Tiếng Việt | English

23/05/2019 - 15:20

Phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện Bến Lức: “Tiếp sức” cho phụ nữ nông thôn

Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã “tiếp sức” cho nhiều phụ nữ nông thôn vươn lên ổn định cuộc sống và khẳng định vai trò, vị trí của mình trong xã hội hiện đại bằng nguồn vốn tín dụng chính sách.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nị vừa tạo việc làm cho mình, vừa giải quyết việc làm cho 5 lao động

Chị Nguyễn Thị Thanh Nị vừa tạo việc làm cho mình, vừa giải quyết việc làm cho 5 lao động

Cứ ngỡ sau khi kết hôn và có con, chị Nguyễn Thị Thanh Nị, ngụ ấp 4, xã Lương Bình, huyện Bến Lức, sẽ có được cuộc sống hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình. Song, hạnh phúc không mỉm cười với chị khi người chồng đành lòng "dứt áo ra đi" bỏ lại 3 mẹ con chị bơ vơ, không nghề nghiệp ổn định, phải về sống nương tựa bên ngoại. Điều đáng nói, mặc cảm không có gia đình trọn vẹn, người con lớn của chị mắc bệnh trầm cảm. 

Vượt qua nỗi đau, chị Nị không chỉ vươn lên ổn định cuộc sống mà còn trở thành tấm gương vượt khó tiêu biểu ở địa phương. Theo đó, năm 2010, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Lương Bình, chị được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bến Lức cho vay vốn 30 triệu đồng để mua máy may công nghiệp về may quần áo cho những người trong xóm, kiếm tiền trang trải cuộc sống. 

Chị Nị tâm sự: “Trước khi lập gia đình, tôi làm việc cho một công ty trong ngành may mặc trên địa bàn huyện Bến Lức và được công ty đưa đi đào tạo ở nước ngoài 10 tháng. Sau khi kết hôn, chồng tôi khuyên tôi nghỉ việc ở nhà để có thời gian chăm sóc gia đình. Do đó, sau khi ly hôn, tôi quyết định vận dụng kiến thức học được để vừa tạo việc làm cho mình, vừa có thời gian chăm sóc các con. Ban đầu, tôi chỉ may quần áo cho những người xung quanh xóm, tuy nhiên nguồn thu nhập rất ít, không đủ trang trải cuộc sống. Trước tình hình đó, tôi quyết định mượn thêm tiền của người thân để mở cơ sở sản xuất số lượng lớn và bán cho công nhân ở các khu công nghiệp. Nhờ chăm chỉ làm việc, đến nay, tôi có nhiều khách hàng sỉ ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh,...đồng thời, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/người/tháng. Còn riêng tôi có thu nhập trên 30 triệu đồng/tháng và xây được ngôi nhà khang trang, nhất là các con tôi đều chăm ngoan, học giỏi”.

Còn chị Nguyễn Thị Kim Dung, ngụ ấp 4, xã Phước Lợi, cũng đầy nghị lực và bản lĩnh. Chị Dung cho biết: “Trước đây, tôi rất sợ chồng, vì muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình và để các con có cha. Song, không chịu đựng nổi tính rượu chè của chồng nên tôi quyết định ly hôn và chấp nhận nuôi 3 đứa con. Biết được hoàn cảnh của gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã tạo điều kiện cho tôi vay vốn 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bến Lức để nâng cấp quán ăn, tạo thu nhập ổn định. Ngoài ra, tôi còn mạnh dạn tham gia các phong trào của phụ nữ ấp để mở mang kiến thức, học hỏi nhiều điều bổ ích, nhất là không bị lạc hậu trước thời đại, đồng thời có bạn bè tâm sự, chia sẻ những buồn, vui trong cuộc sống. Giờ đây, cuộc sống của tôi không chỉ ổn định mà còn rất vui vẻ, hạnh phúc. Theo tôi, phụ nữ phải có sự nghiệp riêng để không phụ thuộc hoặc “lép vế” trước chồng, nhất là đừng nên sống cam chịu mà hãy mạnh mẽ và quyết đoán”.

Giờ đây, chị Nguyễn Thị Kim Dung cảm thấy cuộc sống rất hạnh phúc

Giờ đây, chị Nguyễn Thị Kim Dung cảm thấy cuộc sống rất hạnh phúc

Có thể nói, phụ nữ ngày nay thật mạnh mẽ và đầy bản lĩnh để tự quyết định tương lai của mình. Điều này cho thấy, phụ nữ không hề thua kém nam giới. Và họ luôn khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. 

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Lương Bình - Lê Thị Thúy Diễm cho biết: “Trước đây, địa phương có xảy ra một vài trường hợp bạo lực gia đình. Tuy nhiên, đa số chị em không dám nói vì sợ mất uy tín gia đình, ảnh hưởng đến cuộc sống các con. Còn bây giờ, hình ảnh phụ nữ cam chịu, sống lệ thuộc chồng chỉ còn trong quá khứ. Đạt kết quả trên một phần nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời tiếp sức cho nhiều phụ nữ nông thôn có việc làm ổn định, vươn lên trong cuộc sống”./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết