Tiếng Việt | English

09/11/2015 - 19:39

Long An

Phục tráng giống lúa Huyết Rồng

Sở Khoa học và Công nghệ Long An tổ chức hội nghị nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu phục tráng giống lúa đặc sản Huyết Rồng Vĩnh Hưng, tỉnh Long An” do tiến sĩ Huỳnh Quang Tín làm chủ nhiệm đề tài, Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long– Đại học Cần Thơ triển khai thực hiện từ năm 2012 đến 2014.


Ảnh minh họa

Huyết Rồng là giống lúa quý, sinh trưởng và phát triển tốt tại các vùng đất ngập lũ, nhiễm phèn như vùng Đồng Tháp Mười. Gạo Huyết Rồng màu đỏ nâu, bẻ đôi hạt gạo vẫn còn màu hồng bên trong, cơm ngon và có vị thơm, là loại gạo có giá trị dinh dưỡng cao, khả năng chống chịu khí hậu và kháng bệnh tốt. Hiện nay, diện tích canh tác lúa Huyết Rồng còn rất ít.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, anthocyanin được giữ lại trong lớp vỏ lụa màu đỏ nâu là một chất có tiềm năng chống lại các bệnh ung thư, tim mạch và nhiều bệnh khác. Nếu trong 1 tháng dành ra khoảng 10 ngày ăn các loại gạo màu thay gạo trắng bình thường thì có thể giúp cơ thể giải độc, hạ cholesterol, giảm đau nhức gân cốt, khớp xương ngón chân tay, thải độc tố trong gan, ngừa ung thư ngũ tạng.

Tuy nhiên, do Huyết Rồng là giống lúa mùa truyền thống, canh tác từ nhiều thập kỷ, quá trình canh tác lâu dài đã làm cho giống lúa này giảm chất lượng và mất dần thị trường. Do vậy, việc phục tráng giống lúa Huyết Rồng là rất cần thiết.

Ứng dụng kỹ thuật điện di SDS-PAGE protein và chọn lọc những hạt có hàm lượng amylose thấp dựa trên mức độ ăn màu của băng waxy và một số kỹ thuật khác nhằm rút ngắn thời gian chọn lọc giống; ứng dụng marker phân tử protein vào việc chọn dòng, phục tráng giống và sản xuất giống siêu nguyên chủng theo quy trình sản xuất lúa giống (2007) và tiêu chuẩn ngành 10TCN 395:2006; Thanh lọc bằng kỹ thuật điện di SDS-PAGE protein; Ứng dụng chỉ thị phân tử protein vào việc cải thiện tính trạng amylose;

Giống lúa mùa Huyết Rồng rất đa dạng, trong quần thể có sự khác biệt về chiều cao, thời gian trổ và chín, tính kháng sâu bệnh, chất lượng gạo và năng suất. Việc chọn giống theo cách truyền thống của nông dân thường quan tâm đến năng suất và tính kháng sâu bệnh, chưa chú ý đến chất lượng nên làm cho gạo của giống lúa này ngày càng cứng cơm là điều tất yếu.

Việc ứng dụng marker phân tử và một số kỹ thuật khác có liên quan nhằm rút ngắn đáng kể về thời gian và tăng độ chính xác của quy trình sản xuất giống siêu nguyên chủng từ ruộng lúa đã thoái hóa, đồng thời giúp cho việc duy trì được tính đa dạng của giống, loại bỏ chính xác được những dòng không đúng đặc tính gốc của giống.

Tuy nhiên, chi phí và công sức đầu tư cũng khá lớn, để có 1.557 dòng đạt yêu cầu đã phải phân tích gần 3.000 mẫu bông, khi thu hoạch chỉ còn 1.005 dòng, sau khi phân tích hoàn thành tất cả các chỉ tiêu chỉ còn 231 dòng đủ điều kiện hỗn dòng để sản xuất siêu nguyên chủng. Kết quả nghiên cứu được thực hiện liên tiếp trong 3 năm 2012-2014, từ phục tráng giống, nhân giống siêu nguyên chủng và trồng trình diễn năm 2014.

Từ kết quả chọn lọc ngoài đồng và trong phòng thí nghiệm, giống lúa Huyết Rồng đã được phục tráng thành công theo hướng quần thể thỏa mục tiêu nghiên cứu, theo quy trình sản xuất lúa giống tiêu chuẩn ngành 10TCN: 395-2006 với các đặc tính tiêu biểu như: Chiều cao cây 110-125cm; trọng lượng 1.000 hạt 24-26g; thuộc nhóm hạt dài, gạo dẻo (amylose 14-15,5%, protein 7,5-8,5%); năng suất 3,0-3,5 tấn/ha; kháng cháy lá. Cụ thể, chọn được 231 dòng đạt yêu cầu về đặc tính nông học (độ thuần cao), phẩm chất gạo rất tốt (amylose 14-15,5%; protein 7,5-8,5%), năng suất khá (3-3,5 tấn/ha), kháng đạo ôn và hơi nhiễm rầy nâu.

Sự khôi phục thành công giống lúa Huyết Rồng sẽ tạo ra sản phẩm lúa gạo đặc trưng cho tỉnh Long An. Tuy nhiên, để phát triển được kết quả nghiên cứu cần nhân và phát triển giống lúa Huyết Rồng ra diện rộng theo quy hoạch vùng lúa đặc sản, đồng thời theo dõi tính chống chịu sâu bệnh ở các mùa vụ tiếp theo./.

Thông tin KHCN

Chia sẻ bài viết