Tiếng Việt | English

30/09/2015 - 09:20

Quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón vẫn còn khó khăn

Phần lớn diện tích của tỉnh Long An là đất sản xuất nông nghiệp, nhu cầu sử dụng phân bón rất cao, đặc biệt là các huyện khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh. Do vậy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh các đơn vị hoạt động đúng quy định pháp luật vẫn còn không ít đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng và gây khó cho các đơn vị quản lý.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 950 cơ sở kinh doanh, đại lý phân phối phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; 31 cơ sở sản xuất phân bón, trong đó có 2 doanh nghiệp sản xuất phân bón có quy mô lớn là Công ty Phân bón Quốc tế Năm Sao và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền.


Hiện nay, rất ít cơ sở sản xuất phân bón đáp ứng yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) - Võ Thiện Ngộ, thời gian qua, các tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn công bố áp dụng, kinh doanh phân bón giả, không đảm bảo các điều kiện kinh doanh được các Đội QLTT phụ trách địa bàn kiểm tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Năm 2014, lực lượng QLTT đã kiểm tra 149 vụ, lấy thử nghiệm chất lượng 117 mẫu phân bón. Kết quả, 17 vụ bị xử lý, trong đó có 16 vụ vi phạm về chất lượng và 1 vụ vi phạm về điều kiện kinh doanh, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 692 triệu đồng.

Từ đầu năm 2015 đến nay đã kiểm tra 115 vụ, lấy 96 mẫu thử nghiệm chất lượng. Kết quả, 39 mẫu vi phạm lần 1, xử lý vi phạm lần 1 đối với 13 mẫu; số mẫu thử nghiệm lần 2 là 26 mẫu, có 12 mẫu phân bón có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng. Tổng số vụ vi phạm đã xử lý 25 vụ, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 390 triệu đồng.

Bên cạnh đó, lực lượng QLTT tỉnh kết hợp tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ,...và đã có 333 cơ sở kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm chất lượng.

Khó khăn lớn nhất của lực lượng thanh tra, kiểm tra là không thể niêm phong lô hàng khi lấy mẫu phân bón thử nghiệm kiểm tra chất lượng. Vì nếu như mẫu phân bón đó đạt chất lượng qua kết quả thử nghiệm thì cơ sở sẽ yêu cầu bồi thường, còn nếu mẫu kiểm tra không đạt chất lượng thì cơ sở cũng đã tiêu thụ hết lô hàng vi phạm. Mặt khác, theo quy định, cơ sở sản xuất, kinh doanh có quyền đề nghị phúc kiểm lần 2, và kết quả phúc kiểm lần 2 luôn đạt tỷ lệ cao hơn nhiều so với kiểm nghiệm lần đầu. Điều này đang gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm hành chính.

Qua thực tế, Chi cục QLTT tỉnh kiến nghị một số giải pháp cụ thể như: Tăng cường biện pháp quản lý đối với các cơ sở, nhà máy sản xuất phân bón; có phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh phân bón vô cơ và hữu cơ cho một bộ quản lý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương cần có quy chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra phân bón nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp kiểm tra, tránh gây phiền hà cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, Bộ Công Thương cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung của các văn bản quy định pháp luật có liên quan như: Thông tư số 48/2011/TT-BCT, ngày 30-12-2011 của Bộ Công Thương; trình Chính phủ xem xét, bổ sung Nghị định số 163/2013/NĐ-CP, ngày 12-11-2013 của Chính phủ./.

Mai Hương-Thái Chuyên

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích