Tiếng Việt | English

12/07/2018 - 14:23

Sân chơi nào cho trẻ em nông thôn?

Mỗi dịp hè, chuyện thiếu sân chơi cho trẻ em nông thôn lại được nhắc đến. Ở nông thôn, việc tìm kiếm một sân chơi an toàn, bổ ích dường như quá khó khăn.

Trẻ em nông thôn cần lắm những sân chơi bổ ích ngày hè

Trẻ em nông thôn cần lắm những sân chơi bổ ích ngày hè

"Khát" sân chơi

Sân chơi hè của trẻ em nông thôn thường thấy là bãi đất trống với các trò chơi: Nhảy dây, bắn bi, nhà chòi,... Dưới cái nắng chói chang của buổi trưa hè, cặp tuyến đường KT7, địa bàn xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An chúng tôi tình cờ gặp một nhóm trẻ cả nam lẫn nữ khoảng 7-8 tuổi đang ngồi chơi bắn ná. Em Tuấn tâm sự: “Em thường xuyên chơi đá bóng, bắn bi, bắn ná với các bạn trong xóm. Ở đây chỉ có mấy trò này thôi!”.

Hè về, trong khi cha mẹ vẫn tất bật với việc đồng áng thì các em phải tự tìm sân chơi. Một số em tinh nghịch tắm kênh, trèo cây,... không có sự quản lý của người lớn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, thương tích. Một số khác lại tụ tập đá bóng dưới lòng đường... dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Chị Thạch Hồng Hương, ngụ xã Hưng Điền B, nói: “Nghỉ hè, con tôi và mấy đứa nhỏ gần nhà cứ quanh quẩn chơi bắn bi, đá bóng rồi rủ nhau tắm kênh. Mặc dù tụi nhỏ biết bơi nhưng tôi cũng lo lắm”.

Vào mỗi dịp nghỉ hè, các trường đều có giấy chuyển sinh hoạt Đoàn, Đội cho học sinh về địa phương, tuy nhiên, việc tổ chức, tập hợp, tạo sân chơi cho trẻ em rất khó, các hình thức sinh hoạt chưa thu hút các em.

Bí thư Đoàn xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng - Trần Văn Liêm chia sẻ: “Mỗi dịp hè, chúng tôi đều tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao nhằm thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia nhưng một phần do nhận thức của các em về hoạt động Đoàn, Đội chưa cao, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, phải đi làm phụ giúp gia đình nên khó tập hợp. Hơn nữa, kinh phí ít, địa phương chưa tổ chức được nhiều hoạt động vui chơi, giải trí".

Cần được quan tâm nhiều hơn

Ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, chưa có sân chơi hè đúng nghĩa dành cho trẻ. Một số địa phương có nhà thiếu nhi nhưng chưa phát huy hết công năng, chủ yếu chỉ tập hợp những em ở khu vực thị trấn, gần trung tâm huyện.

Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Hưng - Trần Hữu Hiệp cho biết: “Nhà Thiếu nhi huyện được xây dựng nhiều năm qua, được đầu tư trang thiết bị phục vụ vui chơi, giải trí cho thiếu nhi, vào dịp hè thường xuyên mở các lớp năng khiếu như múa, hát, đàn, vẽ, luyện chữ, võ thuật,... Thế nhưng, đa số các em tham gia đều ở thị trấn và các xã lân cận. Còn những địa phương khác, theo kế hoạch tổ chức sinh hoạt hè tại trường hoặc được Đoàn xã tổ chức”.

Thiếu sân chơi, các em nhỏ thường tụ tập thành nhóm để chơi

Thiếu sân chơi, các em nhỏ thường tụ tập thành nhóm để chơi

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Huỳnh Thanh Hiền cho biết: “Những năm qua, huyện quan tâm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thanh, thiếu niên. Hàng năm, huyện tổ chức khai mạc hè, phát động Tháng hành động Vì trẻ em, vận động mạnh thường quân tặng quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, nhiều địa phương chưa đầu tư được các khu vui chơi, giải trí, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sinh hoạt hè của các em. Để giải bài toán này, huyện đang tìm nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa sân chơi cho trẻ. Ngoài tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, huyện chú trọng tổ chức các hoạt động mang tính cộng đồng để trẻ được phát triển toàn diện”.

Thiết nghĩ, để tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em ở vùng nông thôn vào mỗi dịp hè, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, cũng như toàn xã hội./.

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết