Tiếng Việt | English

14/11/2016 - 10:13

Phòng bệnh đái tháo đường ở người lớn và trẻ em

Các nghiên cứu cho thấy, sau 10 năm (2002 đến 2012), tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) trong cộng đồng tăng gấp 2 lần từ 2,7% lên 5,4% và ước tính hiện tại, Việt Nam có hơn 5 triệu người bị bệnh ĐTĐ, đặc biệt, trong số đó có trên 60% chưa được phát hiện bệnh; chưa đến 20% số bệnh nhân được chẩn đoán được điều trị đúng. Điều này khiến cho ĐTĐ nằm trong số 10 nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở cả nam và nữ. Để bạn đọc có thêm thông tin về căn bệnh này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Long An - Bác sĩ (BS) CKII Lê Thị Mỹ Ren.

Phóng viên (PV): BS có thể chia sẻ với bạn đọc về các triệu chứng của bệnh ĐTĐ?

BS Lê Thị Mỹ Ren: Triệu chứng đặc trưng của bệnh ĐTĐ là 4 nhiều, gồm: Ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân (ốm đi) nhiều.

Khởi đầu, bệnh nhân sẽ tiểu rất nhiều. Tiểu nhiều thì bệnh nhân sẽ mất nước, mệt mỏi, mất các chất điện giải, sụt cân rất nhiều. Đây là các triệu chứng điển hình của bệnh ĐTĐ.

Tuy nhiên, các triệu chứng này thường thấy ở bệnh nhân mắc ĐTĐ type 1. Ở bệnh nhân mắc ĐTĐ type 2 cũng có một số người có các triệu chứng đó nhưng đa phần sẽ không có đầy đủ các triệu chứng vừa nêu mà bệnh nhân có thể có một trong những triệu chứng của các biến chứng. Ví dụ như bệnh nhân có biến chứng ở mắt làm cho mờ mắt hoặc biến chứng nhiễm trùng, ở nam thì có triệu chứng bất lực.

Cũng có khi, bệnh nhân ĐTĐ có đường huyết tăng quá cao mà chúng ta không biết, chỉ phát hiện khi đi khám sức khỏe hoặc khi làm xét nghiệm đường để phẫu thuật thì mới biết.

PV: Bệnh ĐTĐ được phân loại thành những nhóm nào, thưa BS?

BS Lê Thị Mỹ Ren: Chúng ta có thể phân loại thành ĐTĐ type 1, ĐTĐ type 2, ĐTĐ thai kỳ, ĐTĐ do các nguyên nhân đặc hiệu khác.

Ở một người bình thường, sau khi chúng ta ăn, đường huyết sẽ tăng lên, tuyến tụy của cơ thể kích thích tiết ra chất insulin để đưa đường trong thức ăn vào dự trữ trong các mô, làm cho đường trong máu luôn ở một nồng độ ổn định.

ĐTĐ type 1 là ĐTĐ phụ thuộc insulin, cơ thể không còn tiết insulin nữa. ĐTĐ type 1 thường gặp ở những người trẻ. Trong điều trị ĐTĐ type 1, chúng ta phải sử dụng insulin mới ổn định được đường.

ĐTĐ type 2 là ĐTĐ không phụ thuộc vào insulin. Cơ thể vẫn tiết ra được insulin nhưng không đủ hoặc là có sự đề kháng insulin làm cho nó không đủ sức để đưa đường vào các mô dự trữ nhằm giữ mức đường được bình thường. ĐTĐ type 2 thường gặp ở những người lớn tuổi. Khi điều trị sẽ dùng thuốc viên, chỉ dùng insulin trong một giai đoạn nhất định nào đó thôi.

PV: Những ai dễ mắc bệnh ĐTĐ, thưa BS?

BS Lê Thị Mỹ Ren: Bệnh ĐTĐ có các yếu tố nguy cơ như sau:

Thứ nhất là tuổi. Ở bệnh nhân lớn tuổi, khả năng tiết insulin của tuyến tụy giảm, do đó, dễ mắc ĐTĐ ở người trên 45 tuổi.

Thứ hai là những người béo phì, những người ít vận động.

Thứ ba là những người có anh chị em ruột hoặc cha mẹ mắc bệnh ĐTĐ.

Thứ tư là những người từng sinh con to, lớn hơn 4kg hay có bất thường về thai sản như thai chết lưu, đa thai, đa ối.

Thứ năm là những người từng có rối loạn đường huyết lúc đói hoặc rối loạn đường huyết sau ăn hoặc rối loạn dung nạp glucose.

Thứ sáu là những người tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.

Điều cần lưu ý là một người có càng nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng mắc bệnh ĐTĐ càng cao và khả năng mắc bệnh càng sớm.

PV: Thưa BS, một người mắc bệnh ĐTĐ thường gặp những biến chứng gì?

BS Lê Thị Mỹ Ren: Một người mắc bệnh ĐTĐ sẽ có rất nhiều biến chứng. Chúng ta có thể phân ra thành 2 loại là biến chứng cấp và biến chứng mãn.

Biến chứng cấp: Có biến chứng tăng đường và biến chứng hạ đường. Biến chứng tăng đường là trong trường hợp bệnh nhân không được chẩn đoán là ĐTĐ hoặc bệnh nhân được chẩn đoán là ĐTĐ mà không được điều trị tốt, đường huyết tăng cao sẽ có những biến chứng hôn mê do tăng đường. Biến chứng hạ đường có thể gặp trên những bệnh nhân đang điều trị mà không có chế độ ăn phù hợp như bệnh nhân kiêng ăn quá, bỏ ăn hoặc bệnh nhân dùng thuốc mà không ăn đúng giờ, lao động quá sức,...

Biến chứng mãn: Có thể phân ra thành biến chứng mạch máu lớn và biến chứng mạch máu nhỏ. Ví dụ ở đầu thì bệnh nhân có thể bị tai biến mạch máu não; ở mắt thì bệnh nhân có thể bị đục thủy tinh thể, bong võng mạc gây mù lòa; ở tim thì dễ gây nhồi máu cơ tim; ở mạch máu ở phổi, ở bụng thì có thể làm viêm tắc phổi hay là tắc động mạch mạc treo; ở chân thì dễ bị nhiễm trùng bàn chân. Biến chứng về thần kinh thì tê, nhức, đau.

PV: Những biến chứng trên có thể phòng được không, thưa BS?

BS Lê Thị Mỹ Ren: Như đã nói, biến chứng của bệnh ĐTĐ rất nhiều, nếu chúng ta không điều trị thì các biến chứng này dễ xảy ra. Nếu chúng ta điều trị sớm, điều trị tốt, điều trị toàn diện thì sẽ ngăn ngừa và giảm các biến chứng này.

PV: Thưa BS, bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ phải kiêng ăn ngọt, điều này có đúng và đủ hay chưa?

BS Lê Thị Mỹ Ren: Bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ kiêng ngọt là đúng nhưng chưa đủ. Kiêng ngọt là kiêng những chất làm tăng đường, ngoài ra, cũng có những thực phẩm ngọt nhưng không tăng đường. Đó là những thực phẩm tạo vị ngọt cho bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, do đó, họ có thể dùng những loại thực phẩm này. Kiêng ăn ngọt không có nghĩa là chúng ta không ăn mà chỉ ăn ở mức độ nào đó; kiêng nhiều ở những thực phẩm có chỉ số đường cao, có tải đường cao như các loại mứt, trái cây khô,... Những trái cây có chỉ số đường trung bình thì có thể thỉnh thoảng ăn. Còn những trái cây có chỉ số đường thấp như trái lê, dưa gang, ổi,... có thể ăn tương đối thường xuyên.

Ngoài việc kiêng ăn ngọt, chúng ta còn phải kiêng thêm mỡ, kiêng mặn để giúp việc chuyển hóa trên bệnh nhân ĐTĐ được tốt hơn.

PV: Thưa BS, có phải chỉ có người trung niên mới dễ mắc bệnh ĐTĐ còn trẻ em thì không bị bệnh này?

BS Lê Thị Mỹ Ren: Trẻ em vẫn có thể bị bệnh ĐTĐ và trẻ bị ĐTĐ thì không có độ tuổi nào rõ rệt. Có những em bé mới sinh đã bị ĐTĐ. Khi nào tuyến tụy của trẻ bị tổn thương, tiết insulin không đủ để ổn định đường thì trẻ sẽ bị ĐTĐ.

PV: Trẻ có những biểu hiện gì thì phụ huynh cần đưa đi khám để xác định có mắc bệnh ĐTĐ hay không, thưa BS?

BS Lê Thị Mỹ Ren: Bệnh ĐTĐ ở trẻ em có triệu chứng rất điển hình. Trẻ có thể tiểu nhiều lần, có những trẻ hay tiểu dầm. Đó là dấu hiệu để chúng ta nghi ngờ. Ngoài triệu chứng tiểu nhiều làm cho em bé bị sụt cân, uể oải, trẻ khát nước rất nhiều, ăn rất nhiều nhưng gầy rất nhanh, có thể một tuần hay vài ba ngày, trẻ có thể sụt từ 3-5kg. Khi thấy trẻ có các triệu chứng đó thì nên đưa đi xét nghiệm đường.

PV: Thưa BS, những nguyên nhân nào làm cho trẻ bị bệnh ĐTĐ?

BS Lê Thị Mỹ Ren: Những nguyên nhân gây cho trẻ em mắc bệnh ĐTĐ (thường là ĐTĐ type 1) bao gồm: Yếu tố môi trường, có thể trong môi trường sống, trẻ bị nhiễm vi-rút làm tổn hại đến tuyến tụy, làm tuyến tụy không tiết đủ chất insulin để ổn định đường hoặc do yếu tố gia đình. Tuy vậy, cũng có những trường hợp, chúng ta không xác định được nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh.

PV: Khi bị ĐTĐ thì sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của trẻ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, thưa BS?

BS Lê Thị Mỹ Ren: Trẻ bị mắc ĐTĐ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe cũng như cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày.

Về sức khỏe, chúng ta biết rằng, bệnh ĐTĐ là bệnh rối loạn về chuyển hóa, gây biến chứng ở toàn thân nếu không kiểm soát lượng đường tốt. Đặc biệt, các em còn rất trẻ, phải sống với bệnh này trong thời gian rất dài thì biến chứng có thể xảy ra.

Cuộc sống hàng ngày cũng rất ảnh hưởng. Chế độ ăn của trẻ là phải cữ ngọt, ăn ít cơm. Mà tuổi trẻ là tuổi ăn, tuổi lớn, không ý thức được chuyện đó cho nên để trẻ thực hiện theo chế độ ăn rất khó khăn. Hơn nữa, đây là tuổi đi học, khi trẻ đến trường, việc ăn uống cũng khó kiêng khem được. Đồng thời, phải chích insulin 3 hoặc 4 lần trong ngày, điều đó rất ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, học tập của trẻ.

PV: Có một đặc điểm là trẻ em rất thích ăn ngọt, vậy phụ huynh cần làm gì để giúp trẻ kiêng cữ, thưa BS?

BS Lê Thị Mỹ Ren: Khi trẻ bị ĐTĐ thì phụ huynh là chỗ dựa vững chắc cho trẻ. Bằng tình yêu thương, chúng ta sẽ chia sẻ, chăm sóc, hướng dẫn các em biết về bệnh của mình để từ đó có ý thức về việc ăn uống. Đồng thời, phụ huynh giúp trẻ bằng cách cung cấp những thực phẩm có chỉ số đường thấp, cho trẻ ăn đúng giờ. Giúp trẻ sử dụng thuốc đúng, đưa trẻ đi khám bệnh định kỳ. Phát hiện những biến chứng hạ đường, tăng đường ở trẻ để giúp trẻ có chế độ điều trị tốt nhất.

PV: Các bậc phụ huynh có con mắc ĐTĐ rất quan tâm về những biến chứng có thể xảy ra với con mình, BS có thể chia sẻ về điều này?

BS Lê Thị Mỹ Ren: Biến chứng của ĐTĐ ở trẻ em cũng giống như biến chứng ĐTĐ ở người lớn. Tuy nhiên, ở trẻ em thì dễ mắc một số biến chứng như tăng đường là biến chứng hay gặp ở những trẻ bỏ chích trong vài ba ngày hoặc những trẻ chích mà không được ăn đúng giờ bị hôn mê, hạ đường huyết.

Ngoài ra, có những biến chứng mãn tính khác như nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng tiết niệu hay nhiễm trùng da hoặc là biến chứng ở trên mắt, thường gặp ở trẻ mắc bệnh từ 5 năm trở đi, nếu không điều trị tốt, những biến chứng đó sẽ tăng lên.

PV: BS có thể cho các bậc phụ huynh một lời khuyên để giúp trẻ phòng bệnh, hạn chế nguy cơ mắc bệnh?

BS Lê Thị Mỹ Ren: Để trẻ không mắc bệnh ĐTĐ, vấn đề quan trọng phải quan tâm là chế độ sinh hoạt, chế độ ăn uống. Phụ huynh nên giữ cho trẻ chế độ vận động năng động, không cho trẻ ngồi lâu trên máy vi tính, nằm nhiều, chơi game nhiều. Không cho trẻ ăn những thức ăn làm chỉ số đường tăng cao, nhất là thức ăn nhanh. Đồng thời, giữ cân nặng, không để trẻ bị béo phì. Đó là những yếu tố góp phần ngăn ngừa bệnh ĐTĐ ở trẻ.

PV: Xin cảm ơn về những chia sẻ bổ ích của BS!

Thanh Bình (thực hiện)

Chia sẻ bài viết