Tiếng Việt | English

21/06/2019 - 20:39

Phóng viên ảnh và những câu chuyện nghề

Đôi khi, một bức ảnh có giá trị hơn trăm, ngàn lời nói. Nó chứa đựng thông tin và vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ. Đó chính là những bức ảnh báo chí. Tuy nhiên, để có được những bức ảnh như vậy, phóng viên ảnh (PVA) phải trải qua không ít nhọc nhằn, gian khổ và đan xen những cung bậc cảm xúc khó có thể diễn tả hết bằng lời. Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), chúng ta cùng nghe họ trải lòng về câu chuyện nghề.

Phóng viên ảnh Thành Nguyễn (thứ nhất, bên trái) trong một lần tác nghiệp tại huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk (ảnh do nhân vật cung cấp)
Phóng viên ảnh Thành Nguyễn (thứ nhất, bên trái) trong một lần tác nghiệp tại huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk (ảnh do nhân vật cung cấp)
Lăn xả với nghề
Người làm báo rất nhiều, ai cũng có thể viết, chụp ảnh và thậm chí là quay phim để đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên, để có một bức ảnh báo chí "đẹp", chứa đựng nội dung, khoảnh khắc đắt giá, có lẽ phải cần đến đôi bàn tay và tư duy của PVA. Và một trong những người trẻ có năng lực, nhiệt tình, đam mê với nghề là PVA Thành Nguyễn, Báo VnExpress. Gần 10 năm gắn bó với nghề, mỗi chuyến đi, bức ảnh của anh là một cảm xúc, một câu chuyện riêng.
Trong một quán cà phê nhỏ ở góc đường Alexandre de Rhodes, quận 1, TP.HCM, PVA Thành Nguyễn trải lòng và sẻ chia những câu chuyện nghề với chúng tôi. Từ khi "Nam tiến" vào Sài Gòn - "vùng đất báo" để thỏa sức vẫy vùng và phát triển nghề, PVA Thành Nguyễn đã đi nhiều nơi và gặp nhiều người để tìm những chất liệu báo chí. Từ những chuyến đi thực tế ấy, anh cho ra đời những tác phẩm báo chí của riêng mình. Và với anh, mỗi chuyến đi, bức ảnh là một trải nghiệm khó quên cùng những vùng đất, con người nơi anh đến.
Được bước chân vào môi trường làm báo chuyên nghiệp, cộng thêm sức trẻ, lòng nhiệt huyết với nghề, PVA Thành Nguyễn không ngại dấn thân, để có những tác phẩm mang đầy hơi thở cuộc sống đến với độc giả, từ lũ lụt ở miền Tây, bão ở Đà Nẵng, Quốc lộ 14 đoạn khu vực Tây Nguyên xuống cấp (năm 2011), đời sống của người lao động nghèo,... Nhưng có lẽ, kỷ niệm PVA Thành Nguyễn nhớ nhất là chuyến thâm nhập thực tế "cuộc sống khu trầm" tại núi Gộp Ngà, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Đó là một câu chuyện dài của năm 2012 khi cơn sốt kỳ nam ở khu vực núi Gộp Ngà nóng hơn bao giờ hết. Người người đổ xô về để đào bới rừng săn kỳ nam và nuôi giấc mộng đổi đời. Vậy là, PVA Thành Nguyễn cũng "khăn gói" lên đường tìm đến nơi ấy với sự hỗ trợ của bác xe ôm người địa phương. PVA Thành Nguyễn chia sẻ: "Họ đi săn trầm với ước mơ đổi đời nhưng chuyện đổi đời chưa thấy đâu, chỉ biết đằng sau nghề này là cuộc hành trình dài, đầy gian nan, thử thách. Họ uống những vũng nước ven đường, mắc võng giữa rừng để ngủ, mặc cho muỗi thiêu đốt da thịt và nguy cơ sốt rét rừng. Giấc mơ tỉ phú chưa tìm thấy nhưng chỉ thấy hầu hết những người săn trầm tay trắng trở về và trong bộ dạng gầy xọp, đen nhẻm, mắt sâu hoắc vì nhiều đêm thiếu ngủ".
Sau trải nghiệm ấy, phóng sự Ác mộng kỳ nam với những bức ảnh chân thật của PVA Thành Nguyễn mang lại hiệu ứng rất cao. Nhiều người có ước mơ đổi đời với nghề săn trầm có lẽ cũng tỉnh giấc.
Và, còn nhiều câu chuyện cảm động khác được PVA Thành Nguyễn kể lại qua những bức ảnh báo chí. Qua đó, độc giả có một cái nhìn mới, đa chiều về cuộc sống và những điều đang xảy ra trong xã hội.
Nhà báo Giản Thanh Sơn tác nghiệp trên trực thăng Ảnh: Nguyễn Cường
Nhà báo Giản Thanh Sơn tác nghiệp trên trực thăng Ảnh: Nguyễn Cường
Vươn ra biển lớn
Nếu người trẻ có sự lăn xả, nhiệt tình thì PVA kỳ cựu còn có thêm sự chuyên nghiệp cao, kinh nghiệm và kiến thức được bồi đắp qua từng năm tháng sống với nghề. Một trong những người đó là nhà báo, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn - người chuyên chụp chân dung chính khách và là tác giả của nhiều sách ảnh nổi tiếng: Vị thế Việt Nam, Dấu ấn hội nhập, Không ảnh đảo và bờ biển Việt Nam,...
44 năm dấn thân với nghề, nhà báo, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn đi từ "sông" và vươn ra "biển lớn", góp phần đưa hình ảnh chính khách và dải đất hình chữ S Việt Nam ra trường quốc tế. Trong lần trở lại quê hương - Long An, tôi có dịp gặp ông và được nghe những kinh nghiệm, câu chuyện nghề của ông. Đó cũng là những kiến thức quý giá mà thế hệ nhà báo đi trước trao truyền cho chúng tôi.
Từng là phóng viên được tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (2006-2010), phóng viên chuyên trách của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (2011-2016) và được đặc cách lên những chuyến bay huấn luyện quân sự, nhà báo, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn được tác nghiệp tại các sự kiện lớn: Hội nghị Thượng đỉnh Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; khóa họp thứ 64, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc; Hội nghị ASEM5, ASEAN và hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ 2 tại New York, được bay dọc theo chiều dài đất nước hình chữ S xinh đẹp để chứng kiến sự chuyển mình của Việt Nam,...
Nhà báo, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn chia sẻ: "Để bắt được khuôn mặt, thần thái những vị chính khách, PVA phải tập trung tuyệt đối và có kinh nghiệm tác nghiệp. Bởi, các vị ấy, đi đến đâu là có hàng rào an ninh bảo vệ nghiêm ngặt đến đó. Đôi lúc, tôi cũng phải chen lấn, tranh giành để “chớp” lấy khoảnh khắc với đồng nghiệp. Ngoài ra, PVA phải biết phán đoán diễn biến sự kiện và bắt đúng khoảnh khắc, trạng thái vui, buồn của nhân vật, tất cả đều phải tính bằng giây. Trong những tình huống như vậy, tôi không dám chớp mắt vì sợ lỡ mất khoảnh khắc từ chính khách, thậm chí khi nước mắt chảy ràn rụa trên má vì cay, mỏi mắt cũng không dám quay đi để lau. Do vậy, với tôi, mỗi bức ảnh là một câu chuyện kể riêng biệt". Có lẽ chính sự chuyên nghiệp ấy, ông sở hữu được những bức ảnh xuất thần của các vị chính khách và cho ra đời những cuốn sách ảnh giá trị.
Ngoài chụp chân dung chính khách, nhà báo, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn còn được biết đến với những bức ảnh cảnh sắc Việt Nam từ không trung. Ông tâm sự: "Nhìn Việt Nam từ không trung, tôi thực sự bị choáng ngợp trước vẻ đẹp quê hương, sự xúc động khi thấy đất nước "thay da, đổi thịt" qua từng giai đoạn phát triển. Quang cảnh trước mắt tôi đẹp tựa bức tranh, với những cánh đồng thẳng tắp sắp vào mùa thu hoạch ở vùng đất mũi Cà Mau, những vạt khói đốt đồng ở miền sông Hậu, Vĩnh Long, thú vị khi bắt gặp một ngôi làng nhỏ ven kênh hoặc khi bay qua những hòn đảo hoang sơ trên vùng biển đẹp Tây Nam,... thật yên bình. Rồi khi bay qua không phận Sài Gòn, tôi cảm nhận rất rõ sự phát triển nhanh chóng của Hòn ngọc Viễn Đông so với cách đây 5, 10 năm". 
Đảo Trường Sa Lớn (Ảnh: GIản Thanh Sơn)
Đảo Trường Sa Lớn (Ảnh: GIản Thanh Sơn)
Và khi nhắc về biển, đảo Trường Sa và Hoàng Sa, ông tiếp lời: "Những cột mốc thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc, thật đẹp và kỳ vĩ. Từ trên cao nhìn xuống, hàng trăm hòn đảo lớn, nhỏ trên biển quê hương như đan xen, quấn quýt ôm chặt vào dải đất hàng ngàn năm lịch sử của cha ông nước Việt. Và Trường Sa Lớn giống như mũi một con tàu hiên ngang vững chãi giữa biển khơi. Nơi đây, người dân đã bao đời quyết tâm xây dựng Trường Sa Lớn từ một hòn đảo toàn cát trắng trở thành một dải đất trù phú, rợp mát bóng cây xanh,...".
Những cảm xúc đan xen với niềm tự hào khó tả ấy được thể hiện chân thật và rõ nét qua từng bức ảnh trong bộ sách ảnh Không ảnh đảo và bờ biển Việt Nam của ông. 62 tuổi đời và 44 năm tuổi nghề, nhà báo, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn chưa bao giờ giảm nhiệt huyết hay tắt lửa đam mê. Ông vẫn ngày ngày hăng say lao động, học hỏi để nâng tầm kiến thức và ấp ủ nhiều dự án dài hơi. Trong năm 2019, nhà báo, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn được trao bằng Tiến sĩ danh dự của Viện Đại học Kỷ lục thế giới (WRU) với đề tài luận án Quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua các dự án và công trình sách song ngữ Việt - Anh cùng các bộ tác phẩm ảnh do ông sáng tác và triển lãm,...
PVA cực là vậy nhưng ai cũng tìm thấy niềm vui trong công việc và sống trọn với nghề!/.
Ngọc Sương
Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích