Tiếng Việt | English

10/06/2016 - 13:56

Phụ nữ xã Thanh Phú: Nhiều phong trào tập hợp hội viên, giúp nhau giảm nghèo

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An triển khai nhiều mô hình, phần việc thiết thực như: "Biến rác thành tiền", Tổ phụ nữ đảm đảng, Tổ từ thiện phụ nữ, Tổ vay vốn tín chấp phát triển kinh tế gia đình,… Những phong trào này ngày càng lan tỏa sâu rộng, tập hợp được nhiều chị em phụ nữ tham gia, phát triển hội viên, giúp nhau giảm nghèo.

Nguồn vốn vay từ NHCSXH giúp chị em có việc làm, trang trải cuộc sống

Theo Chủ tịch Hội LHPNVN xã Thanh Phú-Lê Kim Cương, các phong trào do Hội phát động được chị em phụ nữ tham gia tích cực, thu hút chị em đến với tổ chức Hội ngày càng đông. Đến nay, toàn xã có 2.272 hội viên. Các chi tổ hội đều hoạt động khá, luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động gắn với các phong trào.

Một trong những phong trào được chị em phụ nữ, hội viên tham gia tích cực là hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Hiện, Hội tranh thủ nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) giúp cho 280 hộ do phụ nữ làm chủ hộ vay với số tiền hơn 4 tỉ đồng. Theo đánh giá của Hội, hầu hết chị em đều sử dụng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình, nhờ nguồn vốn này 5 năm qua có 27 hộ thoát nghèo.

Chị Đặng Thị Ngọc Nhung-Tổ trưởng Tổ vay vốn ấp Thanh Hiệp cho biết, chị đang quản lý hơn 50 hộ vay vốn từ NHCSXH với số tiền 800 triệu đồng. Từ đồng vốn chính sách này, nhiều chị em sử dụng mua máy may gia công hàng may mặc, túi xách, đan giỏ, trồng rau màu, buôn bán nhỏ,…

Điển hình như chị Bùi Thanh Nga, ở ấp Thanh Hiệp, vay từ NHCSXH 30 triệu đồng. Với số vốn này, chị dùng buôn bán tạp hóa và mua 2 máy may về may gia công giỏ xách. Hằng tháng, thu nhập từ tiền công may giỏ xách của chị được 4 triệu đồng. Chị Thanh Nga cho biết, số tiền thu nhập từ may giỏ xách chị dùng để trang trải việc học cho con và chi phí sinh hoạt trong gia đình. Nhờ vậy, gia đình chị không còn phải gặp cảnh túng thiếu như trước đây.

Ngoài nguồn vốn từ NHCSXH, Hội còn phát triển 6 tổ vay vốn quỹ CEP ở các ấp trong xã, có 327 chị em vay với số tiền trên 4,1 tỉ đồng; 6 tổ vay vốn từ Ngân hàng Đông Á với 210 chị em vay, số tiền 3,1 tỉ đồng.

Mô hình tiết kiệm tín dụng cũng được Hội tập trung củng cố, duy trì và hình thành nhiều tổ tương trợ, tổ tiết kiệm để giúp cho hội viên, phụ nữ có nguồn vốn sản xuất, tăng thu nhập. Toàn xã Thanh Phú hiện có 26 tổ tiết kiệm với 778 thành viên là chị em phụ nữ tham gia. Tổng số tiền tiết kiệm hơn 210 triệu đồng và giải quyết cho chị em nhận xoay vòng làm vốn mua bán hoặc tăng gia sản xuất.

“Biến rác thành tiền” là một phong trào được chị em phụ nữ ấp Thanh Hiệp tham gia và lan tỏa rộng sang các ấp khác. Chị Lê Thị Ánh Tuyết cho biết, mô hình được hình thành rất ngẫu nhiên. Vào khoảng năm 2011, buổi sáng, chị em đi tập thể dục trên các tuyến đường dọc theo đường cao tốc đi qua, rác thải do người đi trên đường cao tốc thả xuống nhiều như bao nylon, vỏ hộp thức ăn, vỏ chai nước,… làm môi trường xấu đi. Vậy là mỗi lần đi tập thể dục, các chị mang túi nylon to để gom rác và phân loại tại nhà chị Phan Thị Kim Loan. Loại nào không bán phế liệu được thì bỏ vào thùng rác, loại nào bán phế liệu được thì gom lại để dành 1 tháng bán 1 lần. Trung bình mỗi tháng các chị bán phế liệu được trên dưới 200.000 đồng.

Số tiền bán phế liệu, các chị lập thành quỹ riêng và dùng cho việc thăm hội viên ốm đau, bệnh tật hay tang gia,… Đến nay sau gần 6 năm hình thành tổ “Biến rác thành tiền”, số tiền quỹ tồn khoảng 8,4 triệu đồng. Chị Ánh Tuyết chia sẻ, số tiền hằng tháng chị em góp nhặt không nhiều nhưng đã hình thành thói quen bảo vệ môi trường sống xung quanh mình sạch sẽ và có nguồn quỹ hỗ trợ kịp thời những hoàn cảnh khó khăn trong ấp. Đến nay, mô hình này đã lan rộng sang các ấp khác.

Ngoài ra, nhiều mô hình khác cũng được hình thành trong xã Thanh Phú do Hội phát động và được chị em hưởng ứng khá tốt như: Tổ từ thiện, Hũ gạo tình thương, Tổ tương trợ vốn, Tổ xi măng, Ánh sáng đường quê, Nhóm phụ nữ có gian bếp sạch, Tổ không bạo lực gia đình, Tổ nhóm phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ, Tổ công nhân tự quản,… Chị Lê Kim Cương cho biết, những mô hình theo tổ nhóm như thế này được chị em phụ nữ tích cực tham gia, góp phần xây dựng các phong trào Hội vững mạnh. Nhờ đó, việc phát triển hội viên luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết