Tiếng Việt | English

09/07/2018 - 17:40

Quản lý di tích lịch sử - văn hóa còn nhiều khó khăn

Các di tích lịch sử - văn hóa (DTLS -VH) trên địa bàn tỉnh Long An không chỉ là nguồn sử liệu quý báu mà còn góp phần không nhỏ trong việc giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương. Tuy nhiên, công tác quản lý các DTLS-VH còn nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, nhân sự.

Ảnh tư liệu về Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được trưng bày theo từng chủ đề

Ảnh tư liệu về Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được trưng bày theo từng chủ đề

Phát huy giá trị di tích

Nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác quản lý DTLS-VH, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 90/QĐ-UBND, ngày 11/01/2017 về việc phân cấp quản lý DTLS-VH trên địa bàn tỉnh và Quy chế quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị DTLS-VH. Theo đó, tỉnh quản lý 5 di tích và 1 công trình VH có tính lịch sử: Khu di tích Vàm Nhựt Tảo; Khu lưu niệm (KLN) Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; Khu DTLS Cách mạng tỉnh; Khu di tích Ngã tư Đức Hòa; Khu căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ; Khu tượng đài Long An Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc. Còn lại 105 di tích và 2 công trình VH có tính lịch sử do huyện, thị xã, thành phố quản lý. Thời gian qua, nhiều DTLS-VH được bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị, góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu hình ảnh quê hương Long An và giáo dục truyền thống, lịch sử cho thế hệ trẻ.

KLN Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức) - địa chỉ quen thuộc của tỉnh trong các hoạt động tham quan, về nguồn. Đây là công trình tôn tạo có diện tích 10.000m2, gồm các hạng mục: Nhà tưởng niệm, khối phòng họp - khu trưng bày - thư viện, khu công viên cây xanh,... Nhờ sự quan tâm, chú trọng công tác quản lý, KLN phát huy hiệu quả trong việc giới thiệu về quê hương Long An, truyền thống yêu nước, lịch sử đấu tranh cách mạng, đặc biệt là cuộc đời và sự nghiệp của cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đến nhiều người.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Siêu (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) - Võ Thị Ngon cho biết: “Hàng năm, trường tổ chức nhiều đợt cho học sinh tham quan KLN Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Qua đó, các em được tìm hiểu về truyền thống, lịch sử địa phương; đồng thời, góp phần giáo dục đạo đức và niềm tự hào dân tộc”. Bên cạnh tham quan, nghe thuyết minh, du khách có thể đọc sách, tài liệu tại thư viện, xem ảnh tư liệu tại phòng trưng bày và xem phim tư liệu để hiểu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

Những phần bị xuống cấp tại các di tích luôn được huyện Cần Giuộc quan tâm và có kế hoạch sửa chữa kịp thời

Những phần bị xuống cấp tại các di tích luôn được huyện Cần Giuộc quan tâm và có kế hoạch sửa chữa kịp thời

Huyện Cần Giuộc hiện quản lý 18 di tích. Công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát huy giá trị của di tích được huyện chú trọng thực hiện. Những di tích bị xuống cấp được huyện trùng tu, sửa chữa kịp thời. Các di tích góp phần không nhỏ trong việc giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương cho thế hệ trẻ. Trong đó, Khu tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc - biểu tượng của lòng yêu nước, sự hy sinh và khí phách anh hùng của nông dân được du khách, nhất là học sinh, sinh viên rất quan tâm. Ngoài ra, một số di tích được huyện đầu tư lắp đặt dụng cụ tập thể dục. Đặc biệt, Khu tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc được lắp đặt màn hình Led ngoài trời. Màn hình mở vào buổi sáng và tối hàng ngày với các nội dung về thời sự - chính trị, nông nghiệp, kỹ năng sống cho trẻ em, văn hóa - thể thao,... Qua đó, người dân có thêm địa điểm vui chơi, sinh hoạt cộng đồng, góp phần nâng cao sức khỏe, kiến thức và đời sống tinh thần. “Từ khi có màn hình trước khu tượng đài, tôi theo dõi nhiều hơn những vấn đề thời sự và các sự kiện đang diễn ra trong và ngoài nước. Nơi đây trở thành địa điểm sinh hoạt của người dân” - bà Huỳnh Ngọc Phượng, ngụ khu phố 1, thị trấn Cần Giuộc, chia sẻ.

Cần sớm tháo gỡ khó khăn

Tuy nhiên, nhiều DTLS-VH còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các DTLS-VH thuộc địa phương quản lý. Nhân lực làm công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Nhiều di tích thiếu hoặc chưa có quản lý, thuyết minh viên, bảo vệ trực 24/24. Trong khi đó, công tác tuyển dụng, nhất là ở những địa phương có kinh tế phát triển gặp nhiều khó khăn, do lương thấp. Phó Trưởng ban Quản lý KLN Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Duy Nhất cho biết: “Hiện KLN có tôi kiêm nhiệm quản lý, 1 thuyết minh viên, 1 bảo vệ và 1 tạp vụ. Nhân lực đang thiếu nên mọi người phải choàng gánh công việc cho nhau, do đó phần nào ảnh hưởng đến công việc chuyên môn của mỗi người”. Ngoài ra, nhiều di tích chưa được hoàn thiện, trùng tu, sửa chữa do thiếu kinh phí. Cụ thể như KLN Nguyễn Thông (ấp Bình Trị 2, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh. KLN có xây dựng hàng rào nhưng còn dang dở. Bia tưởng niệm bị cỏ dại bao quanh.

Khu lưu niệm Nguyễn Thông - di tích quốc gia ngày càng trở nên hoang sơ do chưa được đầu tư hoàn chỉnh

Khu lưu niệm Nguyễn Thông - di tích quốc gia ngày càng trở nên hoang sơ do chưa được đầu tư hoàn chỉnh

Mùa mưa, đường vào KLN lầy lội và khó đi. Bà Cao Thị Tiểu, ngụ ấp Bình Trị 2, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, bày tỏ: “KLN Nguyễn Thông được công nhận di tích cấp quốc gia là niềm tự hào của người dân nơi đây. Tuy nhiên, KLN còn rất hoang sơ, hy vọng KLN sớm được đầu tư, phát huy hiệu quả di tích để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”.

Cùng khó khăn trên, Khu DTLS Gò Gòn thuộc xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng cũng chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Khu DTLS Gò Gòn là nơi ghi dấu sự chiến đấu quật cường của các chiến sĩ thuộc đơn vị 402, 408 và du kích địa phương trong trận đánh tại ấp Gò Gòn. Chiến thắng Gò Gòn năm 1960 còn là chiến công vẻ vang của quân, dân, Đảng bộ Kiến Tường trong lịch sử đấu tranh chống đế quốc Mỹ.

Khu DTLS Gò Gòn được phê duyệt đầu tư từ nguồn vốn tỉnh hỗ trợ, gồm các hạng mục: Nhà truyền thống, điện chiếu sáng, hệ thống chống sét, thiết bị, cổng, hàng rào, sân, nhà vệ sinh. Tuy nhiên, hiện nay, khu di tích còn thiếu nhiều hạng mục do nguồn vốn phân bổ chưa bảo đảm so với nhu cầu thực hiện dự án. Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh - Mai Văn Cảm kiến nghị: “Tôi mong tỉnh, huyện xem xét sớm có chủ trương phân bổ vốn đầu tư để xây dựng các hạng mục còn thiếu. Qua đó, phát huy hiệu quả khu di tích, góp phần giáo dục thế hệ trẻ truyền thống, lịch sử của địa phương”.

Khu di tích Gò Gòn hiện còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành và chưa có nhân lực làm công tác quản lý, thuyết minh, bảo vệ

Khu di tích Gò Gòn hiện còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành và chưa có nhân lực làm công tác quản lý, thuyết minh, bảo vệ

Bài toán về nhân lực và kinh phí trong công tác quản lý di tích gần như chưa có lời giải đối với các địa phương. Vì vậy, các cấp, ngành chức năng cần quan tâm, có chính sách hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện cho các địa phương trùng tu, tôn tạo DTLS, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử, VH truyền thống của dân tộc./.

Thời gian qua, các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử. Hàng năm, tỉnh đón khoảng 120.000 lượt du khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên, công tác quản lý di tích đang gặp khó khăn vì thiếu nhân lực; một số di tích cần được trùng tru, xây dựng nhưng thiếu kinh phí. Trước những khó khăn đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa ra giải pháp kêu gọi xã hội hóa. Ngoài ra, đối với các di tích có thể khai thác, phục vụ du lịch thì tiếp tục đẩy mạnh đầu tư đồng bộ về hạ tầng, kết nối các tuyến du lịch nhằm thu hút du khách”.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thành Thanh

Ngọc Thạch-Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết