Tiếng Việt | English

13/11/2016 - 14:54

Phụ nữ Tân Thạnh với nhiều mô hình tập hợp hội viên hiệu quả

Đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo ra nhiều mô hình hiệu quả, sáng tạo, góp phần giúp hội viên phụ nữ (HVPN) thoát nghèo... là những kết quả của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) huyện Tân Thạnh trong thời gian qua.

Mô hình "Nhóm phụ nữ hỗ trợ dạy nghề" chằm nón lá của Hội phụ nữ huyện Tân Thạnh

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPNVN huyện Tân Thạnh - Nguyễn Thị Duyên: "Làm theo gương Bác, các cấp hội trong toàn huyện vận động cán bộ, HVPN tham gia thực hiện các mô hình thực hành tiết kiệm: Tấm áo đồng phục tặng học sinh nghèo, hũ gạo tình thương, trao đổi sách cũ, mỗi chi hội giúp một hộ nghèo, nhóm PN hỗ trợ dạy nghề,...

Hội LHPNVN huyện Tân Thạnh có 13 cơ sở hội (12 xã, thị trấn và Công an), với tổng số 9.327 hội viên

Ngoài ra, Hội LHPNVN huyện còn đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, nổi bật là mô hình may gia công, chằm nón lá. Trong đó, mô hình chằm nón lá ở ấp Hòa Hưng, xã Bắc Hòa là một trong những mô hình được đánh giá cao.

Bà Ninh Thị Mận (60 tuổi) - Chi hội trưởng Chi hội PN ấp Hòa Hưng, xã Bắc Hòa cho biết: "Thật ra, nghề chằm nón được truyền từ đời bà ngoại tôi, đến mẹ tôi và sau đó đến tôi. Năm 2009, tôi được chị em tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội PN ấp. Thấy một số chị em lớn tuổi trong xóm không có thu nhập trong những lúc nông nhàn nên tôi tập hợp lại để truyền nghề và giúp họ tiêu thụ sản phẩm. Ban đầu, có 40-50 hộ HV tham gia mô hình, đến nay còn lại 18 hộ HV tham gia. Mỗi ngày, các hộ HV trong tổ làm được khoảng 100 cái nón với giá từ 45.000-50.000 đồng/cái. Thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí, mỗi hộ HV có từ 2,5-3 triệu đồng/tháng".

Bà Nguyễn Thị Vinh, người cao tuổi nhất trong nhóm chằm nón lá ở ấp Hòa Hưng chia sẻ: "Trước đây, tôi cũng làm nghề chằm nón lá nhưng nay lớn tuổi rồi, mắt yếu không thấy rõ nên chỉ làm phụ các con. Tôi thường chuốt vành, vuốt lá. Mô hình này giúp chị em có được một khoản thu nhập phụ để lo cho gia đình, cuộc sống ổn định hơn".

Phát huy kết quả, thời gian qua, các cấp Hội PN trong huyện còn triển khai nhiều mô hình hiệu quả như may công nghiệp, kết hoa vải, kết cườm,... Chị Bùi Thị Thu Duyên, thành viên tổ may công nghiệp ở xã Bắc Hòa cho biết: "Tận dụng thời gian rảnh rỗi, tôi đến tổ may công nghiệp nhận hàng may gia công kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày, tôi ráp 5-10 bộ quần áo, thu nhập từ 100.000-150.000 đồng/ngày. Nhờ có chị Nguyễn Thị Tiềm - Tổ trưởng tổ may công nghiệp đầu tư máy móc, tìm nguồn hàng cho chị em làm, tôi và 21 thành viên còn lại có điều kiện cải thiện kinh tế gia đình. HV cũng có thể nhận hàng về nhà làm".

Mô hình "Nhóm phụ nữ hỗ trợ dạy nghề" may gia công ở ấp Hòa Hưng, xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh

Ngoài ra, để giúp HV xóa nhà tạm, từ cuối năm 2011, Hội LHPNVN xã Bắc Hòa phát động HV tham gia mô hình "Giúp nhau xóa nhà dột nát, góp phần đạt tiêu chí về nhà ở". Ban đầu, mô hình thí điểm 1 tổ với 20 HV tham gia, huy động mỗi HV đóng góp 15 bao xi măng/vụ. Hầu hết chị em trong tổ đều phấn khởi tham gia và đồng lòng thực hiện.

Do đa số chị em làm kinh tế nông nghiệp nên việc góp xi măng phải theo mùa vụ và cứ 4 tháng mới xoay vòng 1 lần cho 1 HV với hình thức bốc thăm. Đồng thời, mỗi tổ đều có tổ tiết kiệm tín dụng xoay vòng với số tiền 20 triệu đồng thực hiện đồng bộ với tổ góp xi măng. Sau 1 năm thực hiện xoay vòng, có 3 HV xây dựng nhà kiên cố, trung bình mỗi căn trị giá từ 100-200 triệu đồng, tùy theo phần vốn của gia đình góp thêm. Đến nay, mô hình nhân rộng thêm 3 tổ với 54 thành viên, mỗi chị góp 20 bao xi măng, tổng nguồn vốn xoay vòng cho mỗi chị là 4 triệu đồng. Để có thể chuyển nguồn vốn đến chị em nhanh hơn, các tổ thực hiện xoay vòng 3 tháng/lần. Hiện tại, trong 3 tổ mới thành lập này có 15 HV xây dựng nhà.

Song song với phát huy hiệu quả các mô hình tiết kiệm, các cơ sở hội còn vận động chị em tích cực tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện. Hội phối hợp các ban, ngành, đoàn thể vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Vì người nghèo, tổ chức thăm hỏi các gia đình chính sách và HVPN có hoàn cảnh khó khăn, trích quỹ tặng học bổng, tặng quà cho học sinh nghèo hiếu học,...

Các cấp Hội PN huyện Tân Thạnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, HVPN học tập và làm theo gương Bác, duy trì và nhân rộng các mô hình, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi và tiếp tục được nhân rộng trong các cấp Hội PN./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết