Tiếng Việt | English

24/04/2017 - 09:58

Quản lý môi trường đối với doanh nghiệp: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm

Các cấp, các ngành thực thi tốt quản lý nhà nước về môi trường trong doanh nghiệp không chỉ tạo điều kiện thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn góp phần thúc đẩy KT-XH của địa phương phát triển.


Hệ thống xử lý nước thải được đầu tư xây dựng đúng chuẩn để xử lý nước thải tập trung cho toàn khu công nghiệp (Trong ảnh: Hệ thống xử lý nước thải của Khu công nghiệp Hải Sơn)

Buông lỏng quản lý

Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra trên địa bàn, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của địa phương mà còn tác động xấu đến sự phát triển KT-XH của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về môi trường tại một số nơi chưa nghiêm túc, thậm chí buông lỏng. Nhiều hộ dân “gõ cửa” cơ quan chức năng để phản ánh tình trạng trên nhưng việc ghi nhận, kiểm tra, xử lý còn chậm, công tác khắc phục sau ô nhiễm của các đơn vị còn “ì ạch”, dẫn đến tình trạng ô nhiễm kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An tình trạng ô nhiễm môi trường trở thành vấn đề “nóng” và đặt ra thách thức lớn đối với các cấp lãnh đạo. Bên cạnh đó, nạn “rác tặc”, đặc biệt rác thải công nghiệp nguy hại mà các đối tượng thiếu ý thức lén lút đổ bỏ tại các tuyến đường, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn mất vẻ mỹ quan. Tình trạng trên diễn ra từ lâu, dù người dân phản ánh rất nhiều nhưng ngành chức năng còn chậm trong việc xử lý và đưa ra các biện pháp khắc phục triệt để.

Ông Nguyễn Văn H., ngụ xã Đức Hòa Đông bức xúc: “Tại địa phương hiện có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động, gây ô nhiễm môi trường. Tình trạng này được chúng tôi phản ánh nhiều lần nhưng đến nay vẫn diễn ra, thậm chí còn nhiều hơn trước. Điều đó ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sức khỏe của người dân tại đây vì hàng ngày phải sống chung với ô nhiễm”.

“Tôi không biết vì sao mà việc chấn chỉnh, khắc phục quá chậm hay có sự tiếp tay, “nhắm mắt làm ngơ” của các ngành chức năng để doanh nghiệp làm bậy?” - ông H. đặt vấn đề.

Lãnh đạo xã Đức Hòa Đông xác nhận tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra tại địa bàn và cho biết, chính quyền địa phương nắm bắt thông tin, phản ánh của người dân và kiến nghị cấp trên. Hiện các cấp, các ngành cùng phối hợp kiểm tra, xử lý và yêu cầu các đơn vị gây ô nhiễm phải khắc phục hậu quả trong thời gian sớm nhất.


Lắp đặt trạm quan trắc truyền tải dữ liệu 24/24 về Sở Tài nguyên và Môi trườngđể quản lý (Trong ảnh: Trạm quan trắc Khu công nghiệp Hải Sơn)

Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Đức Hòa - Lê Thanh Tuấn cho biết: “Huyện tổ chức đoàn kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm định kỳ đối với các doanh nghiệp đang hoạt động. Hàng năm, phòng luôn có kế hoạch, tham mưu các giải pháp để huyện kiểm tra, xử lý và chấn chỉnh kịp thời; phối hợp các xã giải quyết các phản ánh của người dân theo thẩm quyền. Năm 2016, phòng tham mưu UBND huyện cấp hơn 100 giấp phép về đề án bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền. Quí I-2017, các cấp, các ngành trong huyện phối hợp kiểm tra, xử lý 3 đơn vị không có hồ sơ môi trường và phạt với số tiền 72,5 triệu đồng; phát hiện và bắt được 4 trường hợp đổ bỏ rác thải nguy hại, rác công nghiệp tại các tuyến đường trên địa bàn (đang tham mưu hướng xử lý các đơn vị này)”.

Tuy nhiên, địa bàn huyện khá rộng, đội ngũ cán bộ chuyên môn ít nên việc quản lý nhà nước về môi trường còn hạn chế, tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra tại một số nơi. Thời gian tới, phòng tăng cường kiểm tra các điểm gây ô nhiễm, tham mưu UBND huyện các biện pháp chấn chỉnh kịp thời nhằm khắc phục triệt để tình trạng trên - ông Tuấn cho biết thêm.

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm, UBND huyện Bến Lức phối hợp Thanh tra của Sở TN&MT xác minh thông tin và đề ra các biện pháp xử lý đối với đơn vị vi phạm. Một số doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường bị kiểm tra, xử lý và yêu cầu khắc phục nhanh chóng. Ghi nhận doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn xã Lương Hòa gây ra ô nhiễm từ người dân, các ngành chức năng kiểm tra, xử lý và chấn chỉnh kịp thời tình trạng trên.

Bà Nguyễn Thị Bảy, ngụ xã Lương Hòa chia sẻ: “Chúng tôi phản ánh tình trạng ô nhiễm và ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc để xử lý. Qua đó, giúp người dân sống gần khu vực bị ô nhiễm yên tâm, không lo ngại ảnh hưởng sức khỏe như trước. Đơn vị gây ô nhiễm có cử đại diện đến xin lỗi người dân nơi đây và hứa khắc phục nhanh chóng. Đến nay, theo quan sát của chúng tôi, đơn vị này dừng hoạt động, tập trung khắc phục sự cố”.

Theo Trưởng phòng TN&MT huyện Bến Lức - Nguyễn Quốc Hùng, sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, phòng phối hợp các ngành liên quan kiểm tra, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm. Phòng luôn có kế hoạch phối hợp các cấp, các ngành trong huyện, tăng cường kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm theo định kỳ hàng năm (2 đợt, mỗi đợt từ 30-40 đơn vị). Bên cạnh đó, phòng tổ chức tập huấn truyền thông về các chính sách, pháp luật môi trường cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nắm bắt và thực hiện.


Công tác quản lý bị buông lỏng nên tình trạng ô nhiễm vẫn xảy ra tại một số địa phương

Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn thông tin: Công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh luôn được lãnh đạo quan tâm, chú trọng. Ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp có bước cải thiện và nâng lên. Khi tiếp nhận đầu tư vào tỉnh, đánh giá tác động môi trường, sở tham mưu UBND tỉnh tiếp nhận những ngành nghề phù hợp để bảo vệ môi trường. Hàng quí, các doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo định kỳ môi trường gửi về sở để kiểm tra, theo dõi. Các khu, cụm công nghiệp khi đi vào hoạt động phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải đúng tiêu chuẩn.

Sở có văn bản yêu cầu các khu, cụm công nghiệp hoạt động và các doanh nghiệp hoạt động bên ngoài có nhà máy lưu lượng nước thải 1.000m3/ngày đêm tiến hành lắp đặt trạm quan trắc tự động để truyền tải dữ liệu về sở; từ đó, tăng cường công tác quản lý, điều chỉnh, phát hiện các đơn vị vi phạm xả thải để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, sở tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát môi trường đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Đối với các đơn vị vi phạm về môi trường thì tiến hành xử lý, yêu cầu khắc phục, theo dõi việc thực hiện. Sở tập trung xử lý triệt để các điểm ô nhiễm kéo dài; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương có biện pháp thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, sở tăng cường thông tin, tuyên truyền các chính sách, pháp luật liên quan về môi trường cho các doanh nghiệp nắm bắt và thực hiện.

Quí I-2017, Sở TN&MT xử phạt vi phạm hành chính 20 đơn vị về công tác bảo vệ môi trường với tổng số tiền 1.060.070.000 đồng. Công bố kết luận kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường sau đợt kiểm tra khắc phục đối với 28 đơn vị tồn năm 2015; 36 đơn vị trong Cụm công nghiệp Hoàng Gia; 3 đơn vị thuộc ấp 1, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức.

Công bố các kết luận kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 10 đơn vị: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Đoàn Kết; Công ty TNHH Green Shoes (Việt Nam); Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hiệp Á; Công ty TNHH Kim Nguyên Phát; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cơ khí Kinh Luân; Công ty Cổ phần Nhựa cơ khí khuôn mẫu Liên Anh; Công ty TNHH Mỹ Bảo; Công ty TNHH PNP Chemitech; Công ty TNHH Tầm Nhìn; Công ty TNHH TM&SX Thiêm Hồng Phát. Kiểm tra khắc phục công tác bảo vệ môi trường đối với 5 đơn vị, gồm 4 đơn vị trong Cụm công nghiệp Hoàng Gia (Cơ sở Liên Thành, Công ty TNHH Môi trường Chân Lý, Công ty TNHH May Chí Đạt, Công ty TNHH Đạt Vĩnh Tiến) và 1 đơn vị trong Khu công nghiệp Xuyên Á là Công ty TNHH Quang Minh Thành./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết