Tiếng Việt | English

02/08/2017 - 02:40

Quân y - ngày ấy và bây giờ

Thời chiến, công tác quân y ở chiến trường chủ yếu cấp cứu, tải thương. Những người lính quân y cũng là chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trên mặt trận. Trong thời bình, công tác quân y tiếp tục với nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt là bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe bộ đội và nhân dân.

Quân y thời chiến

Toàn tỉnh Long An có 8 trạm y tế quân - dân y tại các xã biên giới, góp phần chăm sóc sức khỏe kịp thời cho bộ đội và nhân dân. Hàng năm, Ban Quân - dân y tổ chức phúc tra kiện toàn lực lượng dự bị động viên, bảo đảm sẵn sàng huy động được ngay khi có lệnh,...

Nguyên Trưởng ban Quân y (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Long An) - Trung tá, bác sĩ Huỳnh Việt Cương chia sẻ: “Quân y thời chiến trên địa bàn Long An là một bộ phận của Quân y miền với nhiệm vụ chủ yếu bảo đảm cứu chữa thương, bệnh binh trong chiến đấu. Các đơn vị thời ấy được bố trí theo hệ thống bậc thang. Tuyến cứu chữa, điều trị gồm tuyến cao nhất của Quân y tỉnh là đội điều trị, dưới là các phân đội quân y cơ động: Đội phẫu thuật, tổ quân y, tổ chuyển thương,... đi theo đội hình chiến đấu của bộ đội. Do nhu cầu và tình hình chiến trường nên ngoài các quân y chuyên nghiệp, bộ đội được huấn luyện căn bản về cấp cứu, băng bó và một số kiến thức y tế cơ bản, sau đó được trang bị một túi cứu thương để vừa chiến đấu, vừa có thể tự cứu và cứu chữa cho đồng đội tại mặt trận. Vì y tá không thể cùng lúc cấp cứu, băng bó cho nhiều thương binh trong điều kiện chiến đấu ác liệt; mỗi tiểu đội đều có một chiến sĩ cứu thương có vai trò như quân y của đơn vị, thực hiện băng bó cấp cứu tại chỗ, sau đó chuyển thương binh về tuyến sau điều trị tiếp. Thời ấy, thiếu trang bị và vật tư quân y, nơi cứu chữa thương binh chủ yếu là dưới hầm bí mật. Lực lượng Quân y tỉnh ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ rất anh dũng. Nhiều đồng chí hy sinh khi trên lưng còn cõng thương binh. Có kíp mổ hy sinh toàn bộ vì trúng bom giặc khi phẫu thuật cứu chữa thương binh”.

Dụng cụ y tế hiện đại: Máy X-quang, siêu âm, điện tim,… được đầu tư cho ngành Quân y, giúp công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội, nhân dân được tốt hơn

Nhằm tôn vinh sự đóng góp to lớn của các y, bác sĩ, chiến sĩ quân y trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 18/4/2012, Đại đội Quân y tiền phương Phân khu 23 Long An (tiền thân lực lượng Quân y của tỉnh Long An) được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân

Thời bình, việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe bộ đội và nhân dân trong tình hình mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và xuyên suốt của ngành Quân y.

Trưởng ban Quân y (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An) - Thượng tá, bác sĩ Hồ Tấn Lạc thông tin: “Quân y thời bình chủ yếu thực hiện công tác y tế quân sự địa phương. Đó là nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bộ đội, bảo đảm bộ đội có đủ sức khỏe để học tập, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Ngoài ra, ngành còn tham gia cùng y tế địa phương chăm sóc sức khỏe nhân dân, tích cực kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong phòng bệnh, chữa bệnh. Hàng năm, quân y phối hợp tổ chức nhiều đợt khám bệnh miễn phí, tặng quà cho hàng trăm lượt bệnh nhân thuộc gia đình chính sách, người nghèo trong tỉnh và người dân Campuchia giáp biên giới Long An. Thời gian qua, ngành đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức quân y các cấp; chủ động tham mưu Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phòng Hậu cần thực hiện các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Ngoài ra, quân y cấp tỉnh còn được cấp trên quan tâm đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, trang thiết bị y tế, ứng dụng kỹ thuật mới, hiện đại trong khám, chữa bệnh, nâng cao năng lực của quân y các tuyến trong tỉnh”.

Bệnh xá Quân - dân y tỉnh vừa hoàn thành sau thời gian xây dựng (tổng kinh phí 32 tỉ đồng) với quy mô 50 giường bệnh và được trang bị dụng cụ y tế hiện đại: Máy X-quang, siêu âm, điện tim,... Đây là điều kiện để chăm sóc sức khỏe bộ đội, nhân dân tốt hơn. Ngoài ra, kết hợp cùng Đề án Trạm y tế (TYT) khu vực của tỉnh, có 2 TYT: Bình Hiệp và Mỹ Quý Tây được đầu tư nâng cấp thành TYT khu vực. Các TYT quân - dân y kết hợp tổ chức khám, chữa bệnh cho trên 14.300 lượt bộ đội, người dân 2 bên biên giới Việt Nam, Campuchia và người có thẻ bảo hiểm y tế tại địa phương. Đặc biệt, các đơn vị kết hợp còn tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 6.600 lượt người nghèo, với tổng kinh phí 660 triệu đồng.

Riêng lực lượng Quân y Bộ đội Biên phòng Long An phát huy vai trò nòng cốt, chủ động thực hiện chủ trương kết hợp quân - dân y bằng nhiều hình thức. Bệnh xá trưởng Bệnh xá Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Long An - Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Ngoài nhiệm vụ khám bệnh, thu dung điều trị cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, lực lượng Quân y Bộ đội Biên phòng Long An còn tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân khu vực địa bàn đóng quân và người dân Campuchia. Hàng năm, chúng tôi phối hợp tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân biên giới và nước bạn Campuchia khoảng 8 đợt, kinh phí khoảng 80 triệu đồng một đợt”.

Công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe bộ đội và nhân dân là nhiệm vụ chính trị trọng tâm xuyên suốt của ngành Quân y

Chính trị viên phó, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mộc Hóa - Thiếu tá Võ Đức Dũng chia sẻ: “Bản thân tôi được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại đơn vị. Hàng năm, được khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh xá Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Tại đây, tôi được bác sĩ quân y tận tình tư vấn các biện pháp bảo vệ sức khỏe, giúp tôi yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ”.

Những kết quả của ngành Quân y trong chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và người dân không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH mà còn góp phần quan trọng vào tăng cường quốc phòng - an ninh; đồng thời, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tăng cường tình đoàn kết quân - dân, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết