Tiếng Việt | English

29/08/2020 - 08:55

Rồi nắng cũng lẻ loi

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Trời mưa rả rích làm con đường đến khu nghĩa địa càng trở nên khó khăn hơn. Đám sậy hai bên đường cứ cứa vào thịt da rát buốt. Chị Hai trừng mắt lên mỗi khi thấy tôi và chị Ba chuẩn bị quay đầu bỏ chạy về nhà. Tấm cao su run lên bần bật lúc tôi và chị Ba nghe thấy tiếng động đâu đó quanh mình. Chị Hai thì cứ thế mà đi về phía trước. Khu nghĩa địa là chỗ mà không phải đứa trẻ con nào trong xóm Mốc cũng dám bén mảng tới.

- Thôi mình về nhà đi chị Hai, em sợ quá!

Chị Ba cũng bắt đầu mếu máo, nhưng điều đó đâu làm chị Hai động lòng, chị nắm chặt tay tôi, lôi đi xồng xộc.

- Ma ơi, có về bắt thì bắt tui chứ đừng có bắt em tui.

Câu nói của chị Hai đâu có làm nỗi sợ vơi đi. Ngang qua những chòm mả nhấp nhô, chị Ba cứ giục tôi niệm Phật liên tục. Chị Hai tiến lại gần bụi rậm rồi đưa đầu ngó vào bên trong, nhảy cẫng lên làm chúng tôi sợ ngồi bệt xuống đất. Chị Hai dỡ tấm cao su ra, cú vào đầu tôi cái cốc, ma cỏ gì giờ này.

Chị Hai lấy cọng dây trong túi ra làm thành nút thòng lọng rồi phân chia cho tôi và chị Ba đứng ở hai góc khác nhau. Tách chị Ba ra khỏi tôi cũng y như một cuộc chia tay “muôn dặm sầu giăng” trong mấy tuồng cải lương buồn ác chiến. Chị Hai ra hiệu cho tôi và chị Ba từ từ tiến vào bên trong, con heo con nghe động tĩnh cũng giật mình đứng sát vào trong. Tôi cầm một khúc cây dứ dứ về phía con heo, khi chị Hai đứng cách con heo tầm một sải tay thì chị đã nhảy vào, tròng mối thòng lọng vào cổ con heo. Tôi và chị Ba đứng bên ngoài nắm sợi dây kéo về phía trước, con heo kêu eng éc một lúc rồi nằm gọn trong lòng chị Hai. Chị Ba chỉ thật sự buông vạt áo tôi ra khi chúng tôi bước ra khỏi khu nghĩa địa ma quái, chạy một mạch về nhà.

- Có nặng không chị Hai? Hay mình bỏ nó xuống rồi lùa nó về nhà. Em cầm dây nè.

- Thôi đi, ôm về cho chắc. Lỡ tuột dây mắc công lắm.

Vừa về đến nhà, tôi đã thấy chị Ba ngồi trước hàng ba cầm củ khoai lang nhai nhóp nhép. Chị Ba vừa nhai, vừa nói với theo tôi:

- Nãy tao kêu chạy về trước mà không chịu.

Tôi chẳng thèm đoái hoài gì đến câu nói của chị Ba, lẳng lặng đi theo chị Hai vào chuồng heo. Con heo vừa mới thả vào chuồng đã nằm im thin thít, hơi thở của nó dường như nặng nhọc hơn. Lúc hay tin người ta đem thả con heo ở chỗ nghĩa địa, chị Hai đã chạy về nhà lùa chúng tôi ra đó để bắt cho bằng được. Người ta đồn khi bà chủ trại heo phát hiện con heo dị tật đã vội thả nó đi, cho đó là điềm không lành.

*

*      *

Chiếc vỏ lãi vừa cập bến cũng là lúc chị em tôi đứng sẵn trên bờ đón cha má về nhà. Cha cười ngất khi nghe tôi thuật lại chuyện đi bắt heo về nhà. Má tôi thì lắc đầu nguầy nguậy.

- Người ta sợ đem thả rồi mà mình bắt về làm chi?

- Hơi sức nào bà tin mấy chuyện mê tín. Chẳng phải bầy heo đợt trước có con heo giống vậy, tôi với bà mổ cho nó rồi nó cũng sống nhăn răng đấy sao?

Má với chị Hai giữ chặt con heo cho ba lấy lưỡi lam rạch chữ thập dưới đuôi con heo. Con heo la dậy làng, dậy xóm. Tôi rọi đèn cho má lấy kim may lại chỗ ruột vừa mới cắt cho con heo. Lúc này, con heo không còn sức để la nữa, nó nằm xụi lơ. Má lấy cỏ mực cầm máu cho nó rồi đem thả vào chuồng.

- Không biết nó có sống được không?

Hừng sáng, tôi đã nghe tiếng chị Hai chạy ra chuồng heo, rồi vén mùng cười hề hề.

- Còn sống nhăn, mày ơi!

Tôi kéo mền đắp lên mặt như thể điều đó chẳng liên quan gì đến tôi.

*

*      *

Hàng xóm lần nào gặp má tôi cũng nói “con nhỏ lớn nhà chị y như con trai”. Đám trẻ trong xóm Mốc còn đòi tôn chị Hai làm “đại ca”. Thằng Bấu xóm trên nghe được tức anh ách, nó chặn đường đòi đánh tôi với chị Ba, để coi chị Hai ra mặt như thế nào. Đám thằng Bấu đứng chống nạnh, nhướng mắt về phía tôi. Chị Ba đứng nép sau lưng tôi, bỏ luôn mấy trái bần chín xuống đất. Giọng chị Ba cứ lí nhí “tao về méc chị Hai tao đó”. Thằng Bấu cười khanh khách tỏ vẻ đắc ý, nó ra hiệu cho thằng Tóc Vàng kéo lỗ tai tôi lên. Thằng Bấu nghênh mặt về phía tôi, "để tao coi chị Hai mày làm gì được tao". Chị Hai lấy cây củi trâm bầu đánh thằng Bấu một cái như trời giáng. Hai thằng đi theo dạt ra. Chị Hai cầm khúc cây chỉ thẳng vào phía tụi nó “muốn thử thì nhào vô”. Thằng Bấu giơ tay cho thằng còn lại xông vào, chị Hai nhanh chân phóng lên gò đất, lấy đá chọi liên tục. Chị Ba buông vạt áo tôi ra, vơ vội khúc cây lên xông vào đánh tới tấp vào người thằng Tóc Vàng. Tôi nhảy vào vật thằng Dư Ngón xuống đất. Thằng Bấu đưa tay đập xuống đất, nghiến răng khi chị Hai cắn vào tai nó không buông. Cuộc chiến chỉ thật sự kết thúc lúc ông Mười Bốn buông chai rượu, nhảy vào can ngăn. Thằng Bấu nắm tay ông Mười Bốn hậm hực.

- Chị em nó ăn hiếp con.

- Mày có phải là con trai không. Ba thằng mày lớn tồng ngồng vậy mà chặn đường đánh em tao.

Ông Mười Bốn kéo mạnh lỗ tai thằng Bấu, giọng nhừa nhựa nặc nồng mùi rượu.

- Tối ngày tụ tập phá làng, phá xóm không. Từ nay không được kiếm chuyện với chị em con Mùi nữa. Đợi nó lớn chút, tao cưới nó cho mày.

Thằng Bấu trợn mắt nhìn ông Mười Bốn.

- Cha, ai mà thèm lấy bà chằn lửa này.

- Ủa, bộ mày có cửa với tao?

Bọn tôi không thể nhịn được cười với thái độ của chị Hai và thằng Bấu. Ông Mười Bốn nắm tay thằng Bấu đi về, mặc kệ ánh nhìn đăm đăm của nó. Đám trẻ trong xóm Mốc gọi chị Hai là bà chằn lửa, cho nên chẳng đứa nào dám động tới tôi với chị Ba. Chơi bất cứ trò nào, tụi nó cũng không dám ăn hiếp tôi. Có khi tụi nó còn phải đứng về phe tôi để lấy “tiếng” của chị Hai ra mà đỡ.

*

*      *

Chiếc đò Khánh Hội ghé lại trước nhà. Tôi với chị Ba đứng trên bờ khóc ngất nhìn theo dáng chị Hai bước xuống đò. Tuyệt nhiên tôi chẳng thấy chị Hai quay mặt lại dù chỉ một lần. Má kéo vạt áo lên lau nước mắt, ba ngồi im trong nhà không ra tiễn chị. Không biết đoạn đường đến Sài Gòn bao xa, nước mắt chị Hai có rơi suốt dọc đường đi. Ba má cho chị lên Sài Gòn giúp việc cho con nhà bác Chín, sau năm lần bảy lượt chủ nợ cứ kéo đến nhà đập phá. Thất mùa, lãi mẹ đẻ lãi con. Ba má đành bấm bụng nghe người xóm Mốc gièm pha, cho con đi “ở đợ”. Chị Ba nhét gần hết nồi khoai luộc vào cặp cho chị Hai, tôi ngồi xếp lại mớ sách vở ngổn ngang mà lòng dạ bời bời. Chị Hai cười nói tỉnh bơ “lên Sài Gòn vui gần chết”. Má ôm chị vào lòng căn dặn đủ chuyện trên trời dưới biển. Chuyến đi xa đầu tiên của con gái, ba má thức thâu đêm, tiếng con thạch sùng tặc lưỡi như nói hộ lòng người. Bọn thằng Bấu bị chị Hai hăm bẻ răng “đứa nào đụng tới em tao, nữa về tao đốt nhà đứa đó”. Tôi với chị Ba chạy băng qua khu nghĩa địa, đuổi theo chiếc đò xa lắc, những tiếng gọi cứ va vào nhau chấp chới. Liệu lúc đó chị Hai đã quay đầu nhìn lại…/.

Nguyễn Chí Ngoan

Chia sẻ bài viết