Tiếng Việt | English

03/12/2018 - 14:47

Phòng, chống HIV/AIDS từ những câu chuyện của các phạm nhân

Những tràng pháo tay không ngớt, những tiểu phẩm dự thi được dàn dựng công phu, ý nghĩa mang đến thành công cho Hội thi tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho phạm nhân (PN) năm 2018. Đó cũng chính là cách cung cấp kiến thức bổ ích về phòng, chống HIV/AIDS một cách thiết thực nhất.

Những tiểu phẩm từ thực tế cuộc sống

Dù không có điều kiện, thời gian tập luyện như những người bình thường khác, song những phần thi, tiểu phẩm do chính những PN thể hiện trong hội thi tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS đã giúp rất nhiều PN đang chấp hành án tại Trại giam Thạnh Hòa hiểu được mối nguy hiểm từ HIV/AIDS và biết cách phòng, tránh.

Phân cảnh trong tiểu phẩm “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” của Đội thi số 2

Sau các phần thi kiến thức, các tiết mục tiểu phẩm chính là phần thi được PN mong chờ nhất trong hội thi. 3 tiểu phẩm với từng chủ đề khác nhau khắc họa những bức tranh sống động nhất từ thực tế cuộc sống, những con đường dẫn tới HIV. Và trong số các PN dự hội thi, có không ít khuôn mặt chùn xuống khi bất chợt như nhận thấy bóng dáng, hình ảnh của mình trong tiểu phẩm.

Vườn hoa bóng tối là tiểu phẩm của Đội thi số 1 kể về câu chuyện gia đình hiện đại ngày nay, cha mẹ mải mê kiếm tiền mà thiếu đi sự quan tâm, tình thương yêu đối với các con. Nỗi buồn thiếu vắng tình thương dần đẩy người con trai ngoan ngoãn, hiền lành lao vào vòng xoáy của đám bạn bè cá biệt. Từ những cuộc ăn chơi, giải buồn, người con trai ấy vướng vào ma túy lúc nào không hay. Những lần tiêm chích chung ma túy với nhóm bạn, người con trai phát hiện mình bị nhiễm HIV. Còn tiểu phẩm Tôi ơi đừng tuyệt vọng của Đội thi số 2 lại kể về câu chuyện của những người dân nghèo khó. Món nợ ít ỏi của gia đình không lâu sau biến thành một món nợ lớn do “lãi mẹ đẻ lãi con”. Không có tiền trả nợ, người con gái trong gia đình phải bỏ quê hương theo chân nhóm xã hội đen lên thành phố hành nghề mại dâm để trả nợ thay cho gia đình. Từ đây, cuộc đời cô gắn liền với chuỗi ngày tăm tối tiếp khách triền miên. Và cô cũng không biết mình bị nhiễm HIV từ khi nào. Bị mọi người kỳ thị, mất niềm tin vào cuộc sống, cô quyết tâm trả thù những người đã hại cuộc đời mình, sẵn sàng gieo rắc căn bệnh thế kỷ lên những người đàn ông đến mua dâm. Đỉnh điểm là khi cô chèo kéo một người khách bên đường, nhưng trớ trêu thay, đó lại chính là cha cô đang trên đường tìm con sau bao năm xa cách. Xấu hổ, tủi nhục, cô muốn gạt phăng tất cả, chấp nhận cuộc sống hiện tại. Nhưng bằng tình thương của người làm cha, sự giúp đỡ của những tình nguyện viên phòng, chống HIV/AIDS, cô dần hiểu ra, đối với những người từng nhiễm HIV không phải đã là chấm hết. Chỉ cần mình có niềm tin, quyết tâm, cố gắng điều trị, sống lạc quan thì cuộc sống, tương lai vẫn còn ở phía trước.

Ấn tượng nhất trong hội thi phải kể đến tiểu phẩm Địa phủ thời nay của Đội số 3. Câu chuyện tái hiện cảnh 2 người thanh niên vì sốc thuốc sau khi tiêm chích ma túy mà ảo tưởng rằng mình đã chết, lạc vào cõi địa phủ. Bằng một loạt tình tiết đối thoại giữa Diêm vương, 2 vị phán quan và 2 thanh niên nơi địa phủ đã kể lại câu chuyện đầy đủ nhất về mối hiểm họa từ ma túy, HIV để cảnh tỉnh mọi người hãy biết dừng lại đúng lúc, tránh xa ma túy trước khi quá muộn.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế - Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh, Trưởng ban Giám khảo hội thi, mỗi tiểu phẩm là những câu chuyện chân thực nhất được chính những PN đang chấp hành án dàn dựng, đây sẽ là những bài học thiết thực cho mỗi PN về việc phòng, chống HIV/AIDS
khi trở về hòa nhập với xã hội.

Ban tổ chức trao giải cho các đội thi

Cách giáo giục, tuyên truyền trực tiếp, bổ ích

Theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh, qua hội thi có thể thấy rằng, các PN tuy đang phải chấp hành án phạt tù nhưng đều có những kiến thức cơ bản, nhất định để phòng tránh HIV/AIDS. Điều đó được thể hiện qua từng phần thi của 3 đội tham gia, đa số các câu hỏi do Ban Tổ chức đưa ra đều được các PN trả lời xuất sắc. Có nhiều tình huống câu hỏi khó nhưng các PN vẫn tìm được câu trả lời đúng. Đặc biệt là qua phần thi trả lời câu hỏi tình huống cũng như phần thi sân khấu hóa có thể thấy việc phòng, chống HIV/AIDS thực sự thu hút sự quan tâm của tất cả PN. “Từng tiếng vỗ tay hay thoáng một chút buồn khi bất chợt thấy hình ảnh mình trong tiểu phẩm đã là thành công lớn mà hội thi mang lại. Đó cũng là cách giáo dục, tuyên truyền trực tiếp, bổ ích nhất cho những PN đang chấp hành án tại đây” - Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh cho biết.

Còn theo Đại tá Lương Văn Hồng - Phó Giám thị Trại giam Thạnh Hòa, hội thi đã mang lại nguồn kiến thức bổ ích, thiết thực và nâng cao sự hiểu biết cho toàn thể PN về những hành vi có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, đặc biệt là những người vi phạm pháp luật, tham gia các tệ nạn mại dâm, ma túy, quan hệ tình dục đồng giới. Từ đó thấy được hậu quả, tác hại của các tệ nạn để chủ động phòng tránh cho bản thân. “Qua hội thi, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng về nội dung và kết quả đến toàn thể PN qua hệ thống loa truyền thanh của đơn vị để những PN không có mặt trong hội thi cùng biết được những kiến thức cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS” - Đại tá Lương Văn Hồng cho biết./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết