Tiếng Việt | English

16/04/2018 - 10:41

Phòng, chống bệnh mùa hè

Bệnh thường gặp mùa hè là sốt xuất huyết (SXH), tay - chân - miệng (TCM), thủy đậu, tiêu chảy, đau mắt đỏ,… Đây là các bệnh có thể lây lan và bùng phát thành dịch trong cộng đồng.

Chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết

Bệnh SXH được xem là bệnh lưu hành, thường xảy ra ở những nơi tập trung đông dân cư. Do đó, công tác vệ sinh môi trường, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, muỗi và tránh muỗi đốt được ngành Y tế chú trọng.

Từ đầu năm 2018 đến nay, huyện Cần Đước xảy ra 23 ca SXH (giảm 6,2 lần so cùng kỳ năm 2017); 32 ca TCM (cùng kỳ 47 ca). Ngành Y tế huyện phối hợp các điểm trường tổ chức nói chuyện chuyên đề về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo mùa, đồng thời tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh. Từ đó, người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Nhân viên y tế tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh mùa hè đến người dân tại buồng bệnh

Nhân viên y tế tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh mùa hè đến người dân tại buồng bệnh

Chị Trần Thị Thu Nga, ngụ ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ, chia sẻ: “Gia đình có trẻ nhỏ nên tôi luôn giữ nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ; thường xuyên súc lu, khạp; đậy kín các dụng cụ chứa nước; thay nước bình hoa thường xuyên; loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết nhằm diệt lăng quăng và muỗi”.

SXH là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể xảy ra đối với mọi người, mọi lứa tuổi, nặng có thể gây tử vong. Phó Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Cần Đước - Lê Văn Lanh cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh SXH là muỗi truyền. Để phòng, chống bệnh, biện pháp tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng và phòng, chống muỗi đốt. Hiện nay, bệnh SXH chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị. Khi có dấu hiệu bệnh, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn và điều trị kịp thời”.

Không chủ quan với bệnh thủy đậu

Theo thống kê từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2018 đến nay, số người bệnh thủy đậu tăng cao (khoảng 3.000 bệnh nhân (BN)/tháng). Riêng tại Long An, tính đến ngày 31/3/2018, toàn tỉnh ghi nhận 128 ca, tăng 6,6% so cùng kỳ năm 2017, nhiều nhất tại các huyện: Đức Hòa, Tân Thạnh, Thủ Thừa và TP.Tân An. Người mắc bệnh chủ yếu ở độ tuổi còn đi học.

Virus gây bệnh thủy đậu chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc không khí. Ngoài ra, khi tiếp xúc với BN thủy đậu, bệnh có thể lây từ bóng nước bị vỡ, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh.

Thủy đậu thường không phát bệnh ngay khi virus xâm nhập mà ủ bệnh từ 13-15 ngày. Trong giai đoạn này, nếu trẻ mắc bệnh thì vẫn ăn, uống, vui chơi bình thường. Nhiều phụ huynh không nhận ra thân nhiệt trẻ có thay đổi và khi trẻ gãi ngứa lại nghĩ do côn trùng cắn nên chỉ rửa tay và thoa thuốc, làm bệnh lan nhanh hơn.

Sau thời gian ủ bệnh, người bệnh có triệu chứng sốt nhẹ, sổ mũi, biếng ăn, ngứa, đau đầu, đau cơ. Một số trường hợp, nhất là trẻ em, có thể không có triệu chứng báo trước và đốm đỏ mọc khắp người không theo trình tự. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12-24 giờ.

Nếu có những biểu hiện: Khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc xuất huyết trên nốt thủy đậu, cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Long An - bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Hữu Dũng nhận định: “Tuy thủy đậu là bệnh lành tính nhưng cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng cách để tránh những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết,... Một số trường hợp có thể tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Phụ nữ mắc bệnh thủy đậu khi đang mang thai, con sinh ra có thể bị dị tật bẩm sinh”.

Khi mắc bệnh thủy đậu, cách ly người bệnh tại nhà từ 7-10 ngày lúc bắt đầu phát hiện bệnh (phát ban) đến khi các nốt bỏng nước khô vảy hoàn toàn. Người bệnh cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, mặc quần áo rộng, nhẹ, vải mềm, thấm hút mồ hôi và chú ý bảo đảm vệ sinh da để tránh xảy ra biến chứng. Nếu người bệnh có những biểu hiện: Khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc xuất huyết trên nốt thủy đậu, cần đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Đối với trẻ em, phụ huynh nên cắt móng tay cho trẻ nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do trẻ gãi gây trầy xước các nốt bỏng nước; cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước trái cây.

Bà Nguyễn Thị Bạch Vân, ngụ khu phố 4, thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, cho biết: “Bệnh thủy đậu hiện chưa có thuốc đặc trị nên tôi chủ động đưa 2 cháu nội đến cơ sở y tế tiêm ngừa”.

Để phòng, chống bệnh mùa hè, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế, người dân cần ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và phối hợp ngành Y tế trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh./.

Ngọc Mận - Thùy Minh

Chia sẻ bài viết