Tiếng Việt | English

10/04/2019 - 11:44

Rừng tràm chuyển mình

Đó là câu nói đầy phấn khởi của người dân vùng Đồng Tháp Mười khi gần 4 năm qua, tràm liên tục tăng giá. Giờ đây, trồng tràm để giữ đất đã là chuyện cũ, bởi hiện tại, mỗi hécta tràm, người dân có thể thu lãi cả trăm triệu đồng.

Nông dân trồng tràm có thu nhập cao nhờ cung không đủ cầu

Nông dân trồng tràm có thu nhập cao nhờ cung không đủ cầu

Hiện tràm có giá dao động từ 120-150 triệu đồng/ha, tăng gấp đôi năm 2014 và tăng từ 3-4 lần so với lúc giá tràm xuống thấp nhất. Sau khi trừ chi phí, người dân có lợi nhuận từ 80-120 triệu đồng/ha. Lý giải về việc giá tràm tăng vọt, người dân cho rằng do cung không đủ cầu.

Trước đây, phải mất từ 7-8 năm, người dân mới có thể khai thác tràm. Nhưng với nhu cầu tiêu thụ mạnh, tràm chỉ trồng từ 3,5-4 năm là thương lái đã tìm đến mua. Hiện tại, đa phần diện tích tràm sau khai thác đều được người dân trồng lại. Ngay cả những diện tích trước đây sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả cũng được chuyển sang trồng tràm với kỳ vọng giá tràm tiếp tục ở mức cao.

Ông Nguyễn Văn Tụp, ngụ xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An cho biết: “Gia đình tôi trồng 1ha tràm, bán với giá 150 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lãi trên 100 triệu đồng. Hy vọng, giá tràm cứ ở mức như vậy để nông dân chúng tôi bớt vất vả và có cuộc sống khá giả hơn”.

Trước nhu cầu trồng tràm tăng khiến tràm giống trở nên “hút hàng”, thậm chí không đủ cung cấp cho người dân, nhất là ở huyện Thạnh Hóa - địa phương có diện tích rừng tràm lớn nhất tỉnh. Sau thời gian bỏ hoang hơn 3ha đất, ông Lưu Văn Vân, ngụ xã Thạnh Phú, quyết định dọn đất, trở về nghề cũ: Trồng tràm giống. Thời gian gieo tràm giống ngắn, chỉ 6-7 tháng là có thể thu hoạch. Hiện tràm giống có giá khá cao, từ 1,2-1,8 triệu đồng/10.000 cây, cao gấp 3 lần so với trước đây. Với giá này, sau khi trừ chi phí, người trồng lãi từ 100-120 triệu đồng/ha.

Ông Lưu Văn Vân thông tin: “Vài năm trước, gia đình tôi trồng 3ha tràm giống nhưng lúc đó tràm rớt giá, không ai mua nên phải thuê người phá bỏ và lỗ vốn trên 30 triệu đồng. 4 năm trở lại đây, cây tràm có giá, thương lái đến tận ruộng thu mua nên gia đình tôi không chỉ lấy lại được số tiền lỗ của mấy năm trước mà còn lời được một khoản tiền kha khá. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình sung túc hơn”.

Cây tràm còn góp phần giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động nhàn rỗi ở nông thôn

Cây tràm còn góp phần giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động nhàn rỗi ở nông thôn

Ngoài giúp người trồng có thu nhập ổn định, cây tràm còn góp phần giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Bởi, khi cây tràm phát triển nhiều đồng nghĩa với việc người dân có nhu cầu thuê người lao động chặt tràm, nhổ tràm, trồng tràm,... rất lớn.

Chị Lê Thị Ánh, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa, nói: “Nhờ cây tràm mà tôi có việc làm quanh năm. Bình quân một ngày, tôi có thu nhập trên 150.000 đồng. Số tiền này có thể giúp gia đình trang trải cuộc sống hàng ngày, lo cho các con ăn học”.

Tràm từng là cây làm giàu của người dân Long An. Thời cực thịnh, diện tích rừng tràm toàn tỉnh ước khoảng 60.000ha. Nhưng một thời gian dài sau đó, tràm liên tục rớt giá, người dân phải phá tràm chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Vì vậy, hiện tại, toàn tỉnh còn khoảng 25.000ha tràm. Nếu rừng tràm ở các tỉnh khác chủ yếu do Nhà nước quản lý thì ở Long An, 70% diện tích tràm thuộc quyền sở hữu của người dân. Thế nên, nếu thị trường ổn định, giá cao thì người dân tiếp tục bám rừng, giữ tràm, hạn chế được tình trạng phá tràm chuyển đổi sang cây trồng khác như thời gian qua./.

Nhã Lam

Chia sẻ bài viết