Tiếng Việt | English

06/05/2017 - 19:41

Sà lan neo đậu dày đặc trên sông Tiền chờ chở cát

Ngày 06/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp- Nguyễn Thanh Hùng cùng lãnh đạo một số sở, ban ngành trực tiếp kiểm tra các điểm khai thác cát sông đầu nguồn sông Tiền ở địa phận huyện Hồng Ngự.


Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khảo sát cát sáng 06/5 - Ảnh: Thành Nhơn

Đảo ca nô một vòng nhánh sông Tiền, ghi nhận có hàng chục phương tiện xáng cạp đang khai thác cát cùng hàng trăm phương tiện mang biển số nhiều tỉnh thành cũng neo đậu dày đặc ở đây để chờ mua cát. Đặc biệt có những đoạn sông tập trung đến hơn 50 phương tiện.

Ông Hùng đã trực tiếp lên xáng cạp tại mỏ cát số 4 do công ty CP Xây lắp và VLXD tỉnh Đồng Tháp khai thác. Tại đây ông đã hỏi trực tiếp thời gian, trữ lượng khai thác cũng như giá cả bán cát cho các đối tác trong và ngoài tỉnh.

Theo đó hiện giá cát được thu mua tại chỗ là khoảng gần 20.000 đồng/m3 đối với cát đen, khoảng 40.000 đồng/m3 đối với loại cát vàng hạt nhuyễn và 60.000 đồng/m3 đối với loại cát vàng hạt to.

Theo báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Đồng Tháp, trên địa bàn huyện Hồng Ngự có 1 đơn vị là Công ty CP Xây lắp và VLXD tỉnh Đồng Tháp được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát sông với 9 khu vực. Tổng lượng xáng cạp 24 chiếc với tổng công suất cho phép khoảng 3.750.000m3/năm.


Một xáng cạp đang khai thác cát trên sông Tiền thuộc địa phận huyện Hồng Ngự - Ảnh: Thành Nhơn


Phương tiện neo đậu dày đặc chờ chở cát - Ảnh: Thành Nhơn

Theo ông Võ Minh Tâm - phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Tháp - sà lan neo đậu nhiều trên nhánh sông trên là do các nơi dừng khai thác cát nên sà lan từ các tỉnh đổ về đậu tràn lan. Hiện nhiều phương tiện phải neo đậu hơn 1 tuần mới có thể lấy cát.

"Nếu Đồng Tháp giảm sản lượng khai thác khoảng 30% thì giá cát tại TP.HCM có thể tăng lên 1 triệu đồng/m3, nếu dừng khai thác cát khoảng 1 tuần thì thị trường cát sẽ có biến động lớn", ông Tâm nói.

Sau khi khảo sát, ông Hùng đã trực tiếp chỉ đạo các sở, ban ngành bố trí chỗ đậu hợp lý cho các phương tiện khai thác, thu mua cát, tránh dồn ứ một chỗ. Đồng thời cắm biển báo cấm các sà lan neo đậu tại địa điểm sạt lở gây bức xúc trong dân.

Ngoài ra, ông Hùng lưu ý các cơ quan chức năng kiểm soát, hạn chế "cò cát" để giữ trật tự cho các địa điểm khai thác cát.

"Sắp tới phải tìm các loại vật liệu thay thế cho tài nguyên cát sông đang ngày càng cạn kiệt. Sản lượng khai thác cát tại Đồng Tháp và An Giang không thể nào đủ cung ứng cho thị trường xây dựng trong thời gian tới", ông Hùng chia sẻ./.

Theo Tuoi tre online

Chia sẻ bài viết