Tiếng Việt | English

08/11/2017 - 20:18

Quê hương qua những dòng sông

Ký ức của mỗi người thường gắn liền với những dòng sông quê. Có những dòng sông làm nên dáng hình đất nước,... Để rồi, khi đi vào âm nhạc, những ca khúc viết về dòng sông lại gợi nhớ, gợi thương về những miền quê cũ...

Dáng hình đất nước

Mỗi vùng, miền trải dài trên đất nước Việt Nam đều có những dòng sông lẫy lừng, làm nên dáng hình đất nước. Ở cuối bản đồ hình chữ S, vùng đất chín rồng vốn được nhiều người biết đến bởi hình ảnh dòng sông Cửu Long chia thành 2 nhánh: Sông Tiền, sông Hậu. Quanh năm, những vườn cây trái vùng Đồng bằng sông Cửu Long được tưới mát bởi dòng nước ngọt này. Con sông như một “món quà” mà tạo hóa ban tặng cho cư dân nơi đây để chở che, bao bọc và mang về sự trù phú. “Cửu Long giang gió về vui trên sóng sông. Uốn quanh như chín con rồng ôm chặt đứa con. Người từ Tiền Giang đi về xa xăm. Cuối con đường say đắm là miền rộng thênh thang. Cửu Long giang trôi về ôm ấp đất hoang. Thiết tha như gái yêu chồng trong chiều mênh mông. Người về Hậu Giang xây tổ uyên ương. Có cánh đồng lúa chín uốn mình trên sóng sông...”. Bài Cửu Long giang, nhạc sĩ (NS) Phạm Duy viết và gợi tả dòng sông Cửu Long bằng những hình tượng gần gũi, thân thương như những đứa con, người vợ thủy chung như vậy!

Những dòng sông đi vào âm nhạc, gắn liền ký ức tuổi thơCòn khúc ruột miền Trung của đất nước, dòng sông Hương trở thành nguồn cảm hứng của nhiều NS. NS Phạm Đình Chương chọn dòng sông Hương là “đại diện” của mảnh đất này. “Miền Trung vọng tiếng, em xinh em bé tên là Hương giang. Đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than...” (bài Tiếng sông Hương). Sông Hương và núi Ngự là một “cặp đôi”, một hình tượng của đất cố đô. Để rồi, “Ai có về miền sông Hương. Nhắn giùm tôi vẫn còn thương. Thương người gái dịu hiền xinh tươi. Môi hồng nụ cười thắm xinh. Đây chút tình người xa quê. Gửi về thăm miền cố đô. Cách xa nhưng lòng vẫn đợi chờ. Ước mong mai này trở về” (Nhắn về sông Hương). Đó cũng là tiếng lòng của nhạc sĩ Minh Kỳ, luôn nhớ quê và ao ước ngày trở về bên dòng Hương giang.

Miền Bắc cũng có một dòng sông đi vào âm nhạc. Đó là một con sông chảy vào đất Việt của NS Thuận Yến trong bài “Gửi em ở cuối sông Hồng”. Bài hát ra đời năm 1980 khi NS Thuận Yến đến miền biên cương sau những năm chiến tranh. Tại đây, NS gặp đôi vợ chồng từng là chiến sĩ và nghe kể về cuộc đời của họ. Lúc ấy, người vợ còn khá trẻ, vừa đám cưới thì chồng phải ra chốt biên giới Bát Xát, phía sông Hồng. Câu chuyện làm NS Thuận Yến xúc động và phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Dương Soái. “Anh ở biên cương nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Ở nơi ấy mùa này con nước lắng phù sa in bóng đôi bờ. Anh ở biên cương biết là em năm ngóng tháng chờ. Cứ chiều chiều ra sông gánh nước. Nên ngày ngày cùng bạn bè trên chốt. Anh lại xuống sông Hồng cho thỏa lời em mong...”, một tình yêu bình dị như dòng sông Hồng quê hương đi vào âm nhạc như thế!

Từ Bắc chí Nam, nơi nào cũng có dòng chảy những dòng sông. Chính dòng chảy ấy góp phần làm nên dáng hình đất nước!

Dòng sông tuổi thơ

“Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình. Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ. Con sông tôi tắm mát. Con sông tôi đã hát. Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà”. NS Hoàng Hiệp như nói hộ tiếng lòng của nhiều người khi nhớ lại quê nhà, nhớ dòng sông gắn với ký ức một thời. Với NS, lần “Trở về dòng sông tuổi thơ” thật đong đầy cảm xúc sau nhiều năm tập kết ra Bắc. Đứng trên cù lao bên dòng sông Tiền, bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu lại “chảy” về nguyên vẹn: “Sông vẫn in màu mây. Vẫn khi vơi đầy vẫn mang phù sa. Làm đẹp thêm làng quê yêu dấu. Sông vẫn như thuở ấy. Có con đò ngang đón đưa người sang. Và từng đêm hát ru đôi bờ”.

Còn với những người con Long An, dù đi đâu, làm gì cũng nhớ về quê nhà, nhớ đôi dòng Vàm Cỏ. Thậm chí, với những người không sinh ra, lớn lên trên mảnh đất trung dũng, kiên cường như NS Trương Quang Lục, nhà thơ Hoài Vũ cũng dạt dào tình cảm với dòng sông “sinh đôi” ấy. “Ở tận sông Hồng em có biết? Quê hương anh cũng có dòng sông. Anh mãi gọi với lòng tha thiết. Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông...”. Khúc hát mở đầu bài “Vàm Cỏ Đông” vừa là câu hỏi cũng vừa là lời giới thiệu về dòng sông Vàm Cỏ Đông. Nếu thời chiến, dòng sông hiền hòa ấy là “chứng nhân” lịch sử trong những trận đánh oai hùng thì giữa đời thường, dòng chảy Vàm Cỏ Đông trong mát quanh năm, vỗ về cho những cánh đồng thêm màu mỡ. Dòng sông ấy cũng ghi dấu biết bao mối tình thời son trẻ của nhiều đôi lứa hẹn hò những buổi sớm trưa. Vàm Cỏ Đông chở nặng nhiều kỷ niệm êm đềm, những cảm tình sâu sắc như vậy!

Là một phụ lưu của dòng sông Lam, sông La chảy qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh với phong cảnh nên thơ, sơn thủy hữu tình trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo của nhiều NS, như: Người con gái sông La (NS Doãn Nho), Gái sông La (NS Lê Hàm), Một mình với sông La (NS Tân Huyền) và Sông La ngày về (NS Quốc Việt),... Dù đi vào âm nhạc với những ca từ khác nhau nhưng sông La luôn nặng nghĩa, đượm tình trong lòng những người con miền Trung xa xứ. “Giờ về ta ngược sông La, đi trên con đò thuở nhỏ, bãi ngô chân em còn vương bụi phấn. Tóc xanh buông mâу trong gió chiều. Nghe câu đò đưa mát ngọt, giọng quê nôn nao nghĩa tình. Biết sông bao năm bầm khô ruột, cho quê mình gạo trắng nước trong” (bài Hà Tĩnh mình thương) - thương về Hà Tĩnh, tác giả An Thuyên thương cả con sông La chốn quê nhà!

Mỗi dòng sông là một kỷ niệm, một ký ức tuổi thơ! Đi xa, mỗi bận nhớ nhà, bao kỷ niệm tuổi thơ ấy lại ùa về như dòng chảy những con sông trong từng ca khúc!

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết