Tiếng Việt | English

08/06/2016 - 19:21

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ đạo gỡ khó cho giải ngân vốn ODA

Vướng mắc nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi là việc không cho phép giải ngân vượt kế hoạch được giao.

Sáng 8/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi nhằm đánh giá tình hình thực hiện và giải ngân nguồn vốn này trong 6 tháng đầu năm nay.

Tốc độ giải ngân vốn ODA chưa có sự đột phá. (Ảnh minh họa: KT)
6 tháng đầu năm nay, tổng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi ký kết đạt hơn 2.560 triệu USD, tăng 61% so cùng kỳ năm ngoái. Tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân đạt khoảng 1.850 triệu USD. Mức giải ngân này xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2015 và chưa có sự đột phá.

Nguyên nhân gây chậm trễ về tiến độ thực hiện và giải ngân, theo các thành viên Ban chỉ đạo là do vướng mắc về thể chế, pháp lý; quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành; do các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện dự án; do khác biệt về quy trình thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ; do vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ và kịp thời cũng như những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng...

Trong đó vướng mắc nhất hiện nay đang ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi là việc không cho phép giải ngân vượt kế hoạch được giao theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 của Quốc hội.

Là đơn vị được dành tới 45% vốn ODA, Bộ Giao thông vận tải hiện có 36 dự án vốn ODA và vốn vay ưu đãi, trong đó có 7 dự án giải ngân chậm. Việc thiếu kế hoạch vốn ODA để giải ngân cho các dự án ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công, kéo dài thời gian hoàn thành, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả đầu tư.

Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết: “Bất cập lớn nhất hiện nay là về điều kiện vốn vay và ràng buộc của các nhà tài trợ như chúng tôi biết là đang xảy ra đối với một số dự án giao thông. Thời gian tới đề nghị Chính phủ đàm phán cố gắng không nên lồng ghép điều kiện vào để đầu thầu quốc tế mang tính chất cạnh tranh và như thế thì các nhà thầu trong nước cũng có thể tham gia thực hiện được”.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm triển khai Thông tư hướng dẫn thi thành Nghị định 16 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Thủ tục hành chính triển khai dự án phải được giảm bớt nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả.

Về huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao tìm lộ trình phù hợp khi chuyển tiếp từ nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi sang nguồn vốn kém ưu đãi hơn, đảm bảo các dự án ODA đang thực hiện vẫn có hiệu quả.

Đối với vấn đề giải ngân vượt quá dự toán, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Tài chính có báo cáo phương án về việc thực hiện giải ngân vượt quá dự toán. Đề nghị hai bộ phối hợp có báo cáo kiến nghị để Chính phủ sẽ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết vấn đề này, cho phép theo hướng thực hiện theo hướng giải ngân kế hoạch vốn theo tiến độ thực hiện và tiến độ cấp vốn theo cam kết của nhà tài trợ. Đây cũng là việc chúng ta thực hiện để đưa nhanh đến hiệu quả và là vấn đề hết sức cấp bách”.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng lưu ý, các Ban Quản lý dự án vốn ODA và vốn vay ưu đãi cần trao đổi kinh nghiệm, đặc biệt là với những dự án có tiến triển tốt trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải để tìm ra những bài học nhằm tháo gỡ vướng mắc trong các dự án khác./.

Lê Thơm/VOV-Trung tâm Tin 

Chia sẻ bài viết