Tiếng Việt | English

25/07/2015 - 04:35

Rình rang chợ chim trời bên Quốc lộ 62

Chợ nông sản ở khu phố 3, thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa (bên QL62) đang trở thành điểm bày bán lý tưởng các loài chim trời, gần đây còn phát hiện cả động vật quý hiếm.

Chim trời bày bán công khai tại chợ

Tận diệt chim trời

Chợ nông sản này chỉ là những lều tạm, nhưng với vị trí đắc địa nằm sát bên QL62 nên luôn tấp nập người vào mua hàng từ sáng đến chiều. Gần đây, có dịp ghé vào chợ, ngoài các mặt hàng nông sản có tiếng ở Thạnh Hóa như khoai mỡ, khoai mì thì đáng lo ngại là các loài chim trời được bày bán la liệt.

Ở các quầy, chim trời được nhốt co ro trong các lồng sắt, một số chim được treo từng chùm ở trước để quảng bá, trong số đó nhiều con chim đã được nhổ lông sẵn. Theo như lời giới thiệu của những người bán hàng, ở đây có đầy đủ các loài chim như chim cu, vịt trời, cò trắng, cúm núm… Mỗi loài có giá khác nhau, từ 180 ngàn đồng đến trên 300 ngàn đồng/kg.

Khi có khách ghé vào, những người này liên tục mời chào “đặc sản Đồng Tháp Mười đây! Những loài chim này mua về làm mồi nhậu hay nấu cháo đậu xanh thì khỏi phải chê”. Theo như một người bán hàng, nếu khách có nhu cầu mua với số lượng nhiều, chị sẽ cung cấp đủ. Hỏi chim trời này lấy ở đâu, chúng tôi nhận được câu trả lời, mua lại từ người dân săn bắt được.

Ngoài chim trời, chưa đầy 1 tuần giữa tháng 7, Hạt Kiểm lâm Thạnh Hóa vừa phối hợp Công an thị trấn Thạnh Hóa đã giải cứu 4 con culi được bày bán công khai tại chợ nông sản đưa về rừng quốc gia Cát Tiên nuôi dưỡng. Điều đáng nói, culi là loài động vật nằm trong danh mục được bảo vệ, cấm buôn bán thương mại. Hiện vụ việc vẫn đang được Công an huyện Thạnh Hóa điều tra làm rõ, xử lý nghiêm những người liên quan đến vận chuyển, buôn bán trái phép culi.

Chẳng lẽ bó tay?

Theo ông Nguyễn Văn Tạo – Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa, chợ nông sản ở khu phố 3, thị trấn Thạnh Hóa được thành lập cách đây mấy năm. Chợ này nhằm tạo điều kiện cho người dân buôn bán tập trung các mặt hàng nông sản của địa phương như khoai mỡ, khoai mì… Trước khi chưa có chợ này, ở dọc trục QL62 rất nhiều người đưa hàng nông sản ra bán dọc đường làm mất mỹ quan, ảnh hưởng trật tự, an toàn giao thông. Thế nhưng thời gian qua, chợ này lại bày bán các loài chim trời.

“Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền người dân không nên buôn bán, săn bắt các loài chim trời nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn”, ông Tạo nói thêm.

Còn theo ông Nguyễn Tân Thuấn – Giám đốc Chi cục bảo vệ môi trường, những năm qua, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Chi cục đã phối hợp các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và địa phương tăng cường tuyên truyền bảo vệ các sinh thái, động vật hoang dã. Thế nhưng, mỗi lần đi ngang chợ ở Thạnh Hóa, vẫn thấy bày bán nhiều loài chim trời gây phản cảm. Dù vậy, ngành chức năng không thể xử phạt.

Lý giải về việc này, ông Lê Hữu Lợi – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Trừ trường hợp 4 con culi phát hiện tại chợ mới đây thì các loài chim trời bày bán tại chợ nông sản ở Thạnh Hóa không thể sử dụng chế tài xử phạt. Nguyên nhân, những loài chim trời bày bán ở đó không nằm trong danh mục động vật quý hiếm, kể cả thông thường theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP, ngày 30-3-2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm và Thông tư 47/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 25-9-2012 về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường. Giải pháp đưa ra, chỉ ở mức tuyên truyền, vận động các tiểu thương không buôn bán chim trời”.

Cũng theo ông Lợi, người nào xâm nhập vào các khu bảo tồn để đánh bắt chim trời (dù không nằm trong danh mục động vật quý hiếm, thông thường) nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt. Còn nguồn chim trời bày bán ở chợ tại Thạnh Hóa đa số được bắt ở đâu, khu vực nào chuyển về, hình thức săn bắt thế nào, ngành kiểm lâm chưa rõ.

Với tình hình này, có lẽ chợ nông sản ở thị trấn Thạnh Hóa chắc sẽ được biết đến nhiều hơn là chợ chim trời. Chẳng lẽ lại bó tay để chim trời bị tận diệt công khai như thế!./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết