Tiếng Việt | English

26/06/2015 - 15:30

Phó Thủ tướng: "Doanh nghiệp công nghệ đừng ngồi chờ đặt hàng"


Phó Thủ tướng khuyến nghị các doanh nghiệp phải chủ động chào hàng với cơ quan nhà nước. (Ảnh: Vietnam+)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về Ứng dụng Công nghệ thông tin khuyến nghị các doanh nghiệp công nghệ không nên đợi mời thầu mới tìm đến, mà phải căn cứ vào hiểu biết của mình, chủ động tiếp cận cơ quan nhà nước để chào hàng.

Đây là một trong những chia sẻ của Phó Thủ tướng tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2015 (Vietnam ICT Summit 2015) diễn ra ngày 25/6 tại Hà Nội.

Ưu tiên dịch vụ liên quan đến người dân

Vui mừng với những thành tựu mà ngành công nghệ thông tin đã đạt được trong năm qua như việc tốc độ tăng trưởng 16%, có cá nhân trẻ làm ra sản phẩm được cả cộng đồng thế giới thừa nhận..., thế nhưng, Phó Thủ tướng cũng dẫn ra những con số đáng để suy ngẫm.

Đó là việc con số trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử do Liên hiệp quốc công bố cho thấy, Việt Nam tụt 19 hạng, xuống thứ 99.

Sự tụt hạng này, theo nhiều lý giải cho rằng không phải do chúng ta kém đi mà là do Liên hiệp quốc thay đổi cách tính đối với nhân lực hoặc do Bộ Thông tin và Truyền thông siết quản lý SIM di động trả trước khiến thuê bao từ 200 triệu xuống còn 130 triệu, kéo theo chỉ số hạ tầng giảm. Nhưng chúng ta không được quên rằng chỉ số dịch vụ công trực tuyến so với năm 2012 lại giảm đi dù không nhiều.

Tính đến cuối năm 2013, Việt Nam có hơn 104.000 dịch vụ công trực tuyến các loại, nhưng số dịch vụ công cấp 1 và 2 đã chiếm tới hơn 101.000 và chỉ có 2.366 cấp độ 3 và 111 cấp độ 4. Con số trên cũng cho thấy, các dịch vụ công cấp độ cao chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin đầu tư, cung cấp dịch vụ công cho người dân. Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin đang quyết liệt thúc đẩy các Bộ Ban ngành xây dựng các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện cho công nghệ thông tin ứng dụng sâu rộng, thuận tiện, hiệu quả vào các cơ quan của Chính phủ, cải cách thủ tục hành chính…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cái gì liên quan trực tiếp, cấp thiết đến người dân thì đầu tư, tạo cơ chế, chính sách ưu tiên làm trước.


Ảnh chỉ có tính minh hoạ. (Nguồn: Vietnam+)

Doanh nghiệp công nghệ không được ngồi chờ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục nghiên cứu đề xuất chính sách cụ thể liên quan đến thuế để giúp doanh nghiệp công nghệ thông tin phát triển. Bởi lẽ, nếu chính sách không tốt, một doanh nghiệp phần mềm có thể ngồi ở Việt Nam nhưng lại đóng thuế ở nước khác. Và, khi chính sách thuế làm tốt thì điều ngược lại sẽ diễn ra.

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, cần căn cứ vào xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc công bố, căn cứ vào con số 104.000 dịch vụ công và đề ra quy định có tính bắt buộc yêu cầu các Bộ, ngành phải cung cấp dịch vụ công cấp cao hơn.

“Khi các cơ quan nhà nước buộc phải cung cấp dịch vụ công cấp độ 3-4, cộng với cơ chế thuê ngoài dịch vụ đã được khơi thông thì bài toán sẽ được giải quyết," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Vấn đề ở đây là cần thay đổi tư duy không chỉ của cơ quan nhà nước mà còn của doanh nghiệp. Phó Thủ tướng cho rằng doanh nghiệp công nghệ cần chủ động hơn, không cần mời thầu mới đến mà phải căn cứ vào hiểu biết, trình độ, năng lực của mình và tiếp cận cơ quan nhà nước để chào hàng.

Đưa ra nhiều bất cập cho việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết sẽ cùng các cơ quan tham mưu cho Chính phủ triển khai nhiều giải pháp, trong đó nêu bật vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, cần đưa việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin là nội dung quan trọng, bắt buộc phải có trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công… của quốc gia, các Bộ, ngành và địa phương; Ban hành chính sách hỗ trợ việc đầu tư, sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ công nghệ trọng điểm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước đóng vai trò lớn hơn trong các dự án công nghệ thông tin, hỗ trợ hình thành một số doanh nghiệp công nghệ tầm cỡ khu vực và thế giới…/.

Với chủ đề “Công nghệ thông tin và quản trị thông minh,” Vietnam ICT Summit 2015 sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về xu thế, chiến lược và các giải pháp để ứng dụng hiệu quả công nghệ trong quản trị các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là dịch vụ công, y tế, bảo hiểm, giao thông, đô thị…

Theo Vietnam+

 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích