Tiếng Việt | English

14/04/2020 - 15:44

Phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô

Thời tiết nắng nóng, hanh khô kéo dài làm hàng ngàn hécta rừng trên địa bàn tỉnh Long An rơi vào tình trạng cảnh báo có nguy cơ cháy ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm, khả năng cháy lớn ở tất cả loại rừng). Trước thực trạng trên, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh phối hợp các ngành chức năng tăng cường thực hiện các biện pháp PCCC rừng.

Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng tại Lâm trường Thạnh Hóa
 Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng tại Lâm trường Thạnh Hóa

Toàn tỉnh hiện có hơn 24.000ha rừng, phần lớn là rừng tràm, tập trung ở các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Do nắng nóng kéo dài, các thảm thực vật tạo thành lớp thực bì dễ phát cháy khi gặp lửa. Mặt khác, người dân còn chủ quan trong sử dụng lửa đốt đồng hay đốt ong lấy mật,... dẫn đến các vụ cháy rừng. Vì thế, công tác chủ động bảo vệ, PCCC rừng đang được tập trung nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. 

Nhằm chủ động trong PCCC rừng, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tham mưu Giám đốc Công an tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp Chi cục Kiểm lâm tiến hành kiểm tra công tác PCCC rừng tại các lâm trường, doanh nghiệp, khu rừng đặc dụng và các hộ trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kịp thời phát hiện những tồn tại trong công tác PCCC rừng, đề xuất các hướng khắc phục. 

Lâm trường Thạnh Hóa (xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa) thuộc Công ty TNHH MTV Nông lâm sản Long An, có tổng diện tích trên 688ha với khoảng 578ha rừng tràm. Lâm trường có hệ thống đê bao kênh nước xung quanh và mương nước trong các lô có trữ lượng nước trong mùa khô, bảo đảm việc di chuyển tuần tra và phục vụ nước chữa cháy. Anh Trần Văn Cương - quản lý Lâm trường Thạnh Hóa, cho biết: “Lâm trường được trang bị 2 máy bơm chữa cháy, 30 cuộn dây, 2 vỏ lãi phục vụ tuần tra và vận chuyển thiết bị chữa cháy. Tổ PCCC của lâm trường gồm 6 thành viên bảo đảm yêu cầu chữa cháy tại chỗ và phối hợp các đơn vị, địa phương xung quanh chủ động ứng cứu khi cần thiết. Đơn vị chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, nhân lực, sửa chữa các chòi canh nhằm kịp thời ứng phó khi xảy ra cháy, không để lan rộng. Vào thời điểm mùa khô, lâm trường bố trí người trực 24/24 giờ để xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra”.

Thời tiết hanh khô kéo dài, việc chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa cháy rừng là rất quan trọng, nhất là nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định về phòng, chống cháy rừng. Bên cạnh những nỗ lực của các ngành chức năng thì cần có sự chung tay của toàn dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy rừng, chữa cháy kịp thời và hiệu quả. Qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Với sự chuẩn bị chủ động theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ), sự cố gắng của lực lượng chức năng và người dân trong công tác PCCC rừng, hy vọng mùa khô năm nay, tình trạng cháy rừng trên địa bàn tỉnh sẽ được hạn chế, kéo giảm. Muốn vậy, mỗi người dân phải nâng cao ý thức PCCC, không được lơ là, mất cảnh giác trước nguy cơ cháy rừng trong mùa khô nắng nóng gay gắt như hiện nay./.

Yến Trinh

 

Chia sẻ bài viết