Tiếng Việt | English

14/12/2016 - 17:50

Phố “đặc sản”

Từ ngã ba Hòa Khánh rẽ dọc theo Quốc lộ N2 xuôi về Bến Lức, Thủ Thừa, những gian hàng đậu phộng - đặc sản của quê hương Đức Hòa, tỉnh Long An được bày bán dày đặc. Những ngày thường, đoạn đường này có vài gian hàng nhưng những ngày cuối tuần hay gần đến dịp lễ, tết, số gian hàng bán đậu phộng tăng lên gấp đôi,...


Bán đậu phộng ven Quốc lộ N2 giúp những lao động nhàn rỗi ở nông thôn có thêm nguồn thu nhập

Chẳng ai rủ ai, khoảng 2 năm gần đây, tuyến Quốc lộ N2, đoạn qua ấp Bình Lợi, xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, người dân địa phương sinh sống dọc hai bên đường mở những gian hàng bán đậu phộng - món ăn được xem là đặc sản nổi tiếng của quê hương Đức Hòa. Các món đậu phộng được bày bán khá phong phú như đậu phộng tươi, đậu phộng luộc, đậu phộng rang, kẹo đậu phộng,...

Bà Nguyễn Thị Thu, ở xã Hòa Khánh Đông nói rằng, đậu phộng Đức Hòa tuy hạt không to nhưng chắc và béo hơn so với các giống đậu khác nên được khách hàng ở những tỉnh lân cận ưa thích. Để tạo niềm tin cũng như sự hài lòng cho khách, tôi chỉ bán các mặt hàng được chế biến từ nguồn nguyên liệu đậu phộng của Đức Hòa.

Khi đi ngang qua đoạn đường này, có thể thấy, cách hơn 10 mét lại có một gian hàng bán đậu phộng. Nguồn cung cấp những mặt hàng này chủ yếu từ các cơ sở sản xuất đậu phộng tại các xã Đức Lập Hạ, Tân Mỹ và thị trấn Đức Hòa, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa. Hầu hết, các sản phẩm đều được đóng gói, có ghi rõ nơi sản xuất và thời hạn sử dụng. Những gian hàng đậu phộng bày bán ven Quốc lộ N2 như những điểm giới thiệu, quảng bá đặc sản của quê hương Đức Hòa đến với khách đi đường xuôi ngược về miền Tây.

Ngoài ra, việc bán đậu phộng trên tuyến đường này góp phần giải quyết việc làm cho một số lao động nhàn rỗi lớn tuổi ở vùng nông thôn. Qua đó, họ có thêm một phần thu nhập trang trải cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Thanh, ở ấp Bình Lợi, xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa là một trong những trường hợp như thế. Bắt đầu bán các sản phẩm từ đậu phộng hơn 1 năm nay, mỗi ngày, trong căn chòi nhỏ dựng tạm ven đường, quán đậu phộng của chị Thanh mở cửa từ 7 giờ đến 17 giờ. Cũng giống các gian hàng khác, gian hàng đậu phộng của chị Thanh có diện tích nhỏ, chỉ một chiếc bàn đặt khá đầy đủ các mặt hàng chế biến từ đậu phộng.

“Trước đây, tôi ở nhà nội trợ. Gần 50 tuổi, rất khó xin việc nên tôi quyết định mở gian hàng bán đậu phộng kiếm đồng vào, đồng ra. Mỗi ngày, tôi kiếm được khoảng 100.000 đồng” - chị Thanh chia sẻ.

Hầu hết, khách mua đậu phộng đều là khách vãng lai, trong đó có một số ít là người dân địa phương Đức Hòa. Có người mua làm quà biếu, có người mua dùng trong gia đình và có người mua về để kinh doanh lại,... Tất cả khách hàng góp phần đưa đặc sản của vùng Đức Hòa ngày càng bay xa. Đặc biệt, nếu ngày thường, người bán các mặt hàng từ đậu phộng chỉ kiếm khoảng 100.000 đồng tiền lời thì vào các ngày lễ, tết, số tiền kiếm được tăng gấp đôi, gấp ba.

Chị Kim Thoa - người bán các mặt hàng đậu phộng hơn 2 năm ở khu vực này cho biết: “Gần tết hay các ngày lễ, lượng công nhân về quê ở các tỉnh miền Tây, ngang qua tuyến đường này khá nhiều và thường dừng lại mua các mặt hàng từ đậu phộng mang về quê làm quà biếu. Cũng có những nhà thầu xây dựng, doanh nghiệp nhỏ mua làm quà biếu đối tác nên tết là lúc bán “chạy” nhất, kiếm tiền lời vài trăm ngàn đồng mỗi ngày. Vì vậy, cận tết là khoảng thời gian tôi tăng số lượng các mặt hàng”.

Từ những đôi tay khéo léo của người dân quê, đậu phộng Đức Hòa được chế biến thành những món ăn đặc sắc, ngon miệng, đậm tính đặc trưng của vùng. Nếu có dịp đến thăm Đức Hòa, ngang qua tuyến đường này hay trên nẻo đường xuôi ngược về quê, hãy dừng chân ghé lại phố “đặc sản” ven Quốc lộ N2, mua những gói kẹo, hộp đậu phộng Đức Hòa để thưởng thức hương vị quê hương và làm quà biếu dân dã nhưng giàu ý nghĩa cho người thân, bè bạn./.

Thuỳ Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích