Tiếng Việt | English

14/09/2016 - 10:15

Quân dân miền “phên giậu”

Trên mọi nẻo đường biên, từng góc xóm, những bước chân thầm lặng các chiến sĩ công an, biên phòng, dân quân vẫn ngày đêm tuần tra, canh gác bảo vệ đường biên, cột mốc. Và nơi đây, mỗi người dân còn là “phên giậu” của quê hương.

1.Tháng 9, về ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, đứng trên đường tuần tra, không xa là cột mốc 202 và 203 vững chãi nơi biên giới. Phía bên kia là xã Tà Nốt, huyện Cam Pông Rồ, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia. Mảnh ruộng của ông Huỳnh Văn Tươi chỉ cách một bờ nhỏ là ruộng lúa của người dân nước bạn Campuchia. Hình ảnh nông dân 2 đất nước láng giềng cần mẫn lao động trên ruộng lúa thật thanh bình và hữu nghị.


Mô hình Tiếng kẻng vùng biên góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn

Hôm nay, vợ chồng ông Nhay-Chanh-Tha sang vần công nhổ cỏ lúa giúp ông Tươi. Gia đình ông Tươi có 4 thế hệ gắn bó với vùng biên này hơn 40 năm nay và vợ ông là con gái nuôi của người mẹ Campuchia. Những năm đói khổ, mất mùa, ngập lụt, bà mẹ nuôi này đã cưu mang gia đình ông như chính con ruột của mình. Dù mẹ nuôi qua đời đã lâu nhưng đến ngày giỗ là vợ chồng, con cháu ông về thắp nhang tưởng nhớ.

Ông Tươi chia sẻ: Không chỉ gia đình tôi mà người dân ở đây vừa làm ruộng, sản xuất, chăn nuôi, vừa góp phần bảo vệ đường biên, cột mốc. Khi thấy tình hình khả nghi là chúng tôi báo ngay cho chốt dân quân, đồn biên phòng. Ngày nào ra đồng, tôi cũng tạt qua thăm cột mốc.

Chuyến tuần tra dài 4,5km đường biên và bảo vệ 2 cột mốc biên giới 202, 203 của các lực lượng dân quân, công an, biên phòng kéo dài hơn 2 giờ. Anh em lội qua những bưng đầy dứa dại, dây mắc cỡ đến cột mốc kiểm tra từng chi tiết nhỏ. Niềm tự hào và trách nhiệm thể hiện trên từng gương mặt chiến sĩ trong nghi thức chào cộc mốc của chuyến phối hợp tuần tra.

Chốt trưởng Chốt dân quân Bình Bắc - Nguyễn Văn Hiếu có mặt trong chuyến tuần tra cho biết: Dù nhiệm vụ vất vả nhưng chúng tôi luôn thực hiện đúng tinh thần, trách nhiệm với quê hương. Bên cạnh phối hợp tuần tra, chúng tôi còn tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm pháp luật, thắt chặt tình đoàn kết với chính quyền và nhân dân nước bạn.

Bí thư Đảng ủy xã Bình Hòa Tây - Lê Nhựt Trường cho biết: Ấp Bình Bắc có 318 hộ dân cuộc sống ổn định, luôn nâng cao ý thức giữ gìn biên giới. Địa phương chú trọng xây dựng các lực lượng dân quân, biên phòng, công an đạt số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.


Các lực lượng phối hợp tuần tra biên giới

2.Xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng có 2 cột mốc 228, 229. Xã có 6 ấp, trên 1.000 dân, kinh tế phát triển ổn định. Địa phương xây dựng lực lượng dân quân đạt 2,19% so với dân số. Cụm dân cư ấp Bình Tứ, xã Hưng Điền A nằm sát biên giới, chỉ cách nước bạn con đê. Người dân 2 bên ấp Bình Tứ, xã Hưng Điền A và xã Ba-Sac, huyện Svay Chum qua lại, kết nghĩa anh em với nhau từ bao đời. Và bao cô gái Campuchia về làm dâu, xem ấp Bình Tứ là quê hương thứ hai.

Bà Châu Kim Liên (tên quốc tịch Việt Nam), huyện Chanh Tria, tỉnh Svay Rieng theo chồng về sinh sống ở Bình Tứ gần 40 năm, bà nói tiếng Việt lưu loát: "5 người con đều mang quốc tịch Việt Nam và đã trưởng thành. Gia đình tôi được Nhà nước Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện làm ăn, sinh sống, được vay vốn mua bò".

Trưởng ấp Bình Tứ - Võ Tồn phấn khởi cho biết: 100% người dân trong ấp được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh và họ ý thức rất cao trong việc giữ gìn an ninh biên giới cũng như trực tiếp xây dựng mối quan hệ đoàn kết với người dân nước bạn. Mỗi khi có vụ việc xảy ra, một nhà dân đánh kẻng báo hiệu là cả xóm đều rền vang tiếng kẻng.

Chia tay vùng biên giới, chúng tôi mang về hình ảnh những người dân chân chất, mộc mạc nhưng rất đỗi kiên định. Và nơi ấy, quân-dân chung sức đồng lòng giữ gìn từng tấc đất biên cương, đưa vùng biên phát triển bền vững./.

Thùy Trang

Chia sẻ bài viết