Tiếng Việt | English

10/04/2017 - 11:46

Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em - Gia đình là “lá chắn” đầu tiên

Sự thờ ơ, thiếu quan tâm của nhiều bậc phụ huynh hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ rơi vào nguy cơ bị xâm hại tình dục hoặc vi phạm pháp luật về xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE). Vì vậy, để phòng, chống XHTDTE xảy ra, gia đình phải là “lá chắn” đầu tiên trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng cần thiết.


Ông bà, cha mẹ cần quan tâm đến con, cháu, đặc biệt là con gái để góp phần cùng xã hội phòng, chống vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em

Chỉ vì thờ ơ!

Từ ngày ra tù, trở về cuộc sống đời thường và làm công nhân trong một công ty tại địa phương, em N.V.C, ngụ ấp Hậu Hòa, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An ít tiếp xúc với hàng xóm hơn trước. Có lẽ, khi hiểu được hành vi sai trái, vi phạm pháp luật của mình cách đây hơn 4 năm nên C. ái ngại. “Lúc đó, C. ở tù vì tội XHTDTE. Tòa tuyên án 7 năm nhưng gia đình tôi xin giảm mức hình phạt vì C. mới 16 tuổi, nếu thời gian ở tù quá dài sẽ ảnh hưởng đến tương lai của em” - bà Phạm Thị Bỗng chia sẻ.

Bà Bỗng là bà nội của em N.T.T.M - nạn nhân vụ XHTDTE xảy ra hơn 4 năm trước. T.M. khi đó vừa tròn 5 tuổi, bây giờ, chuyện ngày xưa cô bé chẳng còn nghĩ đến. “Từ đó đến nay, gia đình tôi không nhắc đến sự việc đáng buồn ấy vì sợ cháu bị ám ảnh, ảnh hưởng cuộc sống mai sau. Để cháu quên hẳn chuyện cũ, gia đình cũng dành nhiều thời gian gần gũi, trò chuyện với cháu hơn. Hiện tại, cháu 9 tuổi và học hành chăm ngoan” - bà Bỗng cho biết.

Với những gia đình có trẻ bị XHTD, nỗi đau có lẽ vẫn âm ỉ. Và trường hợp XHTDTE của N.V.C. là bài học cho sự thờ ơ, thiếu quan tâm của các bậc phụ huynh. Ngày đó, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ C. mải lo làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống nên ít dành thời gian quan tâm đến em. Nhiều lần, biết chuyện C. trộm vặt trong xóm nhưng cha mẹ cũng phớt lờ, thậm chí ngó lơ khi thấy C. tiếp xúc với những phim ảnh có nội dung không lành mạnh. Chính sự thờ ơ của mẹ cha vô tình đẩy con trẻ từ sai lầm này đến sai lầm khác và cuối cùng là XHTD với bé T.M. - đứa em cạnh nhà mà không hề biết đó là vi phạm pháp luật. “Sau lần vi phạm này và mãn hạn tù trở về, tôi thấy gia đình C. có thay đổi, dành thời gian quan tâm, giáo dục em nhiều hơn trước” - bà Bỗng cho biết thêm.

Gần 1 tháng nay, người dân xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa xôn xao về vụ XHTDTE xảy ra ở ấp An Thủy. Theo ông Lê Văn Cư - Trưởng ấp An Thủy: “Chuyện XHTDTE xảy ra trong ấp là có nhưng mức độ thế nào thì ngành chức năng đang vào cuộc điều tra. Đó là trường hợp em N.T.T.D, học lớp 6, bị người dượng họ “giở trò” trong lúc mẹ vắng nhà. Qua ghi nhận lời khai ban đầu của người xâm hại tại địa phương thì anh có những hành vi không đứng đắn với bé T.D.,... Và, từ hôm ấy đến nay, anh rất ăn năn, nhiều lần đòi tự tử vì xấu hổ về hành vi của mình”.

Ở lứa tuổi 12, phần nào T.D. hiểu được câu chuyện buồn xảy ra với mình. Càng buồn hơn khi người có hành vi sai trái lại là dượng họ, người từng đưa đón em đến trường, chăm sóc từng bữa ăn khi em còn nhỏ. Gia đình T.D. thuộc diện hộ nghèo, mẹ em làm công nhân ở TP.HCM. Hàng ngày, T.D. ở nhà với bà ngoại bị tai biến nằm một chỗ và thường sang nhà dượng họ chơi, xem tivi. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Ninh Tây - Nguyễn Kim Dự kể: “Sau khi biết thông tin, hội có đến nhà tìm hiểu và nghe T.D. kể lại, hôm đó, em sang nhà dượng xem tivi và người này có hành vi không đúng nhưng em kêu gào và thoát ra được. Hiện tại, Công an huyện đang thụ lý hồ sơ và điều tra”.

Dù chưa có kết quả cuối cùng nhưng chuyện xảy ra với T.D. hôm nay cũng có một phần trách nhiệm của gia đình. Vì đi sớm, về trễ, ít có thời gian dành cho con nên mẹ T.D. chưa dạy con gái những bài học về cách tự bảo vệ mình. Hơn nữa, cha bỏ mẹ con em lúc T.D. mới hơn 1 tuổi nên việc thiếu tình thương, sự dạy dỗ của cha cũng là một trong những nguyên nhân đẩy T.D. rơi vào tình cảnh hiện nay.

Ngoài những vụ XHTDTE này, theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2016 có 21 vụ XHTDTE xảy ra ở các huyện: Tân Thạnh, Đức Hòa, Cần Đước, Bến Lức, Vĩnh Hưng, Thủ Thừa, Tân Trụ và TP.Tân An,...


Các em phát biểu về xâm hại tình dục trẻ em tại diễn đàn trẻ em

Trang bị kiến thức, kỹ năng cho con

Những câu chuyện đau lòng về XHTDTE xảy ra gióng lên hồi chuông báo động về vấn nạn này mà trong đó, vai trò phòng, chống của gia đình rất quan trọng. Cha mẹ dẫu bận bịu đến đâu cũng phải quan tâm, giáo dục con cái.

“Tùy lứa tuổi mà có cách giáo dục phù hợp. Chẳng hạn, với những bé gái, bé trai bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ không nên e ngại chuyện giáo dục tâm, sinh lý mà phải chọn cách giáo dục một cách tế nhị, phù hợp để các con hiểu và phòng tránh. Còn với những trẻ nhỏ đôi ba tuổi, khi chơi đùa với con, cha mẹ không nên thể hiện sự yêu thương bằng cách nựng nịu những bộ phận nhạy cảm của con. Điều này dễ gieo vào tâm thức các em một suy nghĩ, đó cũng là những bộ phận bình thường như mắt, mũi, miệng trên cơ thể nên cha mẹ hay người lạ đều có thể chạm vào” - chị Nguyễn Thị Diễm Xuân, ngụ thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa chia sẻ.

Ngoài cách giáo dục, cha mẹ hãy dành thời gian quan tâm đến con trẻ. Các con ăn gì, chơi gì và sở thích ra sao, cha mẹ cũng nên lưu tâm. Cũng theo bà Phạm Thị Bỗng, xã hội bây giờ rất hiện đại, những hình ảnh không lành mạnh tràn lan trên mạng và phim ảnh. Vì vậy, cha mẹ phải kiểm soát con để kịp thời uốn nắn, dạy dỗ chớ đừng “im hơi lặng tiếng” như gia đình em N.V.C. Hơn nữa, nếu XHTDTE xảy ra, gia đình nên mạnh dạn lên tiếng để xã hội biết rằng, đó là tội lỗi đáng lên án, là hành vi vi phạm pháp luật cần phải trừng trị để răn đe, thức tỉnh những người khác.

Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Trần Minh Hiếu cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ XHTDTE là sự quan tâm, giáo dục về đời sống gia đình của ông bà, cha mẹ còn hạn chế. Vì vậy, theo ông Hiếu, để phòng, chống XHTDTE, ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục các gia đình thực hiện tốt Luật Hôn nhân Gia đình, trong đó, quan tâm đến giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình để mỗi gia đình nâng cao ý thức về vai trò của ông bà, trách nhiệm của cha mẹ và bổn phận của con cháu trong việc phòng, chống XHTDTE. Mỗi gia đình nên giáo dục con cách tự bảo vệ, không để tệ nạn xã hội, trong đó có XHTDTE xâm nhập vào.

Đồng thời, phải lên tiếng, tố giác khi phát hiện XHTDTE xảy ra nhằm góp phần ngăn chặn vấn nạn này. Ngoài ra, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nên tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em bằng nhiều hình thức phong phú nhằm góp phần phòng, chống XHTDTE.

Phòng, chống XHTDTE cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó, gia đình vẫn là nền tảng có vai trò quan trọng, "lá chắn" đầu tiên bảo vệ các em từ sự quan tâm, giáo dục con trẻ một cách phù hợp của các thành viên trong gia đình./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết