Tiếng Việt | English

10/12/2018 - 09:31

Quyết tâm tạo chuyển biến đối với các dự án kéo dài nhiều năm

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 12 (kỳ họp lệ cuối năm), HĐND tỉnh Long An khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021), ngày 07/12/2018, HĐND tỉnh tổ chức phiên chất vấn, trả lời chất vấn và bế mạc kỳ họp.

Tại phiên chất vấn, có 5 nội dung được bố trí trả lời trực tiếp tại hội trường. Đây đều là những vấn đề được cử tri và đại biểu (ĐB) rất quan tâm, đó là: Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; việc xét duyệt trình độ chuyên môn, xếp lương cán bộ cấp xã; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp học; tình trạng mua bán động vật hoang dã tại chợ nông sản Thạnh Hóa; tình trạng an ninh, trật tự, nhất là hoạt động của các đối tượng đòi nợ thuê, tín dụng đen trên địa bàn.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án

Nội dung này được ĐB Nguyễn Hữu Tuấn (đơn vị huyện Cần Giuộc) chất vấn nhiều lần tại các kỳ họp của HĐND tỉnh. Theo ông, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư là một trong những nhiệm vụ quan trọng liên quan đến thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành và địa phương tập trung triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc triển khai nhiệm vụ này trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, kết quả rất hạn chế, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người dân, khiến cử tri, kể cả nhà đầu tư rất bức xúc.

Đại biểu Nguyễn Hữu Tuấn (đơn vị huyện Cần Giuộc) chất vấn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Ảnh: Kỳ Nam

Mặt khác, nhiều dự án (DA) chậm triển khai thực hiện, trong khi thông tin về DA, lộ trình triển khai chưa được chính quyền và nhà đầu tư công bố công khai, minh bạch theo quy định nên cử tri chưa có điều kiện theo dõi, giám sát. ĐB đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trách nhiệm này thuộc về ai và giải pháp để giải quyết trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là: Chính sách, pháp luật đất đai về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Trung ương ban hành có sự thay đổi liên tục; chính sách ban hành sau luôn có sự thông thoáng hơn, bên cạnh những thuận lợi cũng tạo tâm lý trông chờ cho người dân. Một số chủ đầu tư năng lực tài chính hạn chế, không huy động kịp thời nguồn vốn chi trả, khi có được nguồn vốn thì người dân không đồng ý nhận tiền do giá đất không còn phù hợp.

Cùng với đó, việc xác định chủ sử dụng đất để lập phương án bồi thường gặp nhiều khó khăn do người dân một số địa phương khác đến nhận chuyển nhượng đất nay không liên lạc được. Công tác cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ đất đai chưa kịp thời dẫn đến phát sinh nhiều vướng mắc trong việc thông báo thu hồi đất, kiểm đếm, chi trả bồi thường. Cơ chế phối hợp giữa các ngành liên quan với các địa phương nơi có đất bị thu hồi chưa chặt chẽ, đồng bộ. Nhân lực thực hiện công tác bồi thường dù có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế,...

Theo ông Trần Văn Cần, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng do UBND cấp huyện nơi triển khai DA tổ chức thực hiện, sở, ngành tỉnh chỉ hỗ trợ về nghiệp vụ chuyên môn. Vì vậy, nếu để xảy ra sai sót trong công tác này là trách nhiệm của UBND cấp huyện và một phần của sở, ngành tỉnh không kịp thời hỗ trợ địa phương tháo gỡ vướng mắc theo thẩm quyền chuyên môn. Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng nhận trách nhiệm, có phần thiếu sót trong quản lý, lãnh đạo, điều hành công việc.

Về giải pháp thực hiện, ông Trần Văn Cần thông tin thêm, vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập 2 đoàn công tác đi kiểm tra, làm việc với ban thường vụ huyện ủy 6 huyện trọng điểm đang triển khai giải phóng mặt bằng nhiều DA và có kết luận, chỉ đạo cụ thể. Thời gian tới, định kỳ 6 tháng, đoàn công tác tiếp tục kiểm tra, làm việc để nghe báo cáo tiến độ, cho chủ trương tháo gỡ vướng mắc.

UBND tỉnh xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Trong đó, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy phải tăng cường vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện, không khoán trắng cho chính quyền cùng cấp. Định kỳ, người đứng đầu cấp ủy phải tổ chức đối thoại với người dân bị thu hồi đất để lãnh đạo, chỉ đạo về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư được chính xác, kịp thời, hiệu quả.

Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường cần nắm bắt thông tin, rà soát cơ chế, chính sách, nếu vướng mắc, bất cập phải tham mưu UBND sửa đổi, bổ sung kịp thời. Tỉnh cũng sẽ kiến nghị Trung ương sửa đổi Luật Đất đai 2013 theo hướng phân cấp HĐND tỉnh ban hành nghị quyết chuyển mục đích đất lúa tất cả DA không giới hạn diện tích nếu phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan thẩm quyền phê duyệt;...

Ngoài ra, các địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục; công khai, minh bạch đầy đủ thông tin về trình tự thủ tục, quy hoạch, giá đất bồi thường, thời gian, tiến độ triển khai thực hiện DA,... để người dân biết, hiểu, chia sẻ, đồng thuận về công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với từng DA. Đồng thời, thực hiện quyết liệt biện pháp cưỡng chế nếu người dân cố tình chống đối.

Liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh yêu cầu, UBND tỉnh tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, quản lý của Nhà nước; kiên quyết thu hồi, xóa quy hoạch với những DA kéo dài nhiều năm,... Ông nhấn mạnh, các cấp, các ngành cần có giải pháp quyết liệt làm chuyển biến vấn đề này trong năm 2019, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hạ tầng các DA, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,... làm thông thoáng môi trường đầu tư, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh.

Chấn chỉnh tình trạng bày bán động vật hoang dã

Đây cũng là vấn đề dư luận rất bức xúc, báo chí phản ánh nhiều và UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo trong thời gian qua. Theo đó, ngày 27/9/2018, các sở, ngành tỉnh có phiên họp liên tịch với chính quyền thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa về việc “Chấn chỉnh tình trạng bày bán động vật hoang dã tại chợ nông sản Thạnh Hóa”. ĐB Trương Ngọc Toàn (Tổ ĐB huyện Thạnh Hóa) đề nghị UBND tỉnh thông tin về tiến độ thực hiện cũng như định hướng để chợ nông sản phát triển, văn minh, bền vững.

Đại biểu Trương Ngọc Toàn (Tổ đại biểu huyện Thạnh Hóa) chất vấn về việc chấn chỉnh tình trạng buôn bán động vật hoang dã

Giải trình về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết, tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh là di dời chợ vào phía trong, việc mua bán động vật phải tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, không gây hình ảnh xấu đối với người đi đường.

Từ tháng 11 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành liên tục kiểm tra, chấn chỉnh tình hình hoạt động của chợ nông sản Thạnh Hóa; kêu gọi và hướng dẫn doanh nghiệp (Công ty Thu Ngân) thực hiện thủ tục đầu tư, lập quy hoạch chợ nông sản. Hiện nay, nhà đầu tư đang hoàn thiện việc san lấp mặt bằng để thực hiện các hạng mục: Trạm dừng chân, bến bãi đậu xe, cửa hàng kinh doanh xăng dầu, khu ăn uống, siêu thị và chợ nông sản,... để bố trí các quầy, sạp vào phía trong theo quy hoạch của huyện.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo UBND huyện Thạnh Hóa tiếp tục thông báo yêu cầu các hộ kinh doanh tự di dời các quầy, sạp bán hàng vào chợ nông sản đã quy hoạch với thời gian hợp lý; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và lắp đặt hệ thống camera để theo dõi, kiểm tra và xử lý kịp thời; hướng dẫn, hỗ trợ hộ kinh doanh cách sử dụng thảm nệm lót (thảm sinh học); tạo điều kiện cho hộ kinh doanh động vật nuôi thay cho động vật hoang dã.

Đối với các sở, ngành tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm cho các hộ thu mua ký cam kết không vi phạm buôn bán các loài động vật hoang dã bị cấm theo quy định; đặt các bảng tuyên truyền về quản lý bảo vệ các loài động vật hoang dã nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ các loài động vật hoang dã, nhất là các loài quý hiếm. Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Công Thương sớm tham mưu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án nâng cấp chợ nông sản thành trạm dừng chân theo quy định.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Phạm Văn Rạnh phát biểu bế mạc kỳ họp 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh nhấn mạnh, quan điểm của tỉnh là khuyến khích hình thành chợ nông sản nhưng phải kinh doanh, mua bán đúng theo quy định của Nhà nước. Ông đề nghị, các sở, ngành và huyện Thạnh Hóa phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, nhất là các hộ tiểu thương thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Kiên quyết làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật để xử lý, không để những hình ảnh phản cảm gây ảnh hưởng đến xã hội.

Bế mạc phiên chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh đề nghị, người đứng đầu các sở, ngành tỉnh và các cơ quan hành chính địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng tính chủ động, nghiên cứu, kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực, địa phương phụ trách để việc chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, nhanh chóng, hiệu quả hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và nguyện vọng của cử tri, nhân dân./.

An Kỳ-Thanh Nga

Chia sẻ bài viết