Tiếng Việt | English

18/08/2015 - 10:03

Phương pháp cấp cứu ban đầu khi bị tai nạn giao thông

Theo nhận định của các bác sĩ chuyên khoa tại Bệnh viện Đa khoa Long An (BVĐKLA), hiện nay, việc sơ cấp cứu (SCC) tại hiện trường khi bị tai nạn giao thông (TNGT) thường làm không tốt. Bởi, hầu như mọi người chưa hiểu, chưa biết hết lợi ích của việc SCC cũng như nguy hiểm khi bị chấn thương mà không được SCC kịp thời và đúng cách.

Cấp cứu ban đầu là để cứu sống nạn nhân (NN), hoặc làm hạn chế những biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người gặp nạn, góp phần tích cực cho việc cấp cứu, điều trị tiếp theo tại bệnh viện cũng như quá trình hồi phục.

Các tình huống nguy hiểm khi không được sơ cấp cứu

Phó Trưởng khoa Ngoại Chấn thương, BVĐKLA - bác sĩ CK II Nguyễn Quốc Doanh chia sẻ: Có một số tình huống nguy hiểm khi không được SCC tại hiện trường, đó là NN bị gãy cột sống ở cổ hoặc thắt lưng nếu chúng ta không biết sơ cứu mà ẵm NN đưa đến bệnh viện thì vô tình trong quá trình vận chuyển chúng ta sẽ làm tổn thương thêm cột sống của NN khi chưa được cố định. Từ đó, có thể gây tổn thương tủy sống (biến chứng liệt tủy, thậm chí tử vong).

Trường hợp thứ hai, NN gãy xương ở tứ chi thì đầu xương gãy sẽ đâm chọc vào những phần mềm xung quanh. Nếu chúng ta không biết giữ NN nằm yên bất động trong quá trình di chuyển thì ổ gãy sẽ di lệch, có thể làm đứt mạch máu thần kinh, ảnh hưởng chức năng tứ chi. Ngoài ra, đầu xương gãy chọc thủng da gây ra gãy hở, hoặc chi gãy cử động mạnh gây đau đớn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Trường hợp khác nữa, đó là người bị tai nạn đang say rượu, NN sau khi chấn thương, bất tỉnh. Nếu chúng ta không đặt NN ở tư thế đúng thì chất ói có thể vào đường thở gây tắc nghẽn và có thể tử vong trước khi đến bệnh viện.

5 kỹ thuật sơ cấp cứu đúng cách tại hiện trường

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Quốc Doanh, có 5 kỹ thuật sơ cứu tại hiện trường chúng ta cần biết để thực hiện đúng cách để có thể cứu sống NN, hoặc ít nhất cũng không làm tổn thương thêm.

Một là kỹ thuật hô hấp nhân tạo, áp dụng khi tim NN không đập và NN không còn thở. Trước tiên, chúng ta cần lấy hết dị vật trong đường họng (máu, chất ói, răng,...). Khi NN ngưng thở hoặc ngưng tim thì tốt nhất cần 2 người thực hiện xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Người thứ nhất thổi qua đường mũi để cung cấp oxy cho phổi. Người thứ hai ép tim vùng trước xương ức. Theo đó, cần ép tim liên tục và thổi khoảng 20 đến 30 lần/phút.

Kỹ thuật thứ 2 là kỹ thuật rất đơn giản nhưng có thể giúp người bị nạn sống còn, đó là tư thế đặt NN trong trường hợp NN hôn mê, say rượu hoặc có chấn thương đầu, mặt, chảy máu nhiều vùng mũi họng. Tư thế SCC và vận chuyển phải cho NN nằm nghiêng hẳn hoặc tư thế đầu và mặt nghiêng về một bên để khi NN có ói thì chất ói tràn ra ngoài, NN không hít vào phổi. Sau đó, chúng ta dùng khăn hoặc gạc quấn vào ngón tay móc hết dị vật ra khỏi khoang miệng NN.

Thứ ba là kỹ thuật tháo nón bảo hiểm NN tại hiện trường khi bị chấn thương. Khi NN bị chấn thương và chảy máu nhiều ở vùng đầu, mặt, chúng ta vội vàng tháo nón bảo hiểm của NN không đúng cách thì vô tình chúng ta lắc đầu NN. Khi ấy, nếu NN bị chấn thương cột sống cổ thì sẽ làm chấn thương càng nặng hơn. Từ đó, NN có thể liệt hoặc ngưng tim, ngưng thở do chấn thương cột sống cổ, mà nguyên nhân là do động tác tháo nón bảo hiểm không đúng cách. Và cách tháo nón bảo hiểm đúng là người thứ nhất đứng ở đầu NN và luôn giữ đầu, cổ NN ở tư thế cố định. Người thứ hai tháo hoặc cắt quai nón ra, đồng thời giữ nguyên tư thế đó chuyển NN đến bệnh viện.

Kỹ thuật thứ 4 là cấp cứu NN khi bị chấn thương cột sống. Vậy làm sao để chúng ta biết NN bị chấn thương cột sống cổ hay cột sống thắt lưng. Các bác sĩ chuyên khoa khuyên rằng “khi chúng ta chưa loại trừ khả năng NN không bị chấn thương cột sống thì chúng ta phải xử trí NN như bị chấn thương cột sống”. Vì vậy, nếu NN có chấn thương đầu thì xử trí sơ cứu như NN đang bị chấn thương cột sống cổ. Nếu NN còn tỉnh thì điều đầu tiên NN sẽ báo với chúng ta là đang bị đau trên vùng cột sống, vùng cổ, vùng thắt lưng hoặc lưng thì chúng ta lưu ý sơ cứu như đang chấn thương cột sống. Còn nếu NN bị hôn mê thì chúng ta phải xử trí và xem như NN này đang bị chấn thương cột sống.

Có 2 cách vận chuyển NN bị chấn thương cột sống cần lưu ý: Đối với chấn thương cột sống cổ, trong quá trình vận chuyển nên có một người luôn giữ đầu NN trong tư thế thẳng, không xoay chuyển và cổ ở tư thế hơi ưỡn. Sơ cứu đối với NN bị chấn thương cột sống thắt lưng cần ít nhất 4 người trợ giúp (người ở đầu cần giữ đầu NN trong tư thế không xoay trở, cổ ở tư thế hơi ưỡn; một người giữ ở vai; một người giữ ở vùng bụng chậu và một người giữ ở chân). Người bị nạn phải được di chuyển như một khúc gỗ từ hiện trường qua một vật cứng, phẳng (tấm ván, tấm phảng cứng...), sau đó vận chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Vận chuyển hiệu quả khi người trợ giúp dùng lực của 2 cánh tay ôm sát NN và hai bàn tay đưa qua ôm đến bên kia của thân người NN.

Kỹ thuật cuối cùng là sơ cứu NN bị gãy xương tại hiện trường. Nếu NN bị gãy xương thì chúng ta cần bất động xương bị gãy trong quá trình vận chuyển, tránh gây thêm biến chứng. Tại hiện trường nếu không có nẹp, không có dây thì chúng ta có thể dùng lai áo, lai quần và bằng cuốn tạp chí hoặc những tờ báo để bất động xương gãy. Có thể cố định chân bị gãy xương vào chân lành bằng cách cột hai chân lại với ít nhất 2 chỗ buộc dây: Phía dưới và phía trên ổ gãy. Ngoài ra, khi NN bị chảy nhiều máu ở chi hoặc thân mình thì phải tìm cách băng bó để cầm máu trước hoặc trong quá trình vận chuyển đến bệnh viện./.

Ngọc Mận (thực hiện)
 

Chia sẻ bài viết