Tiếng Việt | English

24/08/2019 - 09:00

Quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện: Cần sự chia sẻ vì cộng đồng của doanh nghiệp

Ngày 16/11/2017, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 23/2017/TT-BCT về Quy định nội dung, trình tự thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 279/2018/QĐ-TTg, ngày 08/3/2018 về phê duyệt Chương trình Quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Đến ngày 15/10/2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã triển khai Chương trình điều chỉnh điện phi thương mại tại Công văn số 5233/EVN-KD.

Hội thảo khách hàng về Chương trình DR tại Điện lực Bến Lức - Công ty Điện lực Long An

Hội thảo khách hàng về Chương trình DR tại Điện lực Bến Lức - Công ty Điện lực Long An

Quản lý nhu cầu điện (DSM - Demand Side Management) là tập hợp các giải pháp kỹ thuật - công nghệ - kinh tế - xã hội nhằm quản lý thời điểm, thời gian sử dụng, hoặc sản lượng tiêu thụ điện từ phía khách hàng với ba cách tiếp cận dưới đây:

Thứ nhất, cải tiến hiệu suất năng lượng của các doanh nghiệp sản xuất, các tòa nhà, các thiết bị điện và quá trình sử dụng.

Thứ hai, phát triển phụ tải theo chiến lược nhằm cải thiện hệ số phụ tải của hệ thống điện.

Thứ ba, quản lý nhu cầu nhằm phân phối lại quá trình tiêu thụ điện năng trong một ngày đêm.

Trong ba giải pháp này thì giải pháp thứ ba được coi là giải pháp mang lại hiệu quả cao trong việc đầu tư phát triển nguồn, lưới điện.

Thông thường thì mục tiêu của DSM là khuyến khích các khách hàng giảm sử dụng điện vào các giờ cao điểm (peak hours), hoặc dịch chuyển việc sử dụng điện từ các giờ cao điểm sang các giờ thấp điểm (off-peak times) như vào ban đêm, hoặc những ngày nghỉ cuối tuần.

Nói một cách đơn giản, DSM theo giải pháp này là thực hiện việc "cắt" một phần công suất vào các giờ cao điểm (công suất đỉnh) để "lấp" vào các giờ thấp điểm, làm cho biểu đồ phụ tải ngày đêm của hệ thống điện được "san bằng" hơn (tăng hệ số phụ tải và tỷ lệ Pmin/Pmax). Giải pháp này không đòi hỏi phải giảm tổng điện năng tiêu thụ trong một ngày đêm nhưng có tác dụng to lớn là tiết giảm được vốn đầu tư vào nguồn và lưới điện cần thiết để bảo đảm đáp ứng nhu cầu phụ tải vào các giờ cao điểm.

Trong Quyết định số 279/2018/QĐ-TTg, ngày 08-3-2018 về phê duyệt Chương trình Quốc gia về quản lý nhu cầu điện (DSM) giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 thì Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện (DR - Demand Response) là một giải pháp quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện, tập trung vào việc thỏa thuận các giải pháp kỹ thuật để tiết giảm ngay nhu cầu dùng điện khi có yêu cầu khẩn cấp (trước 2 giờ) hoặc giải pháp quản lý để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp khi có yêu cầu không khẩn cấp (tối thiểu trước 24 giờ). Ngày 28/01/2019, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Quyết định số 175/QĐ-BCT về việc xây dựng và thực hiện Chương trình DR nhằm tối ưu hóa hoạt động SXKD của các Tổng Công ty điện lực, công ty điện lực; góp phần bảo đảm cung ứng điện, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển KT-XH, nâng cao hiệu quả kinh tế chung của hệ thống điện gắn với phát triển bền vững được triển khai nhằm xây dựng kế hoạch tiết giảm công suất đỉnh trong một số thời điểm hệ thống điện không thể đáp ứng đủ công suất.

Đối tượng tham gia chương trình DR gồm các khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm (trên 3 triệu kWh/năm) và các khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ từ 1-3 triệu kWh/năm, loại trừ các khách hàng là đơn vị thông tin liên lạc và cơ quan bệnh viện. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh Long An có 247 khách hàng trọng điểm và 500 khách hàng có sản lượng từ 1-3 triệu kWh/năm thuộc đối tượng tham gia Chương trình DR. Đến tháng 7/2019, có 208/247 khách hàng trọng điểm và 95/500 khách hàng từ 1-3 triệu kWh/năm đã ký Thỏa thuận tham gia Chương trình DR, một con số vẫn còn khiêm tốn.

Trong quá trình thỏa thuận, một số doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn về việc tham gia Chương trình DR có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc khách hàng vẫn chưa nhận thấy được lợi ích khi tham gia chương trình,… Vì vậy, ngành điện đã có các hình thức tuyên truyền phù hợp đến khách hàng về nội dung Chương trình DR, các quyền và lợi ích của khách hàng khi tham gia chương trình.

Lợi ích của khách hàng khi tham gia Chương trình DR: Giảm chi phí sử dụng điện do giảm nhu cầu sử dụng điện vào giờ cao điểm và do giảm áp lực tăng giá điện; giảm thiệt hại hoạt động sản xuất, kinh doanh do ngăn ngừa được tình trạng quá tải cục bộ khu vực phải sa thải phụ tải, tránh lây lan mất cân đối cung cầu hệ thống điện miền trong ngắn hạn; nhận được các ưu đãi, khuyến khích nhất định từ Chính phủ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện; thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, nâng cao nhận thức đối với việc sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường.

Lợi ích của ngành điện: Giảm quá tải, nghẽn mạch trên hệ thống điện trong ngắn hạn; tránh hoặc giảm được áp lực đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống điện trong dài hạn, qua đó có nguồn lực nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, chất lượng điện năng, chất lượng dịch vụ; tối ưu hóa cân bằng cung - cầu với chi phí tối thiểu, giúp giảm giá thành sản xuất điện năng; hạn chế biến động giá điện, tác động giảm giá điện trên thị trường điện vào giờ cao điểm, giảm chi phí truyền tải và phân phối điện, góp phần giảm áp lực tăng giá điện bán lẻ.

Lợi ích của xã hội và quốc gia: Là công cụ hỗ trợ phát triển bền vững, gắn kết phối hợp giữa bên cung cấp và sử dụng điện năng; góp phần giảm áp lực đầu tư nguồn - lưới điện và trong việc tăng giá điện; giảm ô nhiễm môi trường; Nâng cao nhận thức xã hội về tài nguyên thiên nhiên, sử dụng điện hiệu quả.

Với việc tham gia Chương trình DR, các doanh nghiệp thể hiện sự chủ động, trách nhiệm vì cộng đồng và xã hội, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ ngành điện tiết giảm nhu cầu công suất đỉnh của hệ thống, làm giảm nguy cơ sự cố nguồn điện phải sa thải (mất điện) hàng loạt do lưới điện vận hành quá tải, cho phép cung cấp điện liên tục, ổn định cho tất cả khách hàng. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân, mỗi cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và doanh nghiệp cần tuyên truyền khuyến khích nghiên cứu tìm nguồn năng lượng tái tạo khác để thay thế như năng lượng mặt trời, năng lượng gió,… nhằm giảm áp lực sử dụng tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt và đó là hành động góp phần bảo vệ môi trường sống của chúng ta./.

Nguyễn Văn Khiêm

Chia sẻ bài viết