Tiếng Việt | English

04/04/2017 - 11:22

Rau an toàn: Bao giờ người tiêu dùng và người sản xuất “gặp nhau”?

Theo ghi nhận, hiện nay, trên địa bàn TP.Tân An, tỉnh Long An mới chỉ có một điểm duy nhất bày bán rau an toàn của Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hòa, xã Phước Vân, huyện Cần Đước. Người tiêu dùng cần thực phẩm an toàn để bảo đảm sức khỏe gia đình, thế nhưng, rau an toàn vẫn đang “loay hoay” tìm nơi tiêu thụ, chưa thật sự đến được với người tiêu dùng.

Tại điểm bán rau này, có 9 loại rau là sản phẩm VietGAP: Rau muống, rau dền, mồng tơi, cải xanh, cải ngọt, rau ngót, xà lách, các loại rau gia vị,... và các loại rau còn lại được sản xuất theo tiêu chuẩn rau an toàn.

Điểm bán rau an toàn trên địa bàn TP.Tân An còn quá ít, chưa đáp ứng đủ  nhu cầu của người tiêu dùng

Để tạo sự khác biệt với các loại rau khác có mặt trên thị trường, HTX Phước Hòa đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng thông qua việc đóng gói có in logo, nhãn mác, quy cách đóng gói sản phẩm.

Thời gian tới, HTX tiếp tục sử dụng tem nhận diện rau an toàn để người dân phân biệt và dễ dàng tiếp cận với nông sản sạch nhằm bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Thi, nhà ở đường Huỳnh Văn Đảnh, phường 3, TP.Tân An chia sẻ: "Việc lựa chọn thực phẩm an toàn của tôi cũng như hầu hết các bà nội trợ chỉ cảm nhận bằng mắt là chủ yếu. Theo tôi, mua rau, củ, quả nên đi siêu thị vào sáng sớm, còn cá, thịt mua ở chợ sẽ tươi hơn. Nhưng hiện nay, so với nhu cầu của rất nhiều bà nội trợ thì chỉ với một điểm bán rau an toàn ở chợ phường 2 chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng".

Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa - Kiều Anh Dũng cho biết: "Hiện nay, việc kết nối vùng nguyên liệu sạch gặp khó khăn, đặc biệt, trong chuỗi thực phẩm an toàn, việc tham gia giữa các doanh nghiệp với nhau cũng còn thiếu chặt chẽ. Có những sản phẩm, doanh nghiệp chỉ tham gia ở khâu cung ứng đầu vào, thiếu đơn vị đứng ra bao tiêu đầu ra, chế biến, bảo quản và vận chuyển. Chính vì thế, sản phẩm nông dân làm ra dù bảo đảm an toàn nhưng trong khâu vận chuyển, tiêu thụ chưa bảo đảm, khiến sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng chất lượng không còn bảo đảm".

Nhiều loại rau là sản phẩm VietGAP được bày bán

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh - Đinh Thị Phương Khanh: “Thực hiện phương án "Quy hoạch phát triển vùng rau an toàn tỉnh Long An đến năm 2020" cần đầu tư khoảng 912 tỉ đồng. Nhằm phát triển vùng rau an toàn, bền vững và mang lại lợi ích thiết thực, có nhiều giải pháp thực hiện: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật về giao thông nông thôn, giao thông kết hợp thủy lợi nội đồng, điện phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, xây dựng nhà máy sơ chế, bảo quản rau, trang thiết bị kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chính sách khuyến khích sản xuất và tiêu thụ,...”.

Không chỉ ở TP.Tân An mà người tiêu dùng trong tỉnh luôn có nhu cầu về thực phẩm an toàn rất cao, nhưng nhiều tổ hợp tác, HTX trồng rau sạch, rau an toàn vẫn lúng túng tìm thị trường tiêu thụ. Chọn mua rau sạch, bảo đảm sức khỏe gia đình là “bài toán” đau đầu của người nội trợ, trong khi đó, nông dân và các HTX chuyên sản xuất, cung ứng các loại rau an toàn cứ “loay hoay” đi tìm chỗ đứng./.

Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết