Tiếng Việt | English

18/03/2019 - 10:44

Phòng, chống cháy, nổ mùa khô

Thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài, các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong tỉnh Long An cần làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Cháy, nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, để lại nhiều hệ lụy đau lòng cho xã hội. Do đó, PCCC là nhiệm vụ quan trọng đối với mọi người, mọi nhà, các tổ chức, cá nhân,... Năm 2019, Quốc hội đưa chuyên đề này vào chương trình giám sát tối cao. 

Phòng cháy, chữa cháy là nhiệm vụ của toàn xã hội. Ảnh: Thúy Phượng

Vừa qua, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh - Trương Văn Nọ làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát thực tế tại một vài doanh nghiệp trong tỉnh về “thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018”. Ông Nọ cho rằng, các doanh nghiệp đều quan tâm, thực hiện công tác PCCC như đầu tư trang thiết bị, thành lập đội PCCC tại chỗ, tập huấn, huấn luyện, diễn tập PCCC cho lực lượng tại chỗ và người lao động,...

Công ty (Cty) Cổ phần Dệt Đông Quang, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, là đơn vị chuyên cung cấp sợi cho thị trường. Ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh, Cty còn xây dựng ký túc xá cho người lao động với 5 block, tổng cộng hơn 500 phòng cho khoảng 1.800 người cư trú. Phó Tổng Giám đốc Cty - Nguyễn Quốc Bảo thông tin, lãnh đạo Cty nhận thức công tác phòng ngừa cháy, nổ hết sức quan trọng nên luôn đặt lên là nhiệm vụ hàng đầu tại nơi làm việc, hoạt động sản xuất, kinh danh và nơi ở của công nhân. Mặc dù ký túc xá là một trong những hạng mục nhỏ của Cty nhưng đều được trang bị hệ thống PCCC: Hệ thống báo cháy, chữa cháy vách tường, trạm bơm chữa cháy và các bình chữa cháy, niêm yết các nội quy, quy định về PCCC, biển cấm lửa và trang bị các đèn thoát hiểm,...

Kiểm tra phương tiện chữa cháy tại ký túc xá Công ty Dệt Đông Quang, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa

Kiểm tra phương tiện chữa cháy tại ký túc xá Công ty Dệt Đông Quang, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa

Tuy nhiên, quá trình giám sát, đơn vị này vẫn còn vi phạm về PCCC. Dù được quan tâm đầu tư nhưng hiện tại, dãy nhà ký túc xá xuống cấp, các phòng ở cho công nhân (đa số là người Khmer) nằm liền kề nhau. Công nhân bố trí đồ dùng sinh hoạt chưa được ngăn nắp, một số hộ còn dùng giấy dán tường, đốt nhang thờ cúng trong phòng,... rất dễ gây ra cháy, nổ. Trong khi đó, một số phương tiện, trang thiết bị về PCCC tại ký túc xá đã cũ, không được duy tu, bảo quản; lối thoát hiểm chưa được an toàn;... tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Còn tại chợ Tân Thạnh, hàng ngày, Ban Quản lý chợ thường thông báo, kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh cần đề phòng cháy, nổ và không buôn bán lấn chiếm lòng, lề chợ. Chợ có trang bị hệ thống PCCC: Nhiều bình chữa cháy CO2, bình bột chữa cháy, máy điện, máy bơm chữa cháy diesel, hệ thống báo cháy tự động,... Chị Thủy Tiên - một tiểu thương, chia sẻ: “Cháy, nổ cực kỳ nguy hiểm nên tôi luôn chấp hành nghiêm các quy định về PCCC. Tôi thường sắp xếp hàng ngăn nắp, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng,... Tôi cũng nhắc nhở các tiểu thương khác nên chú ý đến công tác PCCC”.

Ông Trương Văn Nọ đề nghị: Thời gian tới, doanh nghiệp cần duy trì và quan tâm hơn nữa đến trang thiết bị PCCC; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, diễn tập PCCC nhằm nâng cao ý thức của công nhân, người lao động. Riêng đối với doanh nghiệp vi phạm PCCC, ông yêu cầu đơn vị cần sớm khắc phục những thiếu sót; thường xuyên kiểm tra các thiết bị PCCC; hướng dẫn người lao động những kiến thức cần thiết về PCCC.

Ngoài ra, ông yêu cầu chính quyền địa phương, lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ hỗ trợ, hướng dẫn, giúp doanh nghiệp khắc phục những hạn chế trong PCCC.

Phòng cháy, chữa cháy là nhiệm vụ của toàn xã hội

Phòng cháy, chữa cháy là nhiệm vụ của toàn xã hội

Đề cao cảnh giác

Không chỉ đề phòng cháy, nổ tại các doanh nghiệp, cơ quan, chợ, các vựa ve chai,... mà công tác phòng, chống cháy rừng cũng được quan tâm. 

Theo Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh - Lê Hữu Lợi, toàn tỉnh có khoảng 22.000ha rừng. Rừng trên địa bàn tỉnh chủ yếu là rừng tràm xen lẫn cỏ mọc hoang dại, tập trung ở các địa phương vùng Đồng Tháp Mười. Mùa này, mực nước dưới chân các cánh rừng tràm giảm, lớp thực bì dày hơn. Nắng nóng, khô hạn kéo dài càng làm tăng thêm nỗi lo cháy rừng.

“Long An đang ở cấp 5 của cấp dự báo cháy rừng - cấp cực kỳ nguy hiểm, khả năng cháy lớn ở tất cả loại rừng, do đó, các tổ chức, cá nhân trồng rừng cần thực hiện tốt phòng, chống cháy rừng” - ông Lợi nói. Để hạn chế tình trạng cháy rừng, nhất là vào mùa khô, ngành kiểm lâm khuyến cáo các hộ dân sinh sống khu vực gần rừng thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Mặt khác, có sự phối hợp các lực lượng: Kiểm lâm, công an, quân sự, biên phòng trong công tác giữ gìn, bảo vệ rừng. Ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tổ chức lực lượng quần chúng bảo vệ rừng, tập trung xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ rừng phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm hại rừng, nhất là phòng ngừa hiệu quả, không để xảy ra cháy rừng trong mùa khô,...

Theo Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh, hiện toàn tỉnh có hơn 3.000 cơ sở nguy hiểm cháy, nổ (trong đó huyện Đức Hòa khoảng 1.500 cơ sở). Đại tá Nguyễn Văn Hòa - Phó Giám đốc Công an tỉnh, nhấn mạnh, cháy, nổ để lại hậu quả rất nặng nề. Vì vậy, đây là trách nhiệm của toàn xã hội. Các cấp, các ngành, đơn vị trong tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn kiến thức và kỹ năng về PCCC cũng như nhắc nhở người dân, gia đình quan tâm đến công tác PCCC.

Cần đề cao cảnh giác, nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy

Thượng tá Trương Văn Vũ - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh, cho biết, công tác PCCC, đặc biệt vào mùa khô là nhiệm vụ thường xuyên của ngành, các đơn vị, tổ chức cá nhân. Lực lượng Cảnh sát PCCC tăng cường phối hợp công an các huyện, thị xã, thành phố, các phòng nghiệp vụ và cơ quan thông tin đại chúng bằng nhiều nội dung, hình thức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ ở các khu, cụm công nghiệp; các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, các cơ sở karaoke, cơ sở phế liệu, khu dân cư liền kề kết hợp kinh doanh, buôn bán và phòng, chống cháy rừng. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, góp phần làm giảm số vụ cháy, nổ xảy ra trong mùa khô.

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phổ biến các biện pháp an toàn PCCC trong việc sử dụng, quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt, việc thắp nhang đèn thờ cúng, an toàn trong sử dụng điện, xăng dầu, gas,... Kiểm tra các phương án chữa cháy, tình trạng hoạt động của lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ, đặc biệt, ở các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao để có kế hoạch xử lý kịp thời các tình huống xảy ra. 

Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh thường trực sẵn sàng chiến đấu; thực tập phương án chữa cháy ở những cơ sở trọng điểm, có nguy cơ cháy, nổ cao; huy động nhiều lực lượng tham gia, bảo đảm chữa cháy kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết