Tiếng Việt | English

11/03/2019 - 12:13

Phước Tân Hưng: Nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên

Thời gian qua, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số (DS). 4 năm liền, xã không có người sinh con thứ 3 trở lên.

Tuyên truyền bằng hình thức vãng gia theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” được xã chú trọng thực hiện

Tuyên truyền bằng hình thức vãng gia theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” được xã chú trọng thực hiện

Chuyển đổi hành vi

Hàng năm, Đảng ủy, UBND xã đều ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch hành động,... gắn với chỉ tiêu DS, đồng thời đưa chính sách DS - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) vào quy ước ấp, có chỉnh sửa, bổ sung phù hợp.

Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân Hưng - Châu Văn Bình thông tin: “Thực hiện việc chuyển trọng tâm chính sách DS từ KHHGĐ sang DS và phát triển được chúng tôi huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị bởi công tác DS là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc cho người dân; đồng thời, góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các chỉ tiêu về KT-XH”.

Nổi bật trong công tác DS tại Phước Tân Hưng là việc xây dựng các câu lạc bộ không có người sinh con thứ 3 trở lên do cộng tác viên DS - gia đình và trẻ em (CTV DS) làm chủ nhiệm. Toàn xã có 7 câu lạc bộ với hơn 130 thành viên tham gia. Lực lượng CTV DS đóng vai trò nòng cốt trong thực hiện mô hình này. Mặc dù phụ cấp kinh phí hỗ trợ ít nhưng 15 CTV phụ trách địa bàn 7/7 ấp đều rất nhiệt huyết và trách nhiệm. Họ luôn bám sát địa bàn, nắm chắc những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ để tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác DS. Nhờ đó, xã duy trì 4 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên.

Hình thức tuyên truyền không chỉ thông qua phương tiện thông tin đại chúng mà đội ngũ CTV DS, các ban, ngành, đoàn thể xã còn chú trọng vãng gia theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Chị Lê Thị Vạn - CTV DS ấp 8, cho biết: “Nội dung tuyên truyền phong phú như mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con để ổn định quy mô DS; thực hành về bình đẳng giới; hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh; hiệu quả sàng lọc trước sinh, sơ sinh; lợi ích khám sức khỏe tiền hôn nhân,...”. Từ đó, người dân từng bước chuyển đổi hành vi, thay đổi những quan niệm và nếp nghĩ cũ “trọng nam, khinh nữ”.

Dừng lại ở 2 con để nuôi dạy tốt

Từ mô hình xã không có người sinh con thứ 3 trở lên đã xuất hiện nhiều gia đình dừng lại ở 2 con một bề, trở thành gia đình tiêu biểu về phát triển kinh tế, nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Điển hình như gia đình chị Hồ Thị Hoàng Oanh, ngụ ấp 7, xem việc xây dựng quy mô gia đình nhỏ từ 1-2 con là chuẩn mực của xã hội. Vì vậy, dù sinh 2 con một bề là gái nhưng gia đình chị quyết tâm dừng lại ở 2 con để nuôi dạy tốt.

Chị Hoàng Oanh bày tỏ: “Tôi và ông xã có cùng quan niệm “dù gái hay trai chỉ hai là đủ”. Sinh 2 con gái, vợ chồng tôi rất tự hào vì cả 2 đều học giỏi, chăm ngoan và hiếu thảo. Quan trọng là tập trung phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện cho các con học tập đến nơi, đến chốn”.

Chị Hồ Thị Hoàng Oanh quan niệm “dù gái hay trai chỉ hai là đủ”

Chị Hồ Thị Hoàng Oanh quan niệm “dù gái hay trai chỉ hai là đủ”

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động cũng gặp không ít khó khăn. Chị Đặng Thị Yến Oanh - viên chức DS-KHHGĐ xã Phước Tân Hưng, chia sẻ: “Cũng có rất nhiều trường hợp không phối hợp khi CTV đến tuyên truyền nhưng với sự kiên trì vận động đã đạt những kết quả tích cực. Cụ thể như gia đình chị Nguyễn Thị Hiếu, ngụ ấp 5, có kinh tế khá giả nên dù có đủ 2 con (trai và gái) nhưng mẹ chồng và chồng chị luôn mong muốn chị sinh thêm để có đông con cho "vui cửa, vui nhà". Được ban, ngành, đoàn thể xã cùng CTV DS kiên trì đến tuyên truyền, vận động liên tục, đến nay gia đình chị đã đăng ký thôi đẻ hẳn”.

Từ nhiều cách làm hay, nhất là phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động, công tác DS tại Phước Tân Hưng thực sự chuyển mình. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng DS. Để duy trì tính bền vững của mô hình này, rất cần sự chung tay, vào cuộc của các cấp, ban, ngành, đoàn thể và người dân./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết