng với nội dung, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ CCTP trên địa bàn tỉnh./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết