Tiếng Việt | English

10/05/2018 - 20:07

Phim điện ảnh cách mạng Việt Nam - Khơi niềm tự hào dân tộc

Sự khốc liệt của chiến tranh, tinh thần dũng cảm chiến đấu, hy sinh của thế hệ cha anh được khắc họa đậm nét trong nhiều bộ phim điện ảnh cách mạng Việt Nam. Những thước phim ấy vừa mang giá trị lịch sử, nghệ thuật, vừa giáo dục truyền thống, khơi gợi niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

“Giải phóng Sài Gòn” 

Giải phóng Sài Gòn là bộ phim điện ảnh được sản xuất nhân kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Giải phóng Sài Gòn tái hiện đầy đủ các sự kiện lịch sử: Buôn Ma Thuột thất thủ; ngụy quân di tản nháo nhào ở sân bay Đà Nẵng; quân đội Sài Gòn thề cố thủ ở Xuân Lộc; xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, cắm cờ trên nóc dinh, đánh dấu chiến thắng của quân, dân ta.

Giải phóng Sài Gòn

Cùng với các sự kiện ấy, những hình ảnh: Máy bay địch gầm rú; pháo sáng cả một vùng trời, những trận đánh giáp lá cà ác liệt giữa hai bên, giây phút cửa kính văn phòng Dinh Độc Lập vỡ toang, ánh mắt hoảng hốt của Dương Văn Minh, lá cờ 3 sọc rơi xuống, nhân dân hai bên đường vui mừng là những đoạn phim ghi dấu thời khắc lịch sử thiêng liêng. Cảnh chiến tranh ác liệt không làm người xem khiếp sợ mà ngược lại, nhiều khán giả cảm động, rơi nước mắt khi xem lại bộ phim về một thời “máu và hoa” của thế hệ cha ông ngày trước.

“Vĩ tuyến 17, ngày và đêm”

Vĩ tuyến 17, ngày và đêm là bộ phim của đạo diễn Hải Ninh, sản xuất năm 1972. Đây là bộ phim tiêu biểu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Kịch bản phim được đạo diễn Hải Ninh và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ viết trong 5 năm. 

Vĩ tuyến 17, ngày và đêm

Sau hiệp định Genève năm 1954, sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự ngăn cách Việt Nam thành hai vùng tập trung. Cuộc sống của người dân hai bên bờ sông bị ảnh hưởng nặng nề. Hầu hết các gia đình đều có người thân sống dưới hai chế độ khác nhau. Anh Thạch cùng đơn vị chuyển quân ra Bắc, chị Dịu (NSND Trà Giang) - vợ anh ở lại bờ Nam.

Chính quyền phía Nam tăng cường đàn áp, cố dập tắt phong trào đấu tranh đòi triệt để thi hành hiệp định hòa bình của dân chúng. Với bản tính kiên cường, bất khuất, trong quá trình đấu tranh, Dịu dần trở thành hạt nhân phong trào. Sau khi bác cả Thuận - Bí thư Chi bộ Đảng địa phương hy sinh, Dịu gánh trên vai trọng trách lãnh đạo phong trào. Sức mạnh đoàn kết của đông đảo quần chúng, chủ yếu từ lực lượng nữ, đã được tập hợp và phá tan mọi kế hoạch kìm kẹp của địch, vùng lên tiêu diệt địch bằng đấu tranh vũ trang kết hợp tài tình với đấu tranh chính trị.

Vĩ tuyến 17, ngày và đêm có dung lượng và quy mô dàn dựng thuộc loại hoành tráng bậc nhất của phim truyện Việt Nam từ trước đến nay. Bộ phim từ lâu trở thành biểu tượng oanh liệt về cuộc đấu tranh giành tự do, thống nhất Tổ quốc mà nhân dân Việt Nam kiên cường chiến đấu trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt. 

“Biệt động Sài Gòn”

Biệt động Sài Gòn là bộ phim đầu tiên, duy nhất của điện ảnh Việt Nam tái hiện những chiến công của đội biệt động Sài Gòn trước năm 1975. Phim miêu tả những cảnh chiến đấu ngoài chiến trường với tiếng súng vang, mìn nổ, khói lửa và thương vong, nhưng chủ yếu vẫn là cuộc đấu trí căng thẳng của những chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch. Đó là Tư Chung - Tư lệnh trưởng biệt động Sài Gòn, cùng người đồng đội Ngọc Mai đóng giả một cặp vợ chồng tư bản giàu có. Sống giữa bầy lang sói, không những họ phải bảo vệ sự an toàn tính mạng, trực tiếp chỉ huy đồng đội mà còn đối mặt với những tình huống nan giải trong cuộc chiến giữa lý trí và tình cảm.

Biệt động Sài Gòn

Ngoài Tư Chung, Ngọc Mai, nữ chiến sĩ biệt động Huyền Trang phải cải trang thành người xuất gia để dễ qua mắt kẻ thù. Năm Hòa (bí danh K9), Sáu Tâm, bà má hậu phương, em bé bán báo làm giao liên,... mỗi người một vị trí, vai trò khác nhau nhưng cùng tạo nên sức mạnh quân dân. 

Biệt động Sài Gòn là thành tựu lớn của điện ảnh Việt Nam, từng là bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam những năm 80 cả về nghệ thuật dàn dựng, diễn xuất. Hơn 20 năm, bộ phim vẫn thu hút khán giả và luôn được yêu thích.

“Cánh đồng hoang”

Cánh đồng hoang là phim nhựa về đề tài chiến tranh Việt Nam, phát hành năm 1979 của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến. Bối cảnh chính trong phim là cánh đồng hoang ở vùng Đồng Tháp Mười trong những ngày diễn ra cuộc chiến tranh chống Mỹ. Vợ chồng Ba Đô và đứa con nhỏ sống trong một căn chòi giữa dòng nước. Họ được lực lượng cách mạng Việt Nam giao nhiệm vụ giữ đường dây liên lạc cho bộ đội. Tác giả tập trung khai thác cuộc sống thường ngày của đôi vợ chồng như trồng lúa, nuôi con, bắt trăn, bắt cá; xen kẽ vào đó là những cảnh trực thăng của quân đội Mỹ quần thảo khu vực đồng nước này nhằm phát hiện đội du kích hoạt động. Khi Ba Đô bị trực thăng Mỹ bắn trúng, để trả thù cho chồng, vợ Ba Đô đuổi theo bắn cháy chiếc trực thăng.

Cánh đồng hoang

Bộ phim đoạt giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam năm 1980, giải đặc biệt Liên đoàn Báo chí Điện ảnh Quốc tế (năm 1980), Huy chương Vàng Liên hoan phim Quốc tế Moskva năm 1981 và một số giải thưởng khác./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết