Tiếng Việt | English

12/06/2019 - 09:34

Quyết liệt phòng, chống dịch tả heo châu Phi

Dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đang diễn biến phức tạp với mức độ lây lan nhanh. Hiện cả nước có 58 tỉnh, thành xuất hiện dịch, riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 11/13 tỉnh, thành xảy ra DTHCP, trong đó tỉnh giáp ranh Long An là Tiền Giang, Đồng Tháp đã công bố dịch ở một số huyện. Do đó, khả năng DTHCP xâm nhập và lây lan trên địa bàn tỉnh rất cao.

Chuyển từ phòng sang chống

Trước tình hình DTHCP xuất hiện tại các tỉnh lân cận, Long An chuyển từ phòng dịch sang sẵn sàng chống dịch. Đồng thời, tỉnh áp dụng các biện pháp cấp bách và quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn dịch bệnh và kịp thời xử lý khi có dịch xảy ra, tránh để dịch bệnh lây lan. Là địa phương giáp ranh tỉnh Tiền Giang (nơi có dịch), thời gian qua, huyện Châu Thành chủ động phòng, chống dịch. Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo phòng, chống DTHCP huyện Châu Thành - Võ Thanh Hồng cho biết: “Ngay sau khi tỉnh Tiền Giang công bố xảy ra DTHCP, Ban Chỉ đạo phòng, chống DTHCP huyện nhanh chóng họp bàn và thành lập khẩn cấp 2 chốt kiểm soát động vật cố định (1 chốt trên Đường tỉnh 827C, xã Long Trì và 1 chốt trên đường Tham Nhiên - Cầu Đôi, xã An Lục Long) nhằm kiểm soát vận chuyển và kiểm tra vệ sinh thú y đối với heo và các sản phẩm từ heo. Bên cạnh đó, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ DTHCP xâm nhập vào địa bàn, Ban Chỉ đạo Phòng, chống bệnh DTHCP huyện thành lập Đội Kiểm soát động vật lưu động, tăng cường kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ heo, sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ kiểm dịch, đặc biệt là kiểm soát nguồn heo sống được nhập từ các tỉnh đã xuất hiện DTHCP vào các cơ sở giết mổ trên địa bàn huyện”.

Các chốt kiểm soát động vật trên các tuyến đường trọng yếu kiểm soát heo từ các địa phương vào Long An

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành - Võ Văn Vấn thông tin: “Trên địa bàn huyện có 348 hộ chăn nuôi heo, phần lớn là nhỏ, lẻ, với tổng đàn 18.058 con. Ngoài ra, huyện có 2 cơ sở giết mổ heo tại xã Phước Tân Hưng và Bình Quới, với công suất giết mổ từ 50-100 con/đêm. Nhằm phổ biến kịp thời những kiến thức cơ bản, cần thiết về DTHCP cho ban chỉ đạo phòng, chống DTHCP các xã, thị trấn, đội ngũ cán bộ phụ trách thú y xã và khuyến nông viên, huyện xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn khẩn cấp về quy trình ứng phó đối với DTHCP. Thông qua đó, giúp họ hiểu và nắm vững được mức độ nguy hiểm, khả năng lây lan, những triệu chứng cơ bản và quy trình ứng phó nhanh với DTHCP; đồng thời, nâng cao khả năng chẩn đoán lâm sàng và phản ứng nhanh của lực lượng thú y tại các chốt kiểm soát động vật trên địa bàn huyện”.

“Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực thông tin, tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về dịch bệnh, nhấn mạnh DTHCP không lây lan sang người để tránh gây hoang mang cho người dân, đặc biệt là không để người dân tẩy chay thịt heo sạch và khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tăng cường công tác quản lý chăn nuôi, tiêm vắc-xin phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm” - ông Vấn thông tin thêm.

Tại TP.Tân An hiện có khoảng 500 hộ chăn nuôi heo, nhiều nhất là ở các xã, phường vùng ven. Để chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả DTHCP, UBND thành phố xây dựng kế hoạch với những tình huống cụ thể khi chưa phát hiện dịch bệnh và biện pháp xử lý khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Thành phố đã thành lập 2 chốt kiểm dịch tạm thời (chốt Quốc lộ 62, xã Lợi Bình Nhơn và chốt Quốc lộ 1, phường Tân Khánh). Qua kiểm tra, kiểm soát, các xe vận chuyển heo, sản phẩm từ thịt heo đều xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Lũy kế đến nay, có trên 950 xe qua chốt được phun thuốc sát trùng với hơn 47.700 con. Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Huỳnh Văn Nhịn cho biết: “Các chốt tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với heo và sản phẩm từ heo vào địa bàn thành phố; bố trí các lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an cùng các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo, sản phẩm từ heo. Đặc biệt, hiện nay, thành phố chỉ đạo UBND xã An Vĩnh Ngãi, phường 7 khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống DTHCP, tăng cường kiểm tra các tuyến giáp ranh tỉnh Tiền Giang; đồng thời thành lập ngay đội kiểm soát lưu động, đội phản ứng nhanh để tuần tra các tuyến đường không lập chốt, tránh tình trạng xe vận chuyển heo “né” chốt”.

Không đợi “nước tới chân mới nhảy”

Với mục tiêu không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh (khóa IX) vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh nhấn mạnh: “Chủ trương của tỉnh là chủ động, quyết tâm phòng, chống DTHCP từ xa, không đợi “nước tới chân mới nhảy” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xâm nhập dịch vào địa bàn tỉnh”.

Các chốt kiểm soát động vật trên các tuyến đường trọng yếu kiểm soát heo từ các địa phương vào Long An

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều lò giết mổ với quy mô lớn, do đó, khả năng thương lái vận chuyển heo từ vùng có dịch về địa bàn tỉnh để giết mổ là rất cao. Bên cạnh đó, huyện Châu Thành, Tân Thạnh, Tân Hưng và TP.Tân An,... có phạm vi tiếp giáp tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp khá rộng nên khả năng heo được vận chuyển từ các tỉnh miền Tây qua các tuyến đường nối tiếp với các tỉnh này vào địa bàn tỉnh là rất lớn. Nhằm tăng cường kiểm soát đối với các phương tiện vận chuyển heo, sản phẩm từ heo, sở yêu cầu các huyện thành lập thêm một số chốt kiểm soát động vật trên các tuyến đường nối tiếp giữa 2 tỉnh, kiên quyết không để heo và các sản phẩm từ heo không có đủ giấy tờ chứng minh xuất xứ, nguồn gốc và kiểm dịch qua, nhập vào địa bàn tỉnh. Song song đó, sở yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức người dân; khuyến khích người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; tích cực tuyên truyền, nhắc nhở các trại chăn nuôi heo có quy mô lớn thận trọng trong việc mua, bán heo, đặc biệt là cần lưu giữ lại nguồn heo giống để phục vụ việc tái đàn sau khi đã kiểm soát được dịch”.

“Tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường lực lượng tại các chốt kiểm soát, kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận chuyển động vật,... bảo đảm đúng quy định; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phương tiện, gia súc,... đồng thời, khẩn trương rà soát các bến đò ngang có khả năng được sử dụng vận chuyển gia súc vào tỉnh và thực hiện ngay các giải pháp kiểm soát chặt chẽ, cần thiết thì lập chốt để kiểm soát việc vận chuyển động vật. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch với phương châm “phòng, chống dịch như chống giặc”, “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”; chỉ đạo chính quyền, các cơ quan chuyên môn các cấp của địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, báo cáo, phối hợp sở, ngành liên quan xử lý, tiêu hủy heo bệnh theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn khi dịch xảy ra” - bà Khanh thông tin thêm./.

"Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch với phương châm “phòng, chống dịch như chống giặc”, “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính".

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh


Huỳnh Phong - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết