Tiếng Việt | English

17/05/2019 - 14:14

Phòng, chống dịch tả heo châu Phi: Tăng cường các biện pháp an toàn sinh học

Long An có địa bàn rộng, lại là cửa ngõ các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long nên việc kiểm soát, phòng, chống dịch tả heo châu Phi (DTHCP) hiện nay hết sức cấp bách.

“Trực chiến” sẵn sàn chống dịch

Theo khuyến cáo, do chưa có vắc-xin và thuốc điều trị được DTHCP nên khi heo mắc bệnh, tỷ lệ chết 100%, thiệt hại kinh tế rất lớn. Hơn nữa, vi-rút gây ra DTHCP có sức đề kháng cao trong môi trường biến đổi liên tục, có thể tồn tại trong nhiều năm. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp quyết liệt, ngành chức năng của tỉnh khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm cam kết “5 không” trong công tác phòng, chống bệnh DTHCP: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để nuôi heo.

Hiện toàn tỉnh có hơn 200.000 con heo, chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ.Để kiểm soát và ngăn chặn DTHCP, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh.Đặc biệt, tại các điểm chốt chặn, cần kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển heo qua địa bàn. Theo đó, những ngày qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh luôn trong tư thế “trực chiến” sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.

Chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp hữu hiệu ngăn chặn dịch tả heo châu Phi lây lan

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đức Hòa - Nguyễn Tấn Triều cho biết: “Toàn huyện hiện có khoảng 17.000 con heo. Nhằm phát huy tối đa hiệu quả công tác phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh, huyện không ngừng quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTHCP. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh, vận chuyển, giết mổ heo; tăng cường kiểm tra, kiểm soát 24/24 giờ việc vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm ra, vào địa bàn huyện”. 

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Huệ - Phạm Văn Luốc, Đức Huệ cũng có nguy cơ xâm nhiễm DTHCP cao; đặc biệt là lây nhiễm thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán heo, các sản phẩm từ heo từ đường biên giới, kể cả đã qua chế biến hay các hoạt động thương mại, du lịch. Trước nguy cơ trên, huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, triệu tập hội nghị để triển khai cấp bách, đồng bộ các biện pháp ứng phó, trong đó tập trung tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, hướng dẫn người dân cách nhận biết và các biện pháp phòng, chống dịch, tránh gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng đến chăn nuôi; theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; chủ động nhân lực, vật tư, hóa chất,... để ứng phó kịp thời. Hiện nay, tất cả đơn vị trong huyện đều đặc biệt chú trọng phòng, chống dịch bệnh, áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động vận chuyển, buôn bán nhằm giảm nguy cơ xâm nhiễm bệnh vào địa bàn, đặc biệt là các phương tiện vận chuyển qua 2 chốt biên giới (xã Mỹ Quý Đông và Mỹ Quý Tây). Đồng thời, kiểm soát, kiểm tra tại các lò giết mổ, các chợ, điểm buôn bán, tập trung heo và việc vận chuyển heo ra, vào địa bàn.

Thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hải (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) cho biết: “Việc các phương tiện truyền thông đưa tin chính xác về thực trạng DTHCP tới công chúng là rất quan trọng. DTHCP là bệnh rất dễ lây truyền trong đàn heo và không đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Hiện nay, cách ngăn chặn tốt nhất là thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học. Đây là yếu tố quan trọng để bảo vệ heo an toàn khỏi DTHCP. Nếu trường hợp heo bị nhiễm bệnh và phơi nhiễm, phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch lây lan. Hiện nay, người chăn nuôi cần nâng cao ý thức an toàn sinh học bên trong trại và bên ngoài khu vực chăn nuôi; tiêm chủng vắc-xin đầy đủ phòng ghép bệnh; nâng cao sức đề kháng cho đàn heo thông qua chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất”.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hải, do đặc tính của vi-rút DTHCP là sống lâu ở môi trường bên ngoài nên dịch không thể hết ngay trong thời gian ngắn. Do đó, tương tự như các bệnh dịch trước đây như heo tai xanh hay lở mồm long móng, người chăn nuôi phải xác định còn phải sống chung với bệnh dịch mới này lâu dài. Đối với dịch DTHCP, Bộ NN&PTNT, Cục Thú y và các doanh nghiệp trong ngành khuyến cáo cần tăng cường các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi: Vệ sinh, sát trùng, tiêu độc trên toàn chuỗi sản xuất và cung ứng heo, nhất là những nơi có nguy cơ cao. Đối với trường hợp heo nhiễm bệnh DTHCP, cần tổ chức tiêu hủy bằng phương pháp chôn đúng kỹ thuật và cách ly chuồng trại, tạm ngưng tái đàn, tổ chức khử trùng, tiêu độc thường xuyên nhằm chuẩn bị tốt nhất khi được phép tái đàn. Đồng thời, người chăn nuôi cần thay đổi thói quen sử dụng thức ăn dư thừa từ các cơ sở sản xuất - chế biến, chợ và quán ăn cho heo ăn trực tiếp,... Như vậy, đối với người chăn nuôi, để bảo vệ đàn heo không mắc bệnh DTHCP, cách tốt nhất và không quá khó là phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học. Trước mắt, an toàn sinh học là cách hữu hiệu nhất để đối phó với DTHCP, nhưng về lâu dài còn giúp người chăn nuôi phòng ngừa nhiều loại dịch bệnh khác trên heo, đồng thời giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững./.

"Để bảo vệ đàn heo không mắc bệnh dịch tả heo châu Phi, cách tốt nhất và không quá khó là phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học”.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hải, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích