Tiếng Việt | English

18/04/2018 - 15:54

Phối hợp trong quản lý chiến sĩ

Trách nhiệm của đơn vị và sự động viên của gia đình là nền tảng vững chắc để chiến sĩ mới (CSM) an tâm học tập, rèn luyện, công tác tốt. Sự phối hợp chặt chẽ đó được các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh Long An áp dụng hiệu quả trong quản lý, giáo dục và rèn luyện bộ đội.

Gia đình chiến sĩ đến thăm và phụ giúp đơn vị gói bánh tét đón tết

Gia đình chiến sĩ đến thăm và phụ giúp đơn vị gói bánh tét đón tết

Gia đình động viên

Đến Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 738 trong thời điểm đơn vị vào khóa huấn luyện CSM được hơn 1 tháng. Mọi hoạt động đi vào nền nếp, 480 CSM an tâm học tập, rèn luyện. CSM chấp hành nghiêm kỷ luật, không có hiện tượng đào bỏ ngũ. Bên cạnh phát huy sức mạnh tập thể, đơn vị xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với gia đình CSM, nhất là đối với những trường hợp cá biệt. Đại úy Nguyễn Tấn Đông - Chính trị viên phó Tiểu đoàn 1, cho biết: “Bên cạnh nắm rõ hoàn cảnh, chúng tôi luôn giữ mối liên hệ với gia đình chiến sĩ. Ngoài gặp gỡ, trao đổi với người thân trong những ngày nghỉ họ đến đơn vị thăm con, em mình, đơn vị thường xuyên tổ chức họp mặt gia đình CSM để thông báo tình hình chung của đơn vị, sự tiến bộ của con, em họ cũng như trao đổi một số nội dung cần thiết nhằm nắm bắt kịp thời diễn biến tâm lý cũng như có biện pháp quản lý, giáo dục, rèn luyện bộ đội tốt hơn”.

Ngày nhập ngũ, bên cạnh niềm tự hào, tân binh Nguyễn Văn Nhàn còn biết bao nỗi lo, bởi trước ngày nhập ngũ, ba Nhàn đột ngột qua đời, em gái lại bị nhiễm chất độc da cam, tàn tật 80%, em trai vừa tốt nghiệp THPT, chưa có việc làm. Vào đơn vị, Nhàn không an tâm, lúc nào cũng nghĩ về mẹ và các em nhưng được sự quan tâm, động viên của đồng chí, đồng đội và thủ trưởng cùng sự động viên của gia đình, Nhàn nhanh chóng khắc phục khó khăn, thích nghi với môi trường mới. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng tuần nào, bà Trần Thị Lan (mẹ của Nhàn) cũng sắp xếp lên thăm, động viên con. Và lần nào, người mẹ này cũng nhắc nhở con mình học tập tốt.

Nguyễn Văn Nhàn bày tỏ: “Từ khi vào đơn vị, được sự quan tâm, giúp đỡ của cán bộ chỉ huy, đồng đội và được mẹ động viên nên tôi an tâm và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong quân ngũ”.

Nâng bước quân hành

Đại úy Nguyễn Ngọc Thơ - Chính trị viên đại đội, cho biết thêm: “Mỗi năm, khi nhận chiến sĩ hoàn thành khóa huấn luyện tân binh về là đơn vị tổ chức họp mặt gia đình quân nhân, tạo điều kiện cho người thân đến ăn tết cùng bộ đội,... Riêng cán bộ tiểu đội có quyển sổ tay ghi cụ thể địa chỉ, số điện thoại liên lạc của từng chiến sĩ trong tiểu đội mình quản lý. Bằng mối liên lạc đó, đơn vị nắm được thông tin về bản thân, hoàn cảnh gia đình, năng khiếu,... Đồng thời, gia đình thường xuyên động viên con em phấn đấu. Cách quản lý đó góp phần phòng, chống việc vi phạm kỷ luật, nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống”.

Hậu phương là điểm tựa vững chắc của người lính

Mọi diễn biến tư tưởng của chiến sĩ, đơn vị và gia đình nắm được nên có biện pháp kịp thời tháo gỡ gút mắc. Trách nhiệm của đơn vị nhưng vai trò của gia đình, người thân chiến sĩ vẫn là quan trọng nhất trong quá trình quản lý, giáo dục, rèn luyện chiến sĩ.

Không những chiến sĩ mà cả những sĩ quan trẻ, quân nhân chuyên nghiệp, mối quan hệ giữa đơn vị và gia đình vẫn có giá trị nhất định. Đơn vị quản lý con người, công việc, nhiệm vụ, nhưng thông qua gia đình nắm bắt thêm tư tưởng, mối quan hệ, thời gian,... đó là “hàng rào” tư tưởng hiệu quả để mỗi quân nhân có bản lĩnh, vững bước trên con đường quân ngũ./.

Thùy Trang

Chia sẻ bài viết