Tiếng Việt | English

22/10/2016 - 05:32

Rong ruổi cùng “nghệ sĩ” đường phố

Cũng là tiếng nhạc, lời ca với những tiết mục trình diễn sống động, cũng có “khán giả” thưởng thức, ấy vậy mà, những người biểu diễn không được gọi là nghệ sĩ. Họ chẳng được tặng hoa, không có “fan” hâm mộ. Họ, cũng chẳng cần danh tiếng, chỉ cần được khách hàng ủng hộ vài cái bánh, đôi ba thanh kẹo cao su,... để có tiền trang trải cuộc sống mà thôi!

Ảo thuật lắm gian truân

Sau một ngày làm việc vất vả, những buổi tối hay cuối tuần rảnh rỗi, dạo một vòng quanh các quán ăn, quán nhậu tập trung đông khách, chúng ta dễ dàng nhìn thấy hình ảnh những người “nghệ sĩ” đang trình diễn các tiết mục của mình. Không được đào tạo bài bản, biểu diễn không chuyên nghiệp, “sân khấu” của họ cũng chẳng có gì, chỉ cần một khoảng trống nhỏ giữa đám đông ồn ào hay đứng lên một chiếc ghế cao cho nhiều người nhìn thấy là những “nghệ sĩ” này sẵn sàng biểu diễn.

Gia đình anh Nguyễn Đức Tùng, chị Lý Thị Quyên chuẩn bị kẹo để bán buổi tối

Họ có thể là “ảo thuật gia”, cũng có thể là “diễn viên xiếc” hay một “ca sĩ”, “vũ công”, cũng có khi là người đa năng, có thể biểu diễn nhiều thể loại. Trong số đó, có lẽ, ảo thuật là loại hình được nhiều người ưa chuộng.

Anh Nguyễn Đức Tùng (SN 1987), quê ở thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang là một trong những gương mặt quen thuộc tại các quán ăn trên địa bàn TP.Tân An. Anh Tùng theo học nghề ảo thuật từ năm 2013 và biểu diễn đến giờ. Anh chia sẻ, số vốn ban đầu theo nghề ảo thuật không nhiều, chỉ cần kiên trì tập luyện thì có thể sống được với nghề này. Ban đầu, người mới bắt tay vào nghề, chỉ cần tập nhuần nhuyễn một số tiết mục đơn giản như: Biến giấy thành tiền; đốt lửa ra thỏ, bồ câu,... Sau đó thì có thể tập luyện các trò ở mức độ khó hơn, kỹ thuật cao hơn như thổi bong bóng ra bồ câu, đốt giấy thành bông hồng,...

Trước đây, anh cũng tập luyện các tiết mục ấn tượng và nguy hiểm như nuốt kiếm, nuốt rắn, nhai lưỡi lam, nhai than nóng,... Trong một lần biểu diễn nuốt kiếm, anh bị thủng dạ dày và nằm viện. Kể từ sự cố ấy, anh quyết định bỏ những màn trình diễn nguy hiểm này vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bản thân.

Lênh đênh “kiếp cầm ca”

Để biểu diễn ảo thuật thì phải tập luyện rất công phu, còn với những ca sĩ đường phố, chỉ cần một chiếc micro, thùng loa di động cùng chất giọng sẵn có. Và người bạn đời luôn kề vai, sát cánh với anh Tùng cũng là một "ca sĩ" đường phố. Thời gian trước, khi anh Tùng còn là bếp trưởng một nhà hàng tại TP.HCM, chị Lý Thị Quyên bỏ mối hải sản nên hai người gặp gỡ và yêu nhau.

Khi về Long An, anh làm ảo thuật kiếm sống thì chị cũng rong ruổi bên xe kẹo kéo để phụ giúp chồng. Cứ mỗi tối, 2 người đi về 2 ngả để mưu sinh, nuôi con nhỏ. Những hôm khách đông còn đỡ, hôm nào mưa lớn, cả gia đình coi như... thất thu.

Sau nhiều lần thất bại, em Nguyễn Tấn Lợi có thể tự làm kẹo kéo để vừa hát, vừa bán kẹo mưu sinh

Là phụ nữ, đi bán dạo ở các quán ăn cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, khách say xỉn, có hành động không đúng mực là điều không tránh khỏi. Những lúc như vậy, chị phải nhanh chóng tìm cách “rút” đi để không bị ép uống rượu, bia hay trêu chọc.

Hiện tại, 2 người cháu của chị ở Vũng Tàu cũng vào đây theo cô học nghề. Tuy nhiên, chị khuyên các cháu chỉ dành dụm để có tiền học nghề khác như làm tóc..., không nên gắn bó lâu dài, vì nghề này chẳng có tương lai! Chị Quyên chia sẻ: “Cái nghề này, bất đắc dĩ lắm mới phải làm, chủ yếu là dành dụm chút đỉnh để lo cho con. Khi hát, tôi chọn những bài nhẹ nhàng chứ không nhảy nhót lố lăng, phản cảm. Nếu lỡ gặp ai đó có hành động khiếm nhã, mình cũng chẳng đôi co, chỉ mong mọi việc êm xuôi. Nhiều chủ quán thương tình cho bán, người nào không cho thì mình đi chỗ khác chứ không dám làm phiền. Nhiều đêm lủi thủi về, bản thân cũng buồn lắm. Đến giờ, vợ chồng vẫn còn đau đáu với nghề nấu ăn, nếu mọi việc suôn sẻ, có đủ tiền, đủ vốn thì chúng tôi lại mở một quán ăn...”.

Còn em Nguyễn Tấn Lợi, quê ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cũng là một ca sĩ không chuyên kiêm vũ công đường phố. Nghỉ học từ năm lớp 8, chính vì đam mê ca hát và không muốn phụ thuộc gia đình, Lợi quyết tâm lên TP.HCM để thỏa ước nguyện trở thành ca sĩ. Chẳng có kiến thức về âm nhạc, chỉ có năng khiếu cá nhân nên em cứ hát, cứ nhảy theo bản năng. Để tiết kiệm chi phí, Lợi học lóm cách làm kẹo kéo để vừa biểu diễn, vừa bán hàng.

“Sau mấy lần hư mười mấy kilôgam đường rồi đem kẹo cho giáp xóm, giờ em có thể tự tin với tay nghề làm kẹo kéo” - Lợi chia sẻ. Chọn mảnh đất Long An làm nơi dừng chân để mưu sinh nhưng Lợi vẫn nuôi hy vọng, ngày nào đó sẽ trở về quê ổn định công việc, được gần gũi với gia đình.

Dù chẳng ai muốn gắn bó mãi với nghề bán mồ hôi, đánh cược sức khỏe, thế nhưng, họ vẫn phải cố gắng vì miếng cơm, manh áo. Dù chưa thể được công nhận là một cái nghề như những nghề nghiệp khác trong xã hội, thế nhưng, những người “nghệ sĩ” đường phố vẫn xứng đáng được trân trọng - vì đồng tiền của họ kiếm được cũng là đồng tiền chính đáng, trong sạch, được góp nhặt từ mồ hôi, nước mắt./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết