Tiếng Việt | English

25/10/2016 - 11:08

Phòng tránh một số bệnh trong mùa nước nổi

Vào mùa nước nổi, nhiều nơi có nguy cơ bị ngập kèm theo rác thải là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Đây là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh bùng phát, đáng chú ý là bệnh sốt xuất huyết (SXH), Zika, tay-chân-miệng (TCM) và tiêu chảy.


Cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để phòng, chống dịch bệnh

Hiện tại, ngành Y tế các cấp trong tỉnh Long An cùng chính quyền, các ngành, đoàn thể các địa phương đang trong tư thế sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm, chưa có thuốc đặc trị như: SXH, TCM và đặc biệt là bệnh Zika xuất hiện tại tỉnh.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng - Bác sĩ Bùi Thị Thùy Linh chia sẻ: Mặc dù mùa nước nổi chưa gây dịch bệnh ở địa phương nhưng không vì thế mà ngành chủ quan trong công tác phòng, chống dịch. Ngành chú trọng tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống dịch bệnh thông qua hệ thống loa phát thanh và vãng gia, phát tờ bướm, tờ rơi đến từng hộ gia đình. Từ đầu năm 2016 đến nay, ngành Y tế huyện phối hợp tổ chức 2 chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH và lồng ghép tuyên truyền cách phòng, chống bệnh Zika. Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn huyện có 40 ca SXH (cùng kỳ 22 ca); 25 ca TCM (cùng kỳ 43 ca).

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Hưng - Phan Đăng Vinh: “Từ đầu năm 2016 đến nay, Vĩnh Hưng ghi nhận 23 ca SXH (cùng kỳ năm 2015 là 38 ca); 10 ca mắc TCM (cùng kỳ 49 ca) và 97 ca tiêu chảy (cùng kỳ 90 ca). Để người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh, huyện đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức: Thông qua hệ thống loa ở các xã, ấp; các cuộc họp hội đồng người bệnh được tổ chức 1 tuần/lần ở cấp khoa và 1 tháng/lần cấp bệnh viện. Đặc biệt, các cộng tác viên y tế ấp, nhân viên chăm sóc sức khỏe cộng đồng vận động người dân, nhất là những hộ gia đình có con em dưới 5 tuổi nên cho trẻ ăn chín, uống chín và sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường sạch sẽ, thực hiện các biện pháp diệt muỗi nhằm phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa, SXH, Zika.


Khi mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời

Ông Huỳnh Văn Riêm, ở khu phố 2, thị trấn Vĩnh Hưng cho biết: “Hàng năm, vào mùa nước nổi, ngành Y tế và địa phương đều phối hợp tuyên truyền những cách thức phòng, chống dịch bệnh như tiêu chảy, SXH, TCM và gần đây còn tuyên truyền cho chúng tôi các biện pháp phòng bệnh Zika. Theo đó, gia đình tôi chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa nước nổi bằng cách thường xuyên quét dọn, lau chùi nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà, đặc biệt là hố rác, tránh để nước ứ đọng trong các vật dụng như vỏ xe, vỏ dừa, thường xuyên súc bình hoa,... nhằm hạn chế sự phát triển của muỗi".

Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 33 ca sốt phát ban nghi sởi, tổng số ca mắc giảm 51,5% so với cùng kỳ (năm 2015: 68 ca), không ghi nhận tử vong; 1.420 ca mắc bệnh TCM, giảm 21,2% so với cùng kỳ (năm 2015: 1.801 ca), không có trường hợp tử vong, ghi nhận 43 ổ dịch (cộng đồng: 32, trường học: 11), tỷ lệ xử lý ổ dịch đạt 100%; 1.826 ca SXH, giảm 5% so với cùng kỳ (năm 2015: 1.917 ca), ghi nhận 337 ổ dịch, xử lý 323/337 ổ, đạt 96%, các ổ dịch còn lại tiếp tục được xử lý.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh - Bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng thông tin: “Mùa nước nổi, các mầm bệnh sẽ lây lan theo nước. Hiện tại, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chỉ đạo ngành Y tế các địa phương bố trí đầy đủ nguồn nhân lực, bảo đảm dự trữ và cung cấp đủ các hóa chất, phương tiện và trang thiết bị xử lý nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt trong mùa nước nổi. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và điều trị kịp thời các ca mắc bệnh.

Cũng theo Bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đề nghị Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại địa phương như bệnh tả, cúm A/H5N1, A/H1N1/2009, não mô cầu, não Nhật Bản, TCM, SXH, liên cầu lợn, quai bị, Zika,... Đồng thời, phối hợp với hệ điều trị tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ viêm phổi do vi-rút, bệnh TCM, SXH, não mô cầu, quai bị, bệnh do vi-rút Zika đến khám và điều trị./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết