Tiếng Việt | English

11/11/2016 - 14:51

Phóng viên bị đánh: Cách gì để yên tâm tác nghiệp?

Những người làm báo lo lắng những vụ việc hành hung, đánh phóng viên không được xử lý nghiêm dễ tạo tiền lệ xấu.

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra vụ việc phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp. Những người làm báo lo lắng những vụ việc này không được xử lý nghiêm dễ tạo tiền lệ xấu, khiến phóng viên vì sự an nguy của bản thân mà mất đi nhiệt huyết với nghề.

Bị đánh khi đang tác nghiệp

Vụ việc mới đây nhất xảy ra ngày 6/11, phóng viên Nguyễn Tùng (Đài truyền hình kỹ thuật số VTC) và đồng nghiệp là Phạm Hiển (phóng viên báo Pháp luật Việt Nam) bị một nhóm đối tượng hành hung khi đang tác nghiệp tại khu giết mổ động vật tập trung ở huyện Thanh Oai (Hà Nội).

Phóng viên khi tác nghiệp cần được bảo vệ. (Ảnh:Toàn Văn).
Các đối tượng đã dùng vật cứng đánh vào đầu anh Tùng và đồng nghiệp, rồi tước đoạt tài sản, giấy tờ tùy thân gồm CMTND, điện thoại. Anh Tùng được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng choáng váng, khó thở. Hiện sức khỏe Tùng đã ổn định, nhưng vẫn tiếp tục cần theo dõi. Tùng đã đi làm trở lại, nhưng tinh thần chưa hết hoang mang. Tùng chia sẻ: “Tôi đi làm việc theo sự chỉ đạo của tòa soạn và bị đối tượng hành hung. Dù đã đi làm trở lại, nhưng tôi và gia đình thấy lo lắng, trước mắt tôi vẫn chưa dám đi tác nghiệp. Tôi mong vụ việc được xử lý nhanh nhất theo đúng quy định của pháp luật”.

Cũng trong ngày 6/11, tại khu vực giáp ranh giữa xóm 8B thị trấn Quân Chu và xóm Cây Hồng xã Quân Chu (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), nhà báo Đặng Văn Nghịnh và Nguyễn Anh Tuấn, phòng Thời sự, Đài PT-TH tỉnh Thái Nguyên bị hành hung khi đang thực hiện phóng sự điều tra về tình trạng khai thác cát sỏi trên địa bàn xã Quân Chu.

Trước vụ việc xảy ra, lãnh đạo Đài truyền hình kỹ thuật số VTC đã có báo cáo cơ quan chủ quản và đang phối hợp với chính quyền địa phương làm rõ sự việc, bảo vệ lợi ích chính đáng của phóng viên. Được sự đồng ý của lãnh đạo Đài TNVN, Liên chi hội Hội Nhà báo Đài TNVN cũng đã có công văn gửi Hội Nhà báo Việt Nam về vụ việc liên quan đến hội viên của Liên chi.

Ngay trong ngày 6/11, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký văn bản số 6385/UBND-TKBT giao Giám đốc Công an Hà Nội khẩn trương chỉ đạo điều tra làm rõ vụ việc phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Oai. Ông Bùi Văn Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, theo sự chỉ đạo của Chủ tịch thành phố và Giám đốc Công an thành phố, quan điểm của huyện là sẽ xử lý đối tượng theo đúng quy định của pháp luật. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, công an huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã phối hợp với công an xã Bích Hòa triệu tập đối tượng để lấy lời khai.

Còn về phía Đài PT-TH Thái Nguyên, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Giám đốc Đài cho biết, lãnh đạo đài đã kiến nghị lên tỉnh để có hình thức xử lý đối tượng và Chủ tịch tỉnh đã yêu cầu điều tra và xử lý nghiêm đối tượng. Ngày 7/11, Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên đã ra Công văn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh Thái Nguyên, UBND huyện Đại Từ và các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm đối tượng hành hung nhà báo, nhằm bảo vệ quyền lợi của hội viên Hội Nhà báo tỉnh. Hội Nhà báo Việt Nam đã có văn bản gửi các cơ quan có trách nhiệm tại các địa phương xảy ra vụ việc để xem xét, làm rõ đúng sai.

Cần trang bị kỹ năng phòng vệ khi tác nghiệp ở nơi nguy hiểm

Nhà báo Thanh Hằng, Báo Công an nhân dân cho rằng, để hạn chế đến mức thấp nhất việc bị hành hung khi tác nghiệp, phóng viên cần có cách làm việc chuyên nghiệp để đảm bảo an toàn cho bản thân. Còn với những vụ việc đã xảy ra, để bảo vệ quyền lợi cho phóng viên, nhà báo Thanh Hằng nêu ý kiến, Hội Nhà báo Việt Nam cần đề nghị và đồng hành cùng cơ quan chức năng để tìm hiểu, làm rõ vụ việc. Nhà báo Thanh Hằng nhận xét, chế tài xử lý kẻ hành hung nhà báo đã có nhưng việc thực thi chưa nghiêm.

Ông Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông Quốc gia chia sẻ, cần làm rõ tác nghiệp của nhà báo được bảo vệ ở mức độ như thế nào, khi đã rõ sẽ có chế tài cụ thể để xử lý nghiêm đối tượng hành hung nhà báo. Bên cạnh đó cũng cần truyền thông về chế tài xử lý những kẻ hành hung nhà báo để mọi người biết nếu vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào. Ông Tuyến cũng chia sẻ kinh nghiệm từ bản thân: “Nhà báo khi tham gia tác nghiệp cần trước tiên đảm bảo an toàn cho bản thân. Điều khiến chúng ta tự tin và có thể “cứng rắn” ở hiện trường là chúng ta tuân thủ pháp luật, khi đó khả năng bị xâm phạm sẽ giảm đi nhiều. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí cần chú trọng hơn trong việc đào tạo kỹ năng tác nghiệp an toàn cho nhà báo”.

Theo các nhà báo, Luật Báo chí 2016 có những điều khoản quy định rõ việc bảo vệ phóng viên khi tác nghiệp. Tuy nhiên, để luật đi vào đời sống, không chỉ các nhà báo mà các cơ quan có liên quan cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt Luật Báo chí./.

VOV.VN (Theo Thu Minh/Báo Tiếng nói Việt Nam) 

Chia sẻ bài viết