Tiếng Việt | English

19/06/2017 - 19:17

Phóng viên trẻ: Thừa nhiệt huyết, “non” kinh nghiệm

Bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào, tuổi trẻ luôn là giai đoạn “sung sức”, đầy nhiệt huyết, đặc biệt, với nghề báo - cần có bản lĩnh, dám chấp nhận rủi ro, thử thách để trụ được với nghề. Thế nhưng, chính vì ít tuổi đời, non tuổi nghề, phóng viên (PV) trẻ phải từng ngày góp nhặt những bài học đáng giá để đi lên từ những thành công lẫn sai sót.

"... Hạn chế của PV trẻ là chưa tạo dựng được nhiều mối quan hệ với địa phương. Kiến thức, bản lĩnh còn hạn chế nên họ gặp không ít khó khăn khi phải thu thập thông tin từ nhiều phía, nếu chỉ lắng nghe “một chiều”, bài viết sẽ mất tính khách quan. Do đó, ngoài việc học tập từ đồng nghiệp, những người đi trước, tự học, tự nâng cao kiến thức, vốn sống là điều mà PV trẻ cần ghi nhớ."

Trưởng thành từ thử thách

Là một trong những PV trẻ thuộc “lứa” đầu 9X, độ tuổi chỉ mới tạm gọi là trưởng thành, chúng tôi chỉ vừa đủ khả năng để tự bước vào đời, tự làm việc và không phụ thuộc gia đình.

Thế nhưng, tuổi này, chỉ có thể cho là vừa đủ chín chắn chứ thỉnh thoảng, trong suy nghĩ, lời nói và hành động đôi lúc vẫn còn chút vô tư, chưa thực sự sâu sắc.

Do đó, mỗi ngày gắn bó với quyển sổ, cây bút là một ngày chúng tôi góp nhặt thêm vốn sống, tích lũy kiến thức, hành trang để trụ với nghề.

Lợi thế của rất nhiều PV trẻ là được đào tạo qua các trường đại học, học viện, cập nhật kiến thức nhanh nhạy và có thể sử dụng nhiều phương tiện công nghệ hiện đại phục vụ chuyên môn.

PV trẻ còn là những người chẳng ngại khó, ngại khổ trong tác nghiệp để thu thập tài liệu, gặp gỡ nhân vật,... đó là nguồn “nguyên liệu” chế biến “món ăn” tinh thần cho độc giả.

Là PV, đặc biệt là PV nữ, sức khỏe, bản lĩnh có lẽ không thể so được với nam giới. Ấy vậy mà, bất kể nắng mưa, đường xa xôi, hẻo lánh, họ vẫn sẵn sàng, chẳng nề hà khó khăn, gian khổ. Và, tôi cũng thấy hình ảnh mình của vài năm trước từ những bạn PV tập sự, đến với nghề bằng tất cả lòng nhiệt tình, đâu đó, vẫn có chút bối rối trong những ngày đầu chập chững theo nghề báo.

Phóng viên Phòng Thời sự - Đài Phát thanh và Truyền hình Long An - Cao Thị Kim Ngân cùng đồng nghiệp đang tác nghiệp

Bản thân tôi cũng từng vướng phải nhiều sai sót không đáng có. Điển hình như một lần bất cẩn khi thực hiện chuyên trang, bài báo của mình có trích dẫn một văn bản quy phạm pháp luật mà không chú ý việc văn bản này đã có văn bản mới thay thế. Khi có phản hồi về bài viết, bản thân vô cùng hối hận. Đây cũng là bài học nhớ đời, nhắc nhở tôi phải cẩn trọng hơn khi đặt bút.

Tự học để vững bước theo nghề

Với nghề cầm bút, việc học vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi. Học ở bạn bè, đồng nghiệp, học từ những sai sót của bản thân để trưởng thành qua từng ngày. Và, trong chúng tôi - những PV trẻ, cần xác định việc học là nhiệm vụ suốt đời.

PV Lê Thị Kim Ngọc (Phòng Kinh tế, Văn hóa và Xã hội - Báo Long An) là một trong những PV trẻ luôn nỗ lực tự học.

Quê ở An Giang, với chất giọng “rặt” miền Tây, Ngọc chia sẻ: “Đến Long An làm việc, tôi gặp trở ngại rất nhiều vì “lạ nước, lạ cái”, đường sá không rành,... Hơn nữa, ngành học của tôi là Ngữ văn, khi đi làm báo, tôi phải tự học và nhờ sự hướng dẫn, giúp đỡ từ lãnh đạo, đồng nghiệp, tự rút kinh nghiệm qua từng bài viết để tiến bộ hơn. Thời gian đầu, tôi còn viết sai chính tả, ngữ pháp rất nhiều. Tôi khắc phục bằng cách đọc thật nhiều báo, mỗi bài viết hoàn thành, thấy đồng nghiệp nào rảnh, tôi nhờ xem qua và điều chỉnh, góp ý để tránh trường hợp nhiều lần cùng mắc phải một lỗi. Bên cạnh đó, trong giao tiếp, tôi cũng gặp một số trở ngại do chất giọng và ngôn ngữ vùng miền. Từ đó, tôi tập nói chuyện chậm rãi, thân thiện để công việc suôn sẻ hơn. Tôi hiểu rằng, giao tiếp cũng là một trong những yếu tố quan trọng vì giữ được mối quan hệ tốt với cơ sở”.

Bên cạnh đó, hạn chế của PV trẻ là chưa tạo dựng được nhiều mối quan hệ với địa phương. Kiến thức, bản lĩnh còn hạn chế nên họ gặp không ít khó khăn khi phải thu thập thông tin từ nhiều phía, nếu chỉ lắng nghe “một chiều”, bài viết sẽ mất tính khách quan. Do đó, ngoài việc học tập từ đồng nghiệp, những người đi trước, tự học, tự nâng cao kiến thức, vốn sống là điều mà PV trẻ cần ghi nhớ.

PV Cao Thị Kim Ngân (Phòng Thời sự - Đài Phát thanh và Truyền hình Long An) bộc bạch: “Tôi vào nghề được hơn 4 năm. Tôi may mắn nhận được sự hướng dẫn của các cô chú, anh chị đi trước. Những PV trẻ như chúng tôi được tạo điều kiện tối đa để “lăn xả” với nghề. Tuy nhiên, tuổi đời lẫn tuổi nghề đều trẻ, tôi gặp không ít khó khăn, từ quá trình tập tành làm quen với công việc, liên hệ cơ sở, tìm đề tài, cách khai thác và xử lý thông tin cho đến việc thực hiện tác phẩm - những “đứa con tinh thần”. Vì thế, sự giúp đỡ từ đồng nghiệp, những người đi trước luôn là nguồn động viên, truyền lửa đam mê để tôi khơi nguồn cảm xúc. Nghề báo mang đến sự trải nghiệm, giúp tôi hiểu thêm về mọi ngóc ngách của cuộc sống. Mỗi lần gặp một người, một nhân vật, tìm hiểu về một vấn đề, tôi càng thấy mình “giàu có” hơn. Ngoài sức trẻ, sự xông xáo và nhiệt huyết thì những PV trẻ như tôi phải cố gắng trau dồi kiến thức, kỹ năng để “đi” và đứng vững trên hành trình đầy gian nan nhưng rất vẻ vang của nghề cầm bút”.

Quả thật, nghề báo là một nghề đặc biệt mà mỗi năm bước qua, người PV lại “giàu” thêm một ít. Bởi lẽ, nhà báo được tiếp cận với mọi tầng lớp trong xã hội, từ lãnh đạo cấp cao cho đến anh nông dân tay lấm, chân bùn. Bên cạnh đó, rút ra nhiều bài học từ đồng nghiệp, học từ những nhân vật mình tiếp xúc./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết