Tiếng Việt | English

22/01/2018 - 12:08

Sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao còn nhiều khó khăn

Sau hơn 2 năm thực hiện, Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đạt kết quả khả quan. Đối với cây lúa, nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả đáng kể nhưng còn không ít khó khăn.

Hình thành các vùng sản xuất lúa ƯDCNC

Đến cuối năm 2017, tỉnh có 600ha (kế hoạch 4.200ha) lúa ƯDCNC. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Nguyễn Chí Thiện: Thời gian qua, ƯDCNC trên cây lúa gồm các khâu: Ứng dụng tia laser để san bằng mặt ruộng; sử dụng giống chất lượng cao, đạt chuẩn cấp xác nhận với lượng 100kg/ha, sử dụng phân hữu cơ vi sinh để giảm phân hóa học, sử dụng chế phẩm nấm xanh quản lý rầy nâu, chế phẩm Sumitri xử lý ngộ độc hữu cơ và trồng hoa sinh thái trên bờ ruộng; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng máy cấy, sạ lúa, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy tự hành, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp (100%) và cuộn rơm sau thu hoạch; tập huấn và ứng dụng quy trình sản xuất 1 phải - 6 giảm, gắn với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, ngành rà soát, tổng hợp các danh mục công trình thủy lợi trong vùng dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC để báo cáo tỉnh cho chủ trương đầu tư; phối hợp Dự án VnSAT đào tạo, tập huấn 1 phải - 6 giảm cho nông dân trong mô hình điểm và 273 lớp tập huấn 3 giảm - 3 tăng cho nông dân, 7.575 lượt người tham gia (tương đương 18.448ha); 35 lớp 1 phải - 5 giảm với 722 nông dân tham gia (tương đương 2.059ha); xây dựng 13 điểm trình diễn 3 giảm - 3 tăng. Kết quả, mô hình ƯDCNC lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình trên 3 triệu đồng/ha/vụ.

Nhiều trạm bơm còn khó khăn về điện

Nhiều trạm bơm còn khó khăn về điện

Tại huyện Tân Hưng, vụ Đông Xuân 2016-2017 và Thu Đông 2017, thực hiện 2 mô hình với 100ha sản xuất ƯDCNC, đạt lợi nhuận từ 27-31 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn ngoài mô hình 10 triệu đồng/ha/vụ. Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng - Trần Tấn Tài cho biết: “Vụ Đông Xuân 2017-2018, huyện triển khai thực hiện 5 mô hình (mỗi mô hình 50ha) và nhân rộng 4 mô hình với tổng diện tích 460ha. Dự kiến, năm 2018, huyện kiến nghị tỉnh đầu tư xây dựng 21 công trình thủy lợi với tổng kinh phí gần 83 tỉ đồng”.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Chảnh thông tin: “Vụ Hè Thu 2017, huyện thực hiện 1 mô hình ƯDCNC với diện tích 50ha. Đến vụ Đông Xuân 2017-2018, huyện thực hiện 5 mô hình, diện tích 250ha. Kế hoạch vụ Hè Thu 2018, huyện thực hiện 6 mô hình, tổng diện tích 300ha với mục tiêu nhân rộng đạt trên 1.400ha sản xuất lúa ƯDCNC. Tỉnh hỗ trợ huyện 5 công trình phục vụ sản xuất lúa ƯDCNC với tổng kinh phí 1,9 tỉ đồng; huyện dành 8,5 tỉ đồng đầu tư hạ tầng tại Hợp tác xã (HTX) Hưng Phú (xã Vĩnh Thuận),...”.

Từ nguồn kinh phí của địa phương, các huyện khác cũng chủ động xây dựng mô hình sản xuất lúa ƯDCNC.Thạnh Hóa thực hiện 5 mô hình điểm (100ha); vụ Hè Thu 2017, huyện xây dựng 3 mô hình (150ha). Thị xã Kiến Tường, vụ Hè Thu 2017 xây dựng mô hình ƯDCNC tại HTX Nông nghiệp Thạnh Hưng (58ha), xã Bình Hiệp (20ha),...

Còn khó khăn

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Hữu Hồng: Quá trình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC còn nhiều khó khăn: Người dân chưa mạnh dạn tham gia; một số nơi, nông dân còn quen sạ mật độ dày, diện tích sử dụng máy cấy chưa nhiều; nông dân chưa sử dụng phân bón hữu cơ sinh học; công tác tuyên truyền chưa sâu, rộng; thiếu hệ thống lưới điện 3 pha; doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, nay không còn “mặn mà” với nông dân; mức kinh phí hỗ trợ thực hiện mô hình, đầu tư trạm bơm điện thấp so với chi phí thực tế,...”.

Giám đốc Sở NN&PTNT - Lê Văn Hoàng đánh giá: “Đến nay, kết quả thực hiện chương trình còn chso với yêu cầu. Nguyên nhân: Việc thông tin, tuyên truyền đến người dân chưa chặt chẽ, thường xuyên; một số thành viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội địa phương chưa tích cực tham gia, tiên phong trong thực hiện mô hình điểm; nhiều nơi, kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp ƯDCNC chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện phục vụ trạm bơm. Mặt khác, điều kiện thời tiết không thuận lợi, sâu, bệnh nhiều, chi phí sản xuất tăng; việc phát triển kinh tế tập thể (HTX, tổ hợp tác) còn nhiều khó khăn, bất cập trong chính sách hỗ trợ, tiếp cận vốn vay; nhiều người dân còn tâm lý vào HTX, tổ hợp tác tham gia mô hình sản xuất ƯDCNC chủ yếu để được nhận hỗ trợ từ Nhà nước,...”.

Nhiều mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả

Nhiều mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả

“Thời gian tới, ngành và các địa phương tăng cường tuyên truyền, quán triệt, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức trong cả hệ thống chính trị và người dân; tập trung rà soát tổng thể tiến độ triển khai thực hiện các công trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ đề án trong năm 2017 gắn với rà soát tất cả nguồn kinh phí thực hiện để có giải pháp xử lý, tháo gỡ các công trình có tiến độ chậm hoặc chưa triển khai theo kế hoạch, nhất là các công trình về điện, trạm bơm; rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện nhằm tạo điều kiện tiếp nhận dự án đầu tư về nông nghiệp, nông thôn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; chủ động thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ ổn định hướng đến xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị nông sản của địa phương; nghiên cứu, đưa một số chỉ tiêu quan trọng trong thực hiện đề án vào nghị quyết về phát triển KT-XH hàng năm từ tỉnh đến cấp xã” - ông Hoàng cho biết thêm./.

Quá trình sản xuất  nông nghiệp ƯDCNC  còn nhiều khó khăn: Người dân chưa mạnh dạn tham gia; một số nơi, nông dân còn quen sạ mật độ dày, diện tích sử dụng máy cấy chưa nhiều; nông dân chưa sử dụng phân bón hữu cơ sinh học; công tác tuyên truyền chưa sâu, rộng; thiếu hệ thống lưới điện 3 pha; doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, nay không còn “mặn mà” với nông dân; mức kinh phí hỗ trợ thực hiện mô hình, đầu tư trạm bơm điện thấp so với chi phí thực tế,...”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Hữu Hồng

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết