Tiếng Việt | English

16/08/2016 - 08:50

Quản lý vật tư nông nghiệp còn nhiều bất cập

Tình trạng kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng gây bức xúc trong dư luận, nhất là tình trạng sử dụng hóa chất độc hại trong tẩm ướp, chế biến hàng hóa nông-lâm-thủy sản đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.


Lực lượng chức năng kiểm tra sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật tại một địa điểm kinh doanh

Loạn các mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật

Trong vụ 3 năm nay, gia đình anh Lê Hữu Phước, ở xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng xuống giống hơn 9ha lúa, đến nay, lúa đang làm đòng, trổ bông. Anh cho biết, hầu hết người trồng lúa đều phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng và điều trị các sâu, bệnh trên lúa như: Sâu cuốn lá, đạo ôn, lem lép hạt,... Chỉ riêng đối với bệnh lem lép hạt hay đạo ôn, các đại lý giới thiệu hàng chục loại thuốc khác nhau có nhãn mác gần giống nhau, nông dân rất khó phân biệt.

Còn bà Trần Thị Phượng, ở ấp Rạch Mây, xã Tuyên Bình, sau khi thăm đồng và thấy hơn 7ha lúa có dấu hiệu của bệnh đạo ôn cổ bông nên mua thuốc về xịt. Tuy nhiên, khi tiến hành phun xịt trong 6ha, bà phát hiện bệnh trên lúa không hết mà còn xảy ra tình trạng lúa bị lem lép hạt. Khiếu nại đến chủ đại lý bán thuốc thì đại lý không chịu trách nhiệm mà đổ cho phía công ty sản xuất và do thời tiết.

Theo Phó Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Toàn, hiện nay, tình hình kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật khá phức tạp, cùng một công dụng, chức năng nhưng có tới hàng chục mặt hàng khiến nông dân rất khó phân biệt. Trước thực trạng này, Thanh tra sở phối hợp các cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra chuyên ngành cũng như thanh tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Từ đầu năm đến nay, lực lượng thanh tra và các cơ quan chuyên môn kiểm tra 1.109 cơ sở, xử phạt 108 trường hợp vi phạm với số tiền gần 700 triệu đồng.


Nông dân cần lựa chọn các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật uy tín trong việc phun xịt phòng, chống các bệnh trên cây lúa

"Trong quá trình kiểm tra, lực lượng phát hiện và tạm giữ rất nhiều sản phẩm, có tới cả trăm mẫu không có trong danh mục được phép lưu hành. Tuy nhiên, việc xử phạt rất hạn chế, có khi chỉ có một vài trường hợp vi phạm được xử lý do hầu hết các doanh nghiệp sản xuất chỉ cần có văn bản của Tổng cục về việc xác nhận sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản được phép lưu hành, trong khi lực lượng thanh tra không có các văn bản này để đối chiếu, còn danh mục sản phẩm thì Bộ chưa ban hành."

Theo Phó Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Toàn

Hàng loạt các vụ vi phạm được phát hiện

Từ công tác thanh, kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều vụ vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp cũng như lĩnh vực quản lý chất lượng sản phẩm nông-lâm-thủy sản.

Điển hình như ngày 5/8/2016, Đoàn kiểm tra liên ngành do Thanh tra Chi cục Thú y tỉnh bất ngờ kiểm tra xe tải mang biển số 85C-01765 do Nguyễn Phúc Toàn, ngụ TP.Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận điều khiển đến địa bàn huyện Cần Đước, phát hiện trên xe có 1 triệu con tôm giống thẻ chân trắng của Công ty TNHH MTV Đại Dương, địa chỉ An Hải, Ninh Phước, Ninh Thuận có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển thủy sản đến nơi tiêu thụ là huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, trên giấy chứng nhận lại ghi sai phương tiện vận chuyển.

Đồng thời, đoàn phát hiện ông Toàn đang giao cho một hộ nuôi tôm ở huyện Cần Đước 250.000 con tôm giống không có giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản. Trên xe có 44 bao hóa chất xử lý cải tạo môi trường không nhãn mác, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, với trọng lượng 440kg. Đoàn lập biên bản và tiến hành tạm giữ số lượng hóa chất, tiêu hủy 250.000 con tôm giống không rõ nguồn gốc và xử phạt ông Toàn 3,5 triệu đồng không đăng ký kiểm dịch động vật.

Hay mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát hiện, niêm phong 1 tấn da heo ngâm hóa chất, 57kg hóa chất tại cơ sở chế biến da heo tại xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, do bà Nguyễn Thị Tư, ngụ TP.HCM làm chủ. Toàn bộ số lượng da heo được ngâm trong 20 thùng nhựa và sau khi xử lý được chế biến trên nền gạch dơ bẩn. Đáng nói, cơ sở sản xuất của bà Tư hoạt động liên tục hơn nửa năm nay, hàng ngày cung cấp khoảng 100kg bì tiêu thụ tại khu vực thị trấn Bến Lức và TP.Tân An. 


Hơn 1 tấn da heo ngâm hóa chất được phát hiện tại cơ sở chế biến bì ở huyện Bến Lức

Khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra

Theo Phó Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh - Nguyễn Thanh Toàn, hiện nay, công tác kiểm tra, quản lý khoảng 40 cơ sở sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thuốc thú y, thủy sản và khoảng 200 cơ sở kinh doanh hoạt động trên toàn tỉnh rất khó khăn. Ngoài thiếu lực lượng chuyên trách, từ năm 2013, danh mục được phép lưu hành đối với các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, thủy sản không được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành cũng gây khó khăn trong công tác kiểm tra. Riêng về danh mục thuốc thú y, cơ quan chức năng chỉ mới ban hành vào tháng 7-2016. 

Bên cạnh đó, liên quan đến vụ việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để đưa 802 sản phẩm thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường vào danh mục được phép lưu hành một cách trái pháp luật xảy ra tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản bị phát hiện vào giữa tháng 7-2016, trong đó, tại Long An có 4 doanh nghiệp có sản phẩm lưu hành trái phép. Theo ông Toàn, sau khi vụ việc được phanh phui, lực lượng thanh tra ngoài kiểm tra như thông lệ còn lưu ý đối với các mặt hàng nằm trong danh mục 802 sản phẩm đưa vào danh mục lưu hành trái quy định. Đáng mừng là qua các cuộc kiểm tra, chưa phát hiện sản phẩm nào nằm trong số 802 sản phẩm vi phạm.

Ông Toàn cho biết thêm: Thời gian tới, lực lượng Thanh tra Sở tăng cường kiểm tra theo định kỳ và kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm, tăng cường công tác thông tin, phối hợp Phòng Cảnh sát Môi trường trong quá trình kiểm tra, kiểm soát. Ông cũng kêu gọi người dân khi có bất kỳ thông tin phản ánh hoặc nghi ngờ các vi phạm trong việc sản xuất, buôn bán các mặt hàng vật tư nông nghiệp, thuốc thú y, thủy sản trực tiếp liên hệ về số điện thoại đường dây nóng của Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 0936.387.624 hoặc 0723.525.863./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích